Về cấu hình, iPhone được dự đoán là sử dụng vi xử lý lõi kép tốc độ tối đa 1,2 GHz, RAM 1 GB và đồ hoạ ba lõi PowerVR 543MP3. Thêm vào đó, bài thử nghiệm của AnandTech còn phát hiện ra rằng mẫu smartphone này dùng vi xử lý kiến trúc do Apple tự phát triển chứ không phải Cortex A9 hay Krait như nhiều lời đồn.
Bảng so sánh điểm benchmark iPhone 5 với các thế hệ trước. |
iPhone 5 phải vượt qua các bài kiểm tra trình duyệt bao gồm: Sunspider, Browsermark và Guimark 3 Bitmap. Trong đó, Sunspider về JavaScript, Guimark 3 Bitmap về HTML5 tương tác và Browsermark kiểm tra tổng thể. Các bài test này đều thực hiện trên trình duyệt mặc định của iPhone 5 là Safari.
Nếu chạy iOS 6, trình duyệt Safari trên iPhone 4S (chip A5 tốc độ 800 MHz) vẫn nhanh hơn so với trình duyệt web thông thường của các smartphone như Galaxy S III và Motorola Droid Razr M (dùng chip Qualcomm Snapdragon S4 tốc độ 1,5 GHz). Do đó, kết quả thu được từ iPhone 5 cao hơn nhiều. Thực tế, trong bài kiểm tra Browsermark, model có số điểm cao hơn đối thủ tới 80%, điều này cũng tương tự đối với bài test Sunspider. Về Guimark 3 Bitmap, iPhone 5 dẫn đầu với tốc độ 60 khung hình/giây.
Đối với Geekbench (bài test về các linh kiện cơ bản của thiết bị), iPhone 5 có vi xử lý tốc độ tương đương với đối thủ nhưng lại có lợi thế ở hai phần là bộ nhớ và hiệu suất. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho trình duyệt Safari trên iPhone thế hệ mới đạt kết quả tốt hơn.
Bảng so sánh điểm benchmark với csac mẫu smartphone cao cấp nhất. |
GLBenchmark 2,5 là bài test đồ hoạ, buộc máy phải tạo và hiển thị các màn game mô phỏng cùng lúc. Khả năng hiển thị phụ thuộc vào sức mạnh đồ hoạ cũng như độ phân giải của máy (số khung hình càng lớn nếu màn hình điện thoại có càng ít điểm ảnh). Ở kiểm tra này, iPhone 5 ghi được số điểm cao gấp đôi Galaxy S III, trong đó, smartphone của Apple có tổng số điểm ảnh là 727.400, ít hơn 26% so vớ đối thủ là 921.600 đơn vị.
Thanh Tùng