Nhật mở cửa biên giới đón lại khách quốc tế sau đại dịch từ tháng 10/2022 còn Trung Quốc là tháng 1/2023. Nhưng quỹ đạo hồi phục du lịch của hai quốc gia này hoàn toàn khác nhau.
Luôn nằm trong danh sách "Những điểm du lịch tốt nhất thế giới" do nhiều blogger du lịch, du khách và báo chí quốc tế bình chọn, Nhật Bản đang trên đà đón lượng khách kỷ lục vào năm 2024. Nhưng Trung Quốc, điểm đến với bề dày văn hóa, lịch sử, ẩm thực và phong cảnh đẹp không kém Nhật Bản, lại đối mặt với thực tế khác: lượng khách quốc tế quay trở lại chậm hơn nhiều.
Xét về nhu cầu ghé thăm của khách quốc tế, lượng khách đến Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng. Theo Cục Di trú Trung Quốc, lượng khách quốc tế 7 tháng đầu năm nay tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyến du lịch mùa hè ở Trung Quốc cũng tăng với lượng đặt phòng gấp đôi so với mùa hè năm ngoái, theo số liệu từ website du lịch Trip.com.
Dù vậy, lượng khách đến Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với trước đại dịch. Năm 2019, Trung Quốc đón 49,1 triệu lượt khách quốc tế. 7 tháng đầu năm nay, quốc gia này đón khoảng 17,25 triệu lượt khách.
Về phía Nhật Bản, quốc gia Đông Bắc Á cũng đang gặp khó khăn, nhưng không phải vì ít khách mà do quá tải khách du lịch. Theo số liệu từ Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO), 7 tháng đầu năm Nhật Bản đón hơn 21 triệu lượt khách quốc tế. Kể từ tháng 3 đến nay, trung bình mỗi tháng hơn ba triệu lượt khách ghé thăm quốc gia này, tăng đáng kể so với năm 2019.
Theo Joydeep Chakraborty, Giám đốc chiến lược và đầu tư tại Traveloka, Nhật Bản bùng nổ du lịch sau dịch nhờ phần lớn các sáng kiến của chính phủ. Giới chức từ lâu đã tập trung vào chiến lược biến Nhật thành điểm đến du lịch hàng đầu thông qua các nỗ lực thúc đẩy du lịch như nâng cao trải nghiệm du khách, đơn giản hóa quy trình du lịch cho khách quốc tế
Sự say mê với văn hóa Nhật Bản cùng đồng yen yếu cũng là một trong những lý do khiến du lịch bùng nổ tại quốc gia này.
Hiện tại, "quá tải du lịch" là chủ đề được nhắc đến trên các mặt báo khi nhắc đến Nhật Bản. Hình ảnh đám đông chen chúc tại các ngôi đền nổi tiếng ở Tokyo hay chính quyền địa phương chắn tầm nhìn núi Phú Sĩ, tăng giá vé với khách quốc tế không còn mới lạ. Bên cạnh đó, do quá tải khách nên 85% các công ty lữ hành - khách sạn tại Nhật năm nay đã phải hạn chế giờ hoạt động do thiếu hụt lao động, theo Liên đoàn Công nhân ngành dịch vụ và du lịch Nhật Bản.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Vì sao nhu cầu đến Trung Quốc lại không bằng trước dịch?
Theo công ty phân tích dữ liệu hàng không Cirium, công suất các chuyến bay đến Trung Quốc từ nhiều quốc gia vẫn thấp hơn trước dịch, đặc biệt là Mỹ hiện giảm 77% so với trước dịch.
Việc Trung Quốc mở rộng chính sách miễn thị thực sau dịch đang thúc đẩy nhu cầu ghé thăm của khách quốc tế. Theo Cục Di trú nước này, khoảng 58% du khách đến trong nửa đầu năm nay đến từ các quốc gia được hưởng chính sách nới lỏng visa.
Nhưng một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Mỹ, trong số 35 quốc gia được khảo sát, khách đến từ các quốc gia có thu nhập và chi tiêu cao như Anh, Australia, Pháp, Đức, Mỹ chưa có nhiều kế hoạch đến Trung Quốc. Du khách đến từ châu Á, châu Phi có các quan điểm tích cực về Trung Quốc và muốn ghé thăm nhiều hơn.
Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán kỹ thuật số tại Trung Quốc cũng khiến khách quốc tế đau đầu vì gặp khó trong việc đặt phòng trực tuyến, chi trả. Hầu hết khách quốc tế đều thừa nhận không quen với phần mềm thanh toán riêng tại quốc gia này.
Tháo gỡ nút thắt này là một trong những điều Trung Quốc cần làm để thu hút khách quốc tế trở lại, theo Song shan Huang, giáo sư tại đại học Edith Cowan, Australia. Giáo sư Huang cũng chỉ ra khách quốc tế thường gặp khó khi đặt vé tàu cao tốc, vé vào cửa các điểm tham quan nổi tiếng vì những nơi này thường yêu cầu sử dụng phần mềm WeChat để thực hiện.
"Nhiều cơ sở chỉ chấp nhận thanh toán qua WeChat Pay hoặc AliPay, khiến khách quốc tế gặp khó nếu chỉ mang theo tiền mặt hoặc thẻ tín dụng quốc tế", giáo sư Huang nói.
Anh Minh (Theo CNBC)