VKSND Cấp cao tại TP HCM vừa có quyết định không chấp nhận đề nghị của Công ty TNHH Thương mại Golden Lotus (Công ty Golden Lotus, chủ spa phong cách Hàn Quốc), về việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ tranh chấp mặt bằng kinh doanh với Công ty TNHH Thương mại Đầu tư phát triển Duy Tân.
Quyết định của VKSND Cấp cao được xem là có giá trị cuối cùng, khép lại vụ tranh chấp căng thẳng kéo dài giữa các bên.
Theo Viện, bản án của TAND TP HCM tuyên Golden Lotus phải bàn giao mặt bằng, tài sản gắn liền với đất tại số 27-33 Phạm Ngọc Thạch và 208 Pasteur quận 3; thanh toán hơn 190 triệu đồng cho Công ty Duy Tân là "có căn cứ, đúng pháp luật".
Công ty Golden Lotus có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm với bản án phúc thẩm với lý do có nhiều thiếu sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của công ty và những người liên quan. Cụ thể, Golden Lotus cho rằng, quá trình vụ án được giải quyết đã đề nghị tòa triệu tập hai người Hàn Quốc (là đối tác của công ty) với tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan nhưng không được chấp nhận.
"Tuy nhiên, những tài liệu liên quan đến việc Golden Lotus hợp tác với hai người Hàn Quốc mở spa được gửi đến tòa đều bằng tiếng nước ngoài và không công chứng hợp pháp. Do đó, tòa không xem xét những tài liệu bằng chứng này là có cơ sở", văn bản của VKSND Cấp cao nêu.
Viện cũng cho rằng, theo hợp đồng nguyên tắc Golden Lotus ký với Công ty Duy Tân, thời hạn hợp tác mặt bằng là 5 năm (từ tháng 1/2016 đến tháng 7/2021). Nhưng Golden Lotus đi ký kết hợp tác với hai người Hà Quốc thời hạn đến 10 năm (từ 2017 đến 2027). Phía bị đơn cũng không thông báo cho Công ty Duy Tân về việc này.
"Việc tòa án giải quyết tranh chấp giữa Công ty Duy Tân với Golden Lotus không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của hai người Hàn Quốc... Công ty Golden Lotus không cung cấp được chứng cứ nào mới, nên không có cơ sở để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm", VKSND Cấp cao nêu quan điểm.
Ngày 4/1/2016, Công ty Duy Tân và Công ty Golden Lotus ký hợp đồng nguyên tắc, hợp tác đầu tư trên khu nhà đất hai mặt tiền, rộng hơn 1.600 m2 tại số 27-33 Phạm Ngọc Thạch và số 208 Pasteur, quận 3. Công ty Duy Tân góp vốn bằng quyền khai thác mặt bằng khu đất, còn Golden Lotus bỏ tiền xây dựng văn phòng, dịch vụ thương mại phù hợp với mục đích sử dụng đất và điều kiện kinh doanh.
Khi đi vào hoạt động, mỗi tháng Duy Tân được nhận 400 triệu đồng. Từ năm thứ ba trở đi sẽ được chia lợi nhuận tăng thêm 5%. Thời hạn kết thúc hợp đồng là tháng 7/2021.
Tuy nhiên, quá trình hợp tác, Golden Lotus đã không thực hiện đúng thỏa thuận. Ngoài ra, công ty này viện nhiều lý do không trả thêm 5% lợi nhuận từ năm thứ 3; tự ý cải tạo sửa chữa, xây dựng mới khi chưa được đồng ý của Duy Tân, nên công ty này đòi trả lại mặt bằng. Do chủ spa không trả, Công ty Duy Tân khởi kiện.
Hồi cuối năm ngoái, TAND quận 3 tuyên chấp nhận yêu cầu của Công ty Duy Tân, buộc Công ty Golden Lotus giao trả mặt bằng; thanh toán thêm gần 1,8 tỷ đồng và còn phải tiếp tục thanh toán tiền sử dụng tài sản trên đất 400 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/1 cho đến khi bàn giao toàn tài sản gắn liền với đất cho Công ty Duy Tân.
Tuy nhiên, Công ty Golden Lotus kháng cáo, VKSND TP HCM cũng kháng nghị bản án này, đề nghị hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho tòa thành phố thụ lý giải quyết.
Hồi tháng 4, TAND TP HCM xử phúc thẩm, bác kháng cáo của Công ty Golden Lotus, buộc doanh nghiệp này phải trả toàn bộ mặt bằng cùng tài sản gắn liền trên đất, cho nguyên đơn, do đã hết thời hạn hợp tác và không được chủ khu đất gia hạn. Tòa ghi nhận sự tự nguyện của Công ty Duy Tân, trả lại 1,2 tỷ đồng tiền đặt cọc cho bị đơn khi bàn giao mặt bằng.
Từ đó, HĐXX cho rằng không có căn cứ chấp thuận yêu cầu của bị đơn cũng như kháng nghị của VKS.
Do phía Công ty Golden không tự nguyện thi hành, ngày 16/5, Chi cục Thi hành án dân sự quận 3 đã ra quyết định cưỡng chế thi hành đối với Công ty Golden Lotus, buộc công ty này phải bàn giao mặt bằng cho đối tác. Tuy nhiên, phía bị đơn lấy lý do đang chờ VKSND Cấp cao xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm nên chưa thi hành.
Ngân Nga