Cá chình điện (hay còn gọi là lươn điện) sống ở vùng Amazon, với đặc trưng là các cơ quan đặc biệt chuyên phóng điện. Ngoài ra, chúng còn sử dụng xung điện yếu hơn để xác định vị trí của con mồi, tương tự cách định vị tiếng vang của dơi và cá heo.
Một con cá chình điện có thể dài 2,4 m và nặng gần 23 kg, lớn hơn nhiều so với con mồi của chúng dưới nước. Do đó, dòng điện với hiệu điện thế lên tới 650 V được phóng ra có thể ít tác động đến chính loài cá này hơn so với con mồi.
Tuy nhiên, khi không ở môi trường nước, một con cá chình điện có thể nhạy cảm hơn với sức mạnh của chính nó. Nhà nghiên cứu Jason Gallant của Đại học bang Michigan, Mỹ từng nghe đến các trường hợp chúng có biểu hiện co giật khi bị kéo lên từ dưới nước. Nhiều khả năng dòng điện của chúng không dễ dàng biến mất qua không khí, mà thay vào đó di chuyển qua lớp da ướt và gây sốc hơn.
Nhóm của Gallant còn phát hiện rằng nhiều loài cá điện biểu hiện gene giống nhau, có chức năng mã hóa các protein cấu trúc có thể cách điện đối với cơ quan đặc biệt chuyên phóng điện.
Mặc dù vậy, theo Popsci, tất cả những điều này hiện chỉ là suy đoán. Trên thực tế, các nhà khoa học chưa thực sự tìm ra nguyên nhân cá chình điện không chịu ảnh hưởng trước chính dòng điện chúng phóng đi.
Anh Hoàng