Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cùng báo VnExpress ngày 28/5 tổ chức buổi báo cáo về kết quả khảo sát du khách nội địa hậu Covid-19. Số liệu cho thấy, người Việt đã sẵn sàng đi du lịch nhiều hơn trước. Trong đó, hơn 77% người tham gia khảo sát lựa chọn nghỉ dưỡng và hơn 50% lựa chọn khám phá ẩm thực. Về phương tiện, hơn 52% chọn đi du lịch bằng máy bay là dấu hiệu tích cực. Người Việt cũng quan tâm hơn đến những điểm đến du lịch an toàn, chỉ gần 20% người khảo sát lựa chọn đi du lịch vì có ưu đãi cho các dịch vụ.
Vào thời điểm trước và trong lệnh cách ly xã hội, lượt tìm kiếm từ khóa về du lịch trên Google chạm đáy, thấp nhất từ đầu năm 2020. Từ 22/4, nhu cầu du lịch ở Việt Nam dần phục hồi khi lệnh cách ly xã hội được nới lỏng, mọi người bắt đầu tìm kiếm từ khóa về du lịch nhiều hơn.
Thời gian qua, lượng tìm kiếm liên quan đến du lịch biển đảo Việt Nam trên Google đã tăng gấp đôi, đặc biệt là các vùng biển như Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Hạ Long. Lượng tìm kiếm về các công viên, vườn quốc gia cũng tăng nhẹ, với các điểm đến như Phong Nha - Kẻ Bàng, Vườn Quốc gia Ba Vì, Cúc Phương, Nam Cát Tiên, hang Sơn Đoòng...
Với các loại hình du lịch như vậy, du khách Việt có xu hướng chọn tour ngắn ngày (2 - 3 ngày) và 89% người tham gia khảo sát đi du lịch cùng gia đình, bạn bè. Kết quả này có thể do Covid-19 tác động đến chi tiêu ngân sách, tâm lí còn e ngại dịch bệnh và thói quen giãn cách xã hội. Ngoài ra, có một xu hướng mới về thói quen du lịch, khi khách tự đặt tour trực tiếp (62%) và đặt phòng khách sạn hoặc tour qua nền tảng trực tuyến. Đây đồng thời cũng là xu hướng trong thời gian tới, như vậy, các chuyên gia cho rằng cần cơ cấu lại ngành du lịch với doanh nghiệp và sản phẩm du lịch sao cho phù hợp.
Từ các số liệu trên, TAB đưa ra một số giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa. Cụ thể, chương trình kích cầu du lịch nội địa cần được truyền thông và quảng bá theo hướng coi đây là "cơ hội mang lại lợi ích" cho người Việt để khám phá vẻ đẹp Việt Nam. Các cơ quan, doanh nghiệp thúc đẩy truyền thông về dịch vụ, điểm đến du lịch an toàn dịch bệnh và an ninh để giải tỏa tâm lý e dè của du khách, thay vì quá tập trung tìm giải pháp ưu đãi.
Các doanh nghiệp lớn cần hợp tác với nhau và cam kết không bán sản phẩm không an toàn và chất lượng kém; không lừa dối khách hàng bằng quảng cáo sai sự thật; không bán với giá dưới giá thành sản xuất trực tiếp, không bán phá giá.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng được khuyến khích cơ cấu lại sản phẩm du lịch và doanh nghiệp du lịch. Cụ thể, các sản phẩm du lịch nên chuyển hướng về du lịch gia đình, du lịch nhóm nhỏ, du lịch thiên nhiên. Doanh nghiệp cũng nên áp dụng các hình thức thương mại điện tử, thanh toán điện tử, đại lý du lịch trực tuyến (OTA), đại lý bán sản phẩm du lịch cho các doanh nghiệp lớn, quảng bá du lịch qua e-marketing, mạng xã hội...
Ngân Dương