Chỉ số khả năng chi trả nhà ở (Housing Affordability Index) quý III do Ngân hàng Canada theo dõi đã đạt mức cao nhất kể từ quý II/1982. Chỉ số này đo lường các chi phí liên quan đến nhà ở (thanh toán tiền vay thế chấp và phí tiện ích) mà một hộ gia đình phải trả hàng tháng trên tổng thu nhập khả dụng của họ. Chỉ số càng cao phản ánh mức độ khả năng chi trả càng kém.
Doug Porter, Kinh tế trưởng tập đoàn tài chính BMO, đánh giá đà tăng của lãi suất dài hạn trong mùa hè và đầu mùa thu, kết hợp với giá nhà leo thang trên thị trường đã gây ra "cú sốc kép" cho chủ nhà và các người mua tiềm năng.
Hồi đầu tháng 11, kết quả giám sát khả năng mua nhà của Ngân hàng Canada cũng lưu ý rằng quý III là bước lùi sau 3 quý cải thiện liền trước, xóa sạch gần hai phần ba của những gì đạt được trong khoảng thời gian đó. Ngân hàng trung ương này cho biết giá nhà tăng do nhu cầu lớn bởi tăng trưởng dân số và thiếu hụt nguồn cung thường xuyên. Nó làm mất đi lợi ích từ thu nhập hộ gia đình tăng quý trước.
Dữ liệu từ Tập đoàn Nhà ở và Thế chấp Canada (CMHC) vừa cho biết số lượng nhà mới xây ở Canada trong tháng 11 là 212.624 căn, giảm 22% so với 272.264 căn hồi tháng 10 và thấp hơn nhiều so với ước tính. Nguyên nhân do chi phí vay cao hơn ảnh hưởng đến việc khởi công.
CMHC dự đoán nếu tốc độ xây dựng mới tiếp tục như hiện nay, nguồn cung nhà ở sẽ tăng lên gần 19 triệu đơn vị năm 2030. Nhưng cả nước vẫn cần xây thêm 3,5 triệu căn nhà vào thời điểm đó để khôi phục khả năng chi trả hợp lý.
Chính phủ Canada đang có kế hoạch tái giới thiệu danh sách các kế hoạch nhà ở đã được phê duyệt trước đây cho các nhà thầu, nhằm mở rộng nhanh chóng nguồn cung trong nước. Đây là cố gắng tương tự với nỗ lực của Canada sau Thế chiến II để tăng số lượng nhà ở dành cho các cựu chiến binh trở về.
Theo Ngân hàng Canada, khả năng chi trả cho mua nhà tại nước này có thể còn tệ hơn, do lãi suất vay mua nhà đang có xu hướng tăng ổn định từ tháng 10. "Nếu lãi suất giữ nguyên mức hiện tại, chỉ cần giá nhà tăng 2% trong quý IV thì khả năng mua nhà sẽ vượt mức kém nhất trong một thế hệ", báo cáo viết.
Tuy nhiên, vẫn có tín hiệu tốt là thị trường trái phiếu bắt đầu hạ nhiệt từ tháng trước, với lợi suất một số trái phiếu dài hạn giảm. Lợi suất trái phiếu dài hạn đóng vai trò như tham chiếu cho các khoản vay lãi suất cố định. Do đó, xu hướng giảm của nó sẽ dần được phản ánh trên thị trường tín dụng nhà ở.
Kinh tế trưởng BMO Doug Porter lưu ý rằng 3 lần gần đây nhất mà người Canada phải đối mặt với tình trạng khó mua nhà tăng đột biến gồm: đầu những năm 1980 và 1990, giai đoạn 2007 - 2008 khi nền kinh tế rơi vào suy thoái ngay sau đó. Nền kinh tế Canada đã suy thoái trong quý III, với một số ngân hàng lớn dự đoán một cuộc suy thoái nhẹ sẽ xảy ra đầu năm 2024. "Chúng tôi dự đoán nền kinh tế sẽ khó vào năm 2024", Porter nhận định.
Anh Kỳ (theo GlobalNews, Reuters)