Con trai ông, đại uý hoa tiêu Maxim Safonov, mới tròn 26 tuổi 4 ngày trước khi tai nạn xảy ra. Anh dự định cưới vợ sau đợt thao diễn. Maxim và các đồng đội của mình, ít ai ngờ rằng họ không còn cơ hội trở về gặp người thân. Hai tiếng nổ liên tiếp đã đánh chìm tàu ngầm nguyên tử lớn nhất và hiện đại nhất Nga xuống biển Barents cùng với thủy thủ đoàn.
Chỉ đến tháng 10 năm ngoái, thi thể của các thủy thủ mới được vớt lên cùng với thân tàu. Sau khi xem xét kỹ xác Kursk, các nhà điều tra Nga kết luận thảm họa xảy ra do chất hydro peroxide (rỉ ra từ bộ phận đẩy của 1 quả ngư lôi) bốc cháy khi tiếp xúc với dầu lửa và kim loại. Viện trưởng Viện kiểm sát Vladimir Ustinov tuyên bố không tìm thấy bằng chứng cho thấy đây là một vụ phạm tội hình sự.
Safonov bố cùng thân nhân của những thủy thủ khác trên tàu Kursk cho rằng có điều gì đó bị che đậy với mục đích bảo vệ cho những tướng lĩnh cấp cao trong Hải quân Nga. "Họ chẳng giải thích được tại sao ngư lôi lại nổ. Tàu chìm, thủy thủ đoàn hy sinh hết mà không ai chịu có lỗi gì", viên thuyền trưởng về hưu phẫn nộ. Nadezhda Tylik, mẹ của đại úy hải quân chết trong phòng điều khiển, cho biết vài người ở căn cứ tàu ngầm đã kể với bà sau khi tai nạn xảy rằng một quả ngư lôi đã bị rơi trước khi được đưa lên thuyền. "Thủy thủ đoàn biết điều đó có nghĩa là gì", Tylik nói, nhớ lại lời cậu con trai tâm sự trước chuyến đi định mệnh là Kursk đang mang theo tử thần trong mình. "Vậy mà ông Ustinov lại bảo không có chứng cớ nào cho phép khẳng định ngư lôi đã bị nứt hoặc hư hỏng trước khi được đưa lên tàu", bà mẹ tức giận nói. Bà Tylik chuẩn bị kiện quân đội về những thiệt hại mà gia đình phải chịu trong vụ tai nạn tàu Kursk. Thân nhân các thủy thủ khác cũng đang cân nhắc một động tác tương tự. Viện công tố Nga đã hứa sẽ cho họ đọc hồ sơ điều tra, tuy nhiên chưa nói rõ là bao giờ.
H.F. (theo Reuters)