Khi những cơn bão đã đi qua, những trận lụt cũng thưa dần, trong cái lạnh của những ngày lập đông, bà con quê tôi lại bắt đầu gieo cấy một mùa cải, một mùa hy vọng mới.
Hạt cải những mùa trước để dành lại được đem ra gieo thử (mà dân quê tôi gọi là "rấm") xem có lên không trước khi lên hàng, lên luống. Những loại hạt cải không để giống được thì phải đi hỏi mua thêm. Mấy ngày sau, những hàng khoai lang, những sào đất gò đã được lên luống, những hạt mầm mới từ từ lên trong tiết trời giá lạnh.
Dụm dành cả năm để chăm chút một vụ cải quê nhà. Vụ cải ấy mang cả hy vọng của những người dân quê tôi về một cái Tết tươm tất, những bộ quần áo mới cho con, những bánh mứt quà quê để biếu ông bà cha mẹ. Bởi thế, không chỉ là một mùa cải bình thường, nó còn mang theo cả cái hồn quê thiêng liêng mà đầy ấm áp. Và ngay từ rất nhỏ, chạy lon ton theo ba theo mẹ ra đồng cấy cải Tết, tôi đã bắt đầu nhận ra cái không khí rất bình dị mà rất khó tả ấy trong từng nét mặt, trong từng đường cày đường cuốc của bà con quê.
Những cây cải dưới sự chăm sóc của bạn tay lam lũ, hút những chất dinh dưỡng từ đất quê, để rồi lớn dần lên trong sự trông chờ của ba, của mẹ và của bà con hàng xóm. Nhưng nhiều năm, trời như muốn đùa giỡn với con người, cải cấy xuống lại gặp ngay đợt mưa to, rồi hư. Gieo lại đến lần thứ tư mới có thể được yên bình nuôi tiếp niềm vui nho nhỏ. Rồi theo những lá cải lớn lên dần là những sáng sớm bắt sâu, những đêm bắt dế bởi chúng rất khoái khẩu với cải non. Và còn tưới nước, bón thêm phân. Hy vọng lớn dần cùng với công sức bỏ ra cũng ngày càng nhiều và tỉ mỉ hơn.
Lúc cải đã bắt đầu ăn được, lại phải canh chừng trộm. Vẫn có những kẻ quanh xóm hay ở nơi khác tới chực cướp lấy những giọt mồ hôi, những vất vả của bà con xóm tôi để làm của mình. Nhổ vài cây ăn rau thì không ai nói gì, bà con trong xóm với nhau cả. Đằng này, chúng đem cả bao, cả bội theo nhổ đem về bán sớm. Bởi thế, những ngày cải gần thu hoạch là những ngày gia đình tôi, cũng như bà con trong xóm phải chia nhau canh đêm đám cải nhà mình.
Chờ mãi rồi cũng tới ngày giáp Tết, cũng là mùa cải Tết cho thu hoạch. Từ 27, 28 Tết, trời còn tối đất, bà con xóm tôi đã ra đồng nhổ cải để kịp đem xuống chợ bán khi trời vừa sáng. Trong thời khắc giao hoà giữa bóng tối và bình minh, tiếng người gọi nhau í ới trên cánh đồng cải, những bóng hình dân quê gánh những gánh cải nặng trĩu đi trong màn sương... Tất cả đã tạo cho tôi một cảm giác gần gũi, thân thiết và làm cho tôi yêu thêm mảnh đất này.
Cải xuống chợ, rồi phải vất vả cả ngày để bán, khản cả giọng để mời người ta mua từng cây, từng bó. Bởi giữa chợ Tết, đâu phải chỉ một mình nhà mình có cải. Nhiều năm, cải rẻ như cho. Chiều tối 30 mà gánh cải mẹ oằn lưng gánh xuống chợ vẫn còn non nửa. Công sức và hy vọng cả hơn một tháng ròng cứ như bọt bong bóng tan dần. Nhưng rồi cũng phải bán đổ bán tháo để còn lo mua những thức cần cho ngày Tết của gia đình.
Tối 30, trong lúc chị em tôi ngồi quây quần bên ngồi bánh chưng đang nấu, mẹ đem đống tiền lẻ bán cải mấy ngày giáp Tết ra đếm lại. Lúc ấy, tôi cảm nhận được niềm vui ánh lên trong ánh mắt của mẹ, của ba sau một năm lam lũ. Chỉ vui một chút vậy thôi, rồi mùng hai, mùng ba Tết mẹ ba lại tiếp tục với những vụ mùa, để gieo tiếp những hạt mầm hy vọng vào đất quê nhà.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Nguyễn Thành Giang