Đèn đỏ chuẩn bị xanh, các bạn lại lùi về phía lề đường để nhường cho dòng xe cộ tiếp tục lưu thông. Gần nửa tháng qua, hình ảnh những thanh niên tình nguyện trong màu áo đen đứng ở ngã tư giương cao biểu ngữ kêu gọi tắt máy xe 20 giây để bảo vệ môi trường khiến nhiều người TP HCM tò mò.
Đây là một trong những hoạt động của chiến dịch “20 giây cho Giờ trái đất xanh” kéo dài từ ngày 15 đến 29/3, nhằm kêu gọi người đi đường hình thành thói quen tắt máy xe khi dừng đèn đỏ. Nhờ đó sẽ giảm được đáng kể lượng khói xe thải ra môi trường. Khoảng 500 tình nguyện viên Sài Gòn tham gia chiến dịch này. Dự án còn vận động người dân hưởng ứng Giờ trái đất bằng nhiều hành động như tắt các thiết bị điện không cần thiết trong sinh hoạt và sản xuất.
Từ trung tuần tháng 3, nhóm bạn trẻ tình nguyện này đã tập trung lên kế hoạch cho chiến dịch. Họ tự tay thiết kế những bảng khẩu hiệu cổ động ấn tượng bằng màu vẽ và giấy. Sau gần một tuần chuẩn bị, nhóm phân công nhau trực tại các giao lộ có lượng xe máy lưu thông nhiều trên toàn thành phố vào giờ cao điểm từ 16h đến 18h các ngày trong tuần.
Chị Nguyễn Thị Xuân Thùy, Trưởng nhóm dự án cho biết, trước khi thực hiện, các tình nguyện viên đều lo lắng vì đây là lần đầu tiên tham gia chương trình cộng đồng và phải tiếp xúc rất nhiều người dân. "Nhiều khi bị mắng là khùng điên khi ra đường đứng giữa trời nắng để thay đổi một hành động dường như đã là thói quen của người dân. Nhưng khi bắt đầu công việc, ai cũng phấn khởi vì người đi đường vui vẻ tắt máy và tìm hiểu thêm về ý nghĩa của hoạt động này”, Thùy chia sẻ.
Chứng kiến việc làm "lạ lùng" của các bạn trẻ, nhiều người đi đường không khỏi thắc mắc. Anh Trương Minh Tùng, một người đi đường tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Cách Mạng Tháng Tám chia sẻ: "Trước đây tôi không nghĩ việc tắt máy khi dừng đèn đỏ lại có ý nghĩa bảo vệ môi trường. Được các bạn trẻ nhắc nhở, hễ dừng đèn đỏ mà thấy số giây đồng hồ còn từ 20 trở lên thì tôi tắt máy. Tôi thấy khi dừng xe mà không ai ấn còi hối thúc, không tiếng máy xe, cảm giác rất dễ chịu”.
Chị Hoàng Huỳnh Phi, dừng xe tại giao lộ Lý Thường Kiệt - Ba Tháng Hai kể: “Năm ngoái cũng có các bạn thực hiện chương trình này và cá nhân tôi đã tạo được thói quen. Rất vui khi thấy các bạn lại xuất hiện để nhắc nhở chúng tôi”.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 37 triệu xe máy và 2 triệu ôtô đang lưu thông. Mỗi ngày, người dân tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu vô ích cho việc dừng đèn đỏ và kẹt xe. ĐH Quốc gia Hà Nội đã tiến hành một nghiên cứu đo lượng tiêu hao năng lượng, lượng khí CO, CO2, HC, NOx phát thải khi khởi động máy xe cũng như để chế độ chạy không tải 5 giây, 10 giây, 15 giây… đến 90 giây. Kết quả cho thấy nếu tắt máy từ 15 giây sẽ tiết kiệm lượng xăng khá lớn và bảo vệ môi trường sống. Lượng CO giảm 2,3 lần, lượng HC giảm 2,5 lần, lượng CO2 giảm 4 lần khi tắt máy xe so với để chế độ chạy không tải; lượng xăng tiết kiệm được tới 5,5 lần.
Ban điều phối chiến dịch Giờ trái đất xanh sau khi tham khảo tư vấn của các chuyên gia đã quyết định chọn con số 20 giây là phù hợp và dễ nhớ để kêu gọi mọi người cùng tắt máy xe.
Quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường, phó giáo sư Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên hiệu trưởng ĐH Tài nguyên và Môi trường cho biết, ô nhiễm môi trường không khí gây ảnh hưởng với sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại đáng kể đối với các ngành kinh tế sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp và du lịch.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, người bị các bệnh đường hô hấp (thường do ô nhiễm không khí gây ra) chiếm 3-4% tổng dân số. 74,5% số người bị bệnh bụi phổi là công nhân của các ngành mỏ, xây dựng, cơ khí và luyện kim, những người thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm bụi.
Một kết quả khảo sát được công bố bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm nghiên cứu Môi trường của ĐH Yale và ĐH Columbia của Mỹ, tại Diễn đàn kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, cho thấy Việt Nam nằm trong 10 nước có môi trường không khí bị ô nhiễm nhất thế giới. Nguyên nhân là Việt Nam chưa kiểm soát được các nguồn khí thải công nghiệp, giao thông và xây dựng phát sinh ngày càng lớn, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa rất nhanh.
Số lượng môtô, xe máy lưu hành trên toàn quốc khoảng 37 triệu chiếc, 2 triệu ôtô, ước lượng từ năm 2005 đến nay, nguồn thải gây ô nhiễm do hoạt động giao thông vận tải tăng 2,5 lần.
Số liệu thống kê của ngành y tế cũng cho thấy tỷ lệ người bị bệnh hô hấp ở các địa phương có trình độ phát triển hơn như TP HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng…, cao hơn 4-5 lần so với các địa phương kém phát triển. Lý do là môi trường ô nhiễm hơn.
Một cuộc điều tra của Cục Y tế, Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận thiệt hại kinh tế do ốm đau, mắc các bệnh đường hô hấp (chi phí khám chữa bệnh, giảm thu nhập do nghỉ ốm, chi phí người chăm sóc) tính trung bình trên đầu người dân nội thành Hà Nội là 1.538 đồng một ngày; đối với người dân nội thành TP HCM là 729 đồng một ngày.
Từ năm 2014, chiến dịch Giờ trái đất (Earth Hour) thế giới đã đổi tên thành Earth Hour Blue - Giờ trái đất xanh sẽ diễn ra từ 20h30 đến 21h30 (theo giờ Việt Nam) tối thứ bảy, ngày 29/3.
Thi Trân