Cuộc chiến thuế quan được cho là mang tính lịch sử và có khả năng định hình lại cán cân thương mại thế giới do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động giờ đây chỉ còn tập trung vào một mục tiêu duy nhất: Trung Quốc.
Mức độ leo thang trong cuộc chiến thuế giữa Mỹ với Trung Quốc khiến cả thế giới choáng váng. Chỉ trong một tuần, thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc đã tăng từ 54% lên 104% và hiện là 125%. Đáp lại, Trung Quốc cũng tăng thêm thuế với tất cả hàng nhập khẩu từ Mỹ lên 84%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Hôm 9/4, ông Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày với tất cả các đối tác, trừ Trung Quốc, làm nóng hơn nữa cuộc đối đầu không chỉ gây đau đớn cho cả hai nền kinh tế vốn gắn bó mật thiết, mà còn làm trầm trọng thêm cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường.
"Đây có lẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy xu hướng tách rời hoàn toàn giữa hai nước", Nick Marro, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á tại tổ chức tư vấn Economist Intelligence Unit, trụ sở tại Anh, nhận xét.
Lý do khiến Tổng thống Trump không hoãn áp thuế lên Trung Quốc dường như xuất phát từ việc Bắc Kinh đã nhanh chóng đáp trả đòn thuế của ông một cách không khoan nhượng.
"Họ muốn đạt được một thỏa thuận nhưng không biết phải thực hiện như thế nào", ông nói với báo giới hôm 9/4.
Nhưng góc nhìn từ các lãnh đạo Trung Quốc có vẻ hoàn toàn khác so với ông chủ Nhà Trắng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/4 khẳng định nước này không muốn đối đầu với Mỹ, nhưng sẽ không sợ hãi nếu Mỹ tiếp tục đe dọa áp thuế, thêm rằng "cách hành xử của Mỹ không được mọi người ủng hộ và sẽ thất bại".
Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nước này cởi mở trong việc đàm phán với Mỹ, nhưng phải trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, nhấn mạnh "việc gây sức ép, đe dọa, bắt nạt" không phải là cách hành xử đúng với Trung Quốc.
Theo giới chuyên gia, những phát biểu trên cho thấy Trung Quốc tin rằng nhún nhường, nhượng bộ không phải lựa chọn trước cái mà họ coi là hành vi "bắt nạt đơn phương" của Mỹ.
Lập trường không khuất phục của chính phủ Trung Quốc được tiếp sức từ quan điểm ủng hộ của người dân nước này. Trả lời phỏng vấn của AFP, nhiều người Trung Quốc tuyên bố họ sẵn sàng từ bỏ hàng Mỹ, kể cả những sản phẩm họ đã quen dùng, để chuyển sang sử dụng hàng nội địa.
"Tôi thực sự sợ thuế quan sẽ dẫn tới thương chiến khốc liệt. Điều đó không tốt cho tất cả mọi người", Sun Fanxi, kỹ sư công nghệ 27 tuổi ở Bắc Kinh, nói, nhưng thêm rằng dù bất kỳ chuyện gì xảy ra, cô hoàn toàn ủng hộ các quyết định mà chính phủ Trung Quốc đưa ra. "Nếu đất nước muốn chúng tôi làm điều gì đó, hãy làm như vậy".
Đây được coi là một phần chiến lược mà Bắc Kinh đã chuẩn bị kể từ khi ông Trump rời nhiệm sở cách đây hơn 4 năm, sau khi hứng chịu thương chiến lần thứ nhất dưới nhiệm kỳ của ông.
Bắc Kinh từ lâu nhấn mạnh rằng họ muốn đàm phán thay vì đối đầu và việc Tổng thống Trump leo thang nhanh chóng đòn thuế chỉ càng củng cố niềm tin rằng Mỹ mới là bên đẩy vấn đề đi xa.
Giới chuyên gia nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc có lẽ cũng muốn tận dụng cơ hội này để củng cố vị thế và hình ảnh đất nước trên trường quốc tế, truyền đi thông điệp rằng Bắc Kinh hoàn toàn không lép vế trước Washington và luôn ủng hộ thương mại tự do, trái ngược với chủ nghĩa bảo hộ.
"Trung Quốc lâu nay đã nhận thức rõ rằng họ sẽ phải bước vào giai đoạn đối đầu kéo dài với Mỹ, rằng Trung Quốc cần chuẩn bị cho điều đó và họ thực sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng", Jacob Gunter, nhà phân tích kinh tế hàng đầu tại tổ chức tư vấn MERICS, trụ sở tại Berlin, Đức, nhận xét. "Trung Quốc đã chấp nhận lời thách đấu và họ sẵn sàng chiến đấu".
Suốt nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã là công xưởng của thế giới, nơi các chuỗi sản xuất ngày càng được tự động hóa, có khả năng cho ra đời mọi thứ, từ hàng gia dụng, giày dép đến đồ điện tử, nguyên liệu thô cho xây dựng, thiết bị công nghệ cao hay tấm pin mặt trời.
Các nhà máy Trung Quốc giúp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ cũng như toàn cầu bằng những sản phẩm giá cả phải chăng, song lại gây ra thâm hụt thương mại rất lớn. Thực tế trên khiến không ít người, trong đó có cả Tổng thống Trump, cảm thấy rằng toàn cầu hóa đã đánh cắp ngành sản xuất và việc làm khỏi Mỹ.
Theo một số ước tính, việc ông Trump tăng thuế lên tới hơn 125% có thể làm giảm hơn 50% lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong những năm tới.
Nhưng Mỹ sẽ không thể từ bỏ nhiều hàng hóa Trung Quốc trong một sớm một chiều. Điều này có thể đẩy giá tiêu dùng ở Mỹ lên cao, với thời gian tính bằng năm, trước khi các nhà máy thay thế đi vào hoạt động, qua đó làm tăng thêm khoảng 860 tỷ USD tiền thuế cho người dân Mỹ, theo các nhà phân tích từ JP Morgan.
Tại Trung Quốc, nhiều nhà cung cấp có thể chứng kiến mức lợi nhuận vốn đã mong manh của mình bị xóa bỏ hoàn toàn khi làn sóng thành lập nhà máy mới ở các quốc gia khác bắt đầu.
Victor Shih, giám đốc Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 thuộc Đại học California San Diego, cảnh báo nếu cuộc chiến thuế quan ở quy mô này kéo dài, nhiều người Trung Quốc có thể thất nghiệp và các công ty phá sản. Trong khi đó, hàng xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc có thể "chạm mức không".
"Nhưng Trung Quốc có khả năng kháng cự tốt hơn nhiều so với những gì các chính trị gia Mỹ nghĩ", ông nói, thêm rằng giới lãnh đạo Trung Quốc còn không phải chịu tác động từ các cuộc thăm dò tín nhiệm hay phản ứng gần như ngay tức thì từ cử tri giống như Mỹ.
Mặt khác, Bắc Kinh cũng tin rằng họ có thể vượt qua cơn bão.
"Để đáp trả thuế quan của Mỹ, chúng ta đã chuẩn bị và có chiến lược của mình. Chúng ta đã đối đầu với Mỹ trong một cuộc chiến thương mại suốt 8 năm qua, tích lũy đủ kinh nghiệm cho cuộc chiến này", bài xã luận đăng hôm 7/4 trên trang nhất tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh.
Bài viết cho hay Bắc Kinh có thể thúc đẩy "những nỗ lực phi thường" để tăng tiêu dùng trong nước, đồng thời áp dụng các chính sách mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế. "Các kế hoạch ứng phó đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ", bài viết khẳng định.
Và dù không chắc chắn về mức độ leo thang của các biện pháp thuế tiếp theo từ Mỹ, tâm lý của người dân Trung Quốc có vẻ khá bình tĩnh.
"Kết quả cuối cùng phụ thuộc vào việc ai có thể chịu đựng được một 'cuộc chiến kinh tế tiêu hao' kéo dài lâu hơn", nhà kinh tế học Cai Tongjuan từ Đại học Nhân dân Trung Quốc viết hồi đầu tuần. "Trung Quốc rõ ràng nắm giữ lợi thế lớn hơn về mặt sức bền chiến lược".
Trung Quốc những tuần gần đây cũng nỗ lực đàm phán với các quốc gia từ châu Âu đến Đông Nam Á nhằm mở rộng hợp tác thương mại, cố gắng giành ủng hộ từ các đồng minh và đối tác của Mỹ trong lúc họ đang tức giận vì đòn thuế.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã mang đến cho họ bài học quý giá, theo giới quan sát.
"Chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị cho ngày này trong ít nhất 6 năm, họ biết nó có thể lặp lại", Shih nói.

Công nhân sản xuất bóng rổ để xuất khẩu tại một nhà máy ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, hồi tháng ba. Ảnh: AFP
Các chuyên gia đánh giá Trung Quốc hiện có vị thế tốt hơn nhiều để vượt qua cuộc chiến thương mại so với năm 2018. Họ đã mở rộng giao thương với các khu vực khác trên thế giới, giảm tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ từ khoảng 20% tổng kim ngạch xuống dưới 15%.
Các nhà sản xuất của Trung Quốc cũng mở nhà máy tại nhiều quốc gia, một phần để tận dụng mức thuế thấp hơn của Mỹ.
Trung Quốc còn xây dựng chuỗi cung ứng cho đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác, nâng cấp công nghệ sản xuất bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và robot, đồng thời đầu tư mạnh tay cho năng lực công nghệ, trong đó có năng lực sản xuất chất bán dẫn.
"Trung Quốc cũng có những điểm yếu, nhưng trong một cuộc đối đầu toàn diện, những điểm yếu này hoàn toàn kiểm soát được. Mỹ sẽ không thể đẩy nền kinh tế Trung Quốc xuống vực thẳm", Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trụ sở tại Washington, nhận xét. "Mặc dù Washington không muốn thừa nhận, Trung Quốc có lý của mình khi nói rằng Mỹ không thể kìm hãm họ về kinh tế".
Vũ Hoàng (Theo CNN, AFP, Reuters)