Luật sư tư vấn
Tội Giết người theo điều 123 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (sau đây gọi gọn là tội Cố ý gây thương tích) dẫn đến hậu quả chết người theo điểm a khoản 4 điều 134 Bộ luật Hình sự thì khung hình phạt từ 7 năm đến 14 năm tù. Nếu làm chết từ hai người trở, khung hình phạt là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Cùng dẫn đến hậu quả chết người nhưng nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người thì hình phạt sẽ nặng hơn Cố ý gây thương tích. Bởi vì, hai tội này có những sự khác biệt cơ bản sau:
1. Mục đích phạm tội
Tội Giết người: Người phạm tội thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân.
Tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người: Người phạm tội thực hiện hành vi chỉ nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể của nạn nhân (không mong muốn nạn nhân chết). Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội.
2. Mức độ và cường độ tấn công
Tội Giết người: Mức độ tấn công nhanh và liên tục với cường độ tấn công mạnh có thể gây chết người.
Tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người: Mức độ tấn công yếu hơn và không liên tục, cường độ tấn công nhẹ hơn.
3. Vị trí tác động trên cơ thể nạn nhân
Tội Giết người: Thường là những vị trí trọng yếu trên cơ thể dễ dẫn đến chết người, như là vùng đầu, ngực, bụng,...
Tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người: Thường là những vị trí không gây nguy hiểm chết người, như là vùng vai, tay, chân...
4. Yếu tố lỗi
Tội Giết người: Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý.
Tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người: Người thực hiện hành vi phạm tội có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM