Sáng 2/8, dù mật độ xe cộ qua khu vực ngã 4 Bình Triệu vẫn rất đông và việc thu phí cầu Bình Triệu 1 vẫn tiến hành, song không xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như ngày đầu.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII - Chủ đầu tư dự án cầu đường Bình Triệu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng kẹt xe tại khu vực cầu Bình Triệu 1 trong ngày đầu tiên thu phí (1/8) là do nhà thầu dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (do công ty GS E&C làm chủ đầu tư) đang thi công cải tạo mặt đường nút giao Bình Triệu dưới chân cầu.
"Khu vực này trước kia có đến 5 làn xe nhưng giờ chỉ còn 2 làn nên đã tạo ra 'nút thắt cổ chai' khiến xe không thể thoát kịp và khi chân cầu bị tắc thì xe cộ trên cầu cũng bị kẹt. Việc thu phí chắc chắn là không dẫn đến kẹt xe bởi khi xả trạm không thu phí nữa thì vẫn bị ùn tắc", ông Bình khẳng định và dẫn chứng sáng 2/8, sau khi GS E&C cho mở rộng mặt đường để tạo năng lực thông xe lớn hơn thì khu vực này đã bớt ùn tắc, vài ngày nữa khi mặt đường không bị rào chắn thì kẹt xe sẽ hết.
Cũng theo người đứng đầu doanh nghiệp thu phí cầu Bình Triệu 1, thực tế khu vực cầu đã xảy ra kẹt xe từ ngày 25/7 chứ không phải từ ngày 1/8. "Việc ùn tắc vào ngày đầu thu phí chỉ là sự kiện trùng hợp. Cái gốc của vấn đề không phải do thu phí gây ra kẹt xe nên có thu ngày 1 hay 15/8 thì kẹt xe vẫn xảy ra nếu không giải phóng xong mặt bằng ở ngã tư Bình Triệu", vị này cho biết.
Về vị trí xây dựng trạm thu phí ngay đoạn dốc chân cầu Bình Triệu 1, theo ông Bình "không có gì bất thường và hoàn toàn hợp lý" bởi khoảng cách từ chân cầu Bình Triệu 1 đến trạm thu phí là rất xa. Hơn nữa, việc đặt một trạm thu phí hoàn toàn không phải dễ dàng mà phải được sự đồng ý của lãnh đạo thành phố. Từ ngày xây dựng trạm đã 3 năm thành phố mới cho phép thu phí.
"Tôi đã xem tất cả những bình luận của độc giả trên báo VnExpress và nghĩ rằng nhiều người chỉ mới dựa vào cảm giác là trạm thu phí ở gần cầu thôi. Khi đưa các thông số kỹ thuật vào để tính toán phải có sự thẩm định của cơ quan chuyên môn, cụ thể là Sở Giao thông vận tải phê duyệt chứ không thể dựa vào cảm giác là trạm thu phí nằm ngay dưới dốc cầu được", ông Bình nói.
Trước các ý kiến cho rằng người dân đã nộp phí sử dụng đường bộ nhưng vẫn phải trả phí qua cầu Bình Triệu 1 là "phí chồng phí”, ông Bình cho biết, việc thu phí này được thực hiện theo hợp đồng BOT (đầu tư - xây dựng - chuyển giao) giữa CII và UBND TP HCM nhằm hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp 2 cây cầu này. Sau khi thu phí sử dụng đường bộ, Nhà nước chỉ dừng thu phí ở những trạm thu cho ngân sách, còn các trạm thu phí của dự án BOT vẫn tiếp tục thực hiện theo hợp đồng. “Cái gì cũng có cơ sở, văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật chứ đâu phải ai muốn làm gì thì làm, muốn thu là thu”, ông Bình nói.
Về lời hứa "không cần đợi UBND TP yêu cầu nếu việc thu phí gây kẹt xe, CII sẽ tháo bỏ trạm thu phí dưới chân cầu Bình Triệu và xây dựng trạm khác", ông Bình khẳng định sẽ thực hiện đúng. "Một quy định bất thành văn của tất cả các trạm thu phí trên cả nước chứ không riêng gì của CII. Nếu khi đặt một trạm mà dẫn đến kẹt xe thường xuyên và liên tục thì chắc chắn trạm đó phải tháo dỡ vì không thể vì thu phí mà làm ảnh hưởng đến người dân", ông Bình chia sẻ và cho biết những ngày tới sẽ tiếp tục thu phí trong khung giờ thấp điểm và vẫn xả trạm khi xảy ra kẹt xe.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, việc chiếm dụng mặt đường để thi công dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài khiến giao thông trong khu vực bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Theo lịch thi công, đoạn đường từ trạm thu phí đến ngã tư Bình Triệu sẽ hoàn thành ngày 15/8. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tế, có thể nhà thầu sẽ thi công và đưa vào sử dụng đoạn đường nhanh hơn dự kiến. Theo đánh giá của Sở này, tình hình giao thông sẽ bớt căng thẳng khi GS E&C đưa vào sử dụng đoạn đường "thắt cổ chai" trước ngã tư Bình Triệu.
CII cho biết, với quy mô 4 làn xe, thời gian bán vé lượt qua trạm tối đa là 10 giây thì năng lực thông xe là 1.440 xe một giờ (tương đương 34.560 xe mỗi ngày). Nếu cộng cả những xe dùng vé tháng và quý (áp dụng thu phí không dừng), năng lực thông xe của trạm lên đến 1.800 xe một giờ (43.200 xe một ngày). Trong khi đó, qua ghi nhận thực tế lưu lượng xe qua trạm thấp hơn rất nhiều so với năng lực thông xe qua trạm, kể cả trong giờ cao điểm. Nhiều nhất cũng chỉ có 1.200 xe một giờ và 15.381 xe một ngày (bằng 61,8% so với năng lực của trạm). Ngoài ra, việc thu phí giao thông sẽ góp phần điều tiết, cải thiện tốt tình hình giao thông và giảm bớt tai nạn tại khu vực. Nguyên nhân do các phương tiện khi qua trạm thu phí phải bảo đảm giữ đúng làn đường, khoảng cách, tốc độ, xe qua từng chiếc một... nên không phóng nhanh, giành đường, lấn tuyến. Bên cạnh đó, việc lắp đặt dải phân cách cứng để phân làn dành riêng cho xe máy cũng góp phần cho tình hình giao thông tại khu vực được trật tự và an toàn hơn. |
Hữu Công