Mỗi thế hệ mới của mạng di động chủ yếu được xác định bởi tốc độ truyền dữ liệu tăng lên thế nào. Nhưng từ góc độ đổi mới, mỗi bước nhảy hiện đại trong công nghệ mạng không dây đã mang đến sự thay đổi rõ rệt: Thế hệ thứ nhất (1G) truyền giọng nói với chất lượng kém. Thế hệ thứ hai (2G) cho phép truyền giọng nói tốt hơn và gửi tin nhắn. Thế hệ thứ ba (3G) mở ra cánh cửa cho dữ liệu di động và nội dung phong phú. Thế hệ thứ tư thế hệ (4G) mang đến sự gia tăng tốc độ kết nối Internet, mở ra cuộc cách mạng phát triển ứng dụng và di động.
Công nghệ 5G, còn gọi là thế hệ thứ năm của mạng di động, hứa hẹn nhiều tính năng vượt trội cho người dùng so với 4G, như vận tốc truyền dữ liệu nhanh hơn hàng chục lần với độ trễ rất thấp, giúp giải quyết khó khăn của các bác sĩ trong những ca giải phẫu trực tuyến, truyền hình chất lượng cao từ sân vận động khi hàng chục nghìn người cùng kết nối Internet, hay người chơi cảm thấy rất thực khi dùng các thiết bị thực tế ảo. 5G có khả năng đảm bảo các dịch vụ ưu tiên với cam kết chất lượng cao như camera an ninh luôn có vận tốc truyền tốt ở sân bay đông người dùng Internet, giúp kết nối hàng triệu các thiết bị Internet vạn vật (IoT) trên một km vuông, phục vụ cho y tế, giao thông, an ninh, theo dõi môi trường, năng lượng, và khí hậu... mà công nghệ hiện tại không giải quyết được.
Kỹ thuật truyền sóng radio mới (NR - New Radio) là điểm nhấn của 5G, phát tín hiệu theo chùm ống giữa ăng-ten và điện thoại di động, chứ không phát cho cả vùng lớn, nhờ đó tiết kiệm năng lượng rất nhiều so với 4G hay 3G, và theo các chuyên gia viễn thông, sẽ giảm chi phí đáng kể trong vận hành các trạm thu phát sóng.
5G sử dụng tối ưu các dải tần số khác nhau, từ dải thấp dưới 1 GHz (như 700 MHz), dải trung bình 1-6 GHz (như 3,5 GHz) cho đến dải tần số cao dưới 24 GHz. Tần số càng thấp phát sóng càng xa và tần số cao thì phạm vi gần hơn nhưng tốc độ nhanh hơn và cần nhiều trạm thu phát hơn (tương tự WiFi 2.4 GHz phát xa hơn so với WiFi 5 GHz). Nhiều trạm thu phát kích cỡ to hiện nay làm xấu mỹ quan đô thị, nên 5G thu gọn lại, gọi là Small Cell - Tế Bào Nhỏ, có thể treo ở cột đèn hay các trạm xe buýt, bằng cách giữ lại phần truyền dẫn vật lý và đưa các phần mềm điều khiển hiện tại của ăng-ten vào các máy tính ở các trung tâm vận hành. Như vậy, mạng 5G sẽ không phá vỡ cảnh quan nhưng phủ sóng được khắp mọi nơi, mang dịch vụ đến tất cả mọi người.
Khi nghe "khắp mọi nơi", không ít người đặt câu hỏi như vậy có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người không? Từ năm 2018, một số người theo thuyết "âm mưu" chống lại 5G, cho rằng sóng radio gây ung thư, ảnh hưởng đến não, làm chết chim... và tung tin thất thiệt trên mạng xã hội, thậm chí một số báo đăng lại mà không kiểm chứng thông tin, gây hoang mang cho mọi người.
Chuyện chim sáo đậu (starling) chết ở công viên Huijgenspark ở thành phố Hague (Hà Lan) là một điển hình, được truyền đi trên mạng xã hội ở Việt Nam với những nội dung như Công nghệ 5G khiến chim chết, chuột vô sinh, sức khoẻ con người thì sao? Tháng 11/2018, gần 300 con chim sáo đậu bị phát hiện chết ở công viên Huijgenspark. Blogger Erin Elizabeth đã chụp ảnh và viết trên blog: "Hàng trăm con chim đã chết trong thí nghiệm 5G ở thành phố Hague". Tin lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, gây tranh cãi suốt một thời gian dài ở Hà Lan. Một số tờ báo nước ngoài cũng đưa tin là thử nghiệm 5G làm chết chim và còn viết thêm chính phủ Hà Lan đã dừng đấu thầu tần số 5G.
Thực tế, khi đó không có thử nghiệm 5G ở công viên Huijgenspark. Sáo đậu bay theo đàn, thỉnh thoảng chết hàng loạt do đụng vào nhau khi theo con đầu đàn, từng xảy ra trong quá khứ khi chưa có công nghệ "G" nào hoạt động. Huawei có thử nghiệm 5G ở Hà Lan nhưng ở địa điểm và thời gian khác (tháng 6/2018). Chính phủ Hà Lan đấu thầu tần số 700 MHz cuối năm nay. Trong khi đó, 3.5 GHz sẽ được đấu thầu năm 2020 vì tần số này đang sử dụng trong mục đích an ninh, cần phải chuyển sang tần số khác. Không có chuyện chính phủ nước này dừng 5G như thuyết âm mưu đã đưa.
Ở Mỹ, các tần số ngắn đang sử dụng trong quân sự cũng cần thời gian thay đổi. Có nghĩa, các tần số sử dụng trong 5G cũng đã dùng trong Wi-Fi, 3G, 4G và các lĩnh vực khác từ lâu. Thực tế, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra ảnh hưởng của sóng radio đến sức khoẻ con người. Tháng 8/2019, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) xác nhận 5G an toàn như 3G và 4G.
5G không chỉ đơn thuần là thế hệ thứ năm của mạng di động mà còn là cuộc cách mạng công nghệ mới, giúp phát triển các lĩnh vực khác như Máy nối máy, Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI) và kinh tế số. Không có 5G, không có thể phát triển IoT. Không có IoT, cũng không có dữ liệu đầu vào cho các hệ thống Dữ liệu lớn. Tất cả những giấc mơ hay đầu tư vào phát triển các hệ khai thác dữ liệu dùng phương pháp AI - Trí tuệ nhân tạo hay Machine Learing - Học máy, phục vụ cho nền kinh tế số, mà không có dữ liệu chỉ là phung phí tiền bạc.
Tất cả thuyết âm mưu rồi cũng sẽ bị lộ tẩy theo thời gian. Công nghệ 5G là nền tảng cho truyền thông và điện toán của ngày mai sẽ phát triển và mang lại nhiều lợi ích hơn cho con người trong tương lai gần.
Lâm Việt Tùng
Chuyên gia tư vấn CNTT-VT cho Vodafone Ziggo (Hà Lan)