Hội chứng Asperger là một dạng rối loạn tự kỷ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của người bệnh. Hội chứng do nhà bác học người Áo, Hans Asperger tìm ra vào năm 1944. Ông mô tả nhiều người trẻ tuổi có trí thông minh phát triển nhưng mắc phải một dạng tự kỷ, dẫn đến khả năng giao tiếp kém trong xã hội. Người mắc hội chứng Asperger nhìn, nghe và cảm nhận mọi thứ xung quanh khác với người bình thường.
Những thiên tài trên thế giới như Einstein, Newton, Michael Fitzgerald, Mozart được cho rằng có khả năng mắc hội chứng Asperger. Song vẫn có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này.
Trước khi mất, thiên tài vật lý Einstein có nguyện vọng dâng hiến bộ não của mình cho khoa học. Các nhà nghiên cứu tìm thấy phần lập luận toán học trong não của ông rộng hơn 15% và không chia thành nếp gấp như người bình thường. Sự khác biệt trong cách hoạt động của não bộ có thể giúp Einstein nhìn những vấn đề ở một khía cạnh khác với những nhà khoa học trước đó chưa thấy được.
Một trong những biểu hiện của người mắc Asperger là khả năng tập trung cao độ, nhất là vào các chi tiết. Khả năng này có thể mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh trong công việc.
Theo Tiến sĩ Temple Grandin, nhà khoa học mắc hội chứng tự kỷ, nhà hoạt động xã hội về hội chứng này, thế giới cần những con người Asperger. Theo bà, bộ não Asperger tập trung vào các chi tiết, trong khi bộ não bình thường có kỹ năng hơn trong việc ghép lại các khái niệm từ chi tiết. Một số người mắc Asperger giỏi tư duy hình ảnh, một số khác thiên về tư duy số học, toán học, âm nhạc nhưng tất cả đều tư duy chi tiết.
Trong nhiều năm, bà đã gặp nhiều người mắc Asperger có cuộc sống hạnh phúc khi họ có công việc thỏa mãn về mặt trí tuệ, trong đó có nhiều người là lập trình viên máy tính. Đây là lý do vì sao phát triển tài năng cho người tự kỷ hoặc người mắc hội chứng Asperger trở thành lập trình viên máy tính, kỹ sư, kế toán, thiết kế, nghệ thuật, âm nhạc rất quan trọng.
Nhiều người mắc Asperger đang thầm lặng làm tốt công việc của họ. Thế giới cần những người Asperger. Di truyền học và sinh học mang đến cho thế giới những bộ não khác nhau. Những bộ óc này có đóng góp to lớn cho xã hội hay không là do cả sinh học và môi trường quyết định, tiến sĩ Grandin viết.
Yếu tố di truyền trong hội chứng tự kỷ
Theo Tiến sĩ Cao Anh Tuấn, Tổng giám đốc Genetica Việt Nam, nguyên nhân chính xác của các rối loạn tự kỷ vẫn chưa được xác định, trong đó, yếu tố di truyền được cho là có liên quan. Gen CNTNAP2 mã hóa một loại protein đóng vai trò trong sự phát triển của hệ thần kinh. Cụ thể gen này ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh tổ chức, dẫn tín hiệu và tương tác với các tế bào hỗ trợ. Người có sự thay đổi bất lợi nào trong gen này làm tăng cao nguy cơ mắc tự kỷ. Tuy nhiên, người mang đột biến bất lợi này không có nghĩa là bị tự kỷ.
Một đột biến di truyền gần gen ARID1B có liên quan đến suy giảm trí tuệ nhẹ. ARID1B liên quan đến trí thông minh do có ảnh hưởng đến thể chai. Thể chai là một cấu trúc não có chức năng kết nối não trái và não phải, cho phép giao tiếp chính xác giữa hai nửa não. Tuy nhiên, người bị suy giảm trí tuệ nhẹ có thể sống và làm việc dưới sự giúp đỡ của công nghệ hiện đại.
Tiến sĩ Cao Anh Tuấn chia sẻ thêm, công nghệ giải mã gen có thể chẩn đoán nguy cơ rối loạn tự kỷ ở trẻ em, từ đó giúp phụ huynh đưa ra những quyết định phù hợp về mặt y tế và lối sống.
Ngọc An