Lý lịch và hành vi phạm tội của từng bị can
1. Bị can Trương Văn Cam (Năm Cam)
a. Lý lịch bị can
- Sinh ngày: 22/4/1947 tại TP HCM
- Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: 107/38 đường Trương Định, phường 6, quận 3, TP HCM
- Quốc tịch: Việt Nam
- Dân tộc: Kinh
- Tôn giáo: Phật giáo
- Văn hóa : 5/12
- Con ông: Trương Văn Bưởi (chết)
- Con bà: Nguyễn Thị Hường (chết)
- Chị: Trương Thị Sẩm (chết)
- Vợ 1: Phan Thị Trúc, sinh năm 1946, ngụ tại 107/38 Trương Định, quận 3 (là bị can trong cùng vụ án bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tháng 1/2002). Có 5 con chung, trong đó có Trương Hiền Bảo là bị can trong cùng vụ án bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tháng 1/2002.
- Vợ 2: Trương Thị Lành, sinh 1946, ngụ tại 168/3 Tôn Thất Thuyết phường 3 quận 4, có 3 con chung (lớn sinh năm 1978, nhỏ sinh 1983).
b. Quá trình hoạt động:
Năm 1947-1962: Còn nhỏ ở với cha mẹ, ngụ tại hẻm Bến Vân Đồn (nay là hẻm 109), khi cha chết (1957) thì chuyển về ở tại hẻm 148 Tôn Đản, quận 4, Sài Gòn. Tháng 11/1962 đánh nhau, dùng dao đâm chết anh Trần Ánh Tuyết, bị chế độ ngụy quyền Sài Gòn bắt giam. Ngày 10/6/1964, Toà án Sài Gòn xử phạt 3 năm tù giam về tội “cố ý đả thương - nhân thương chí mạng”. Tháng 1/1965 được trả tự do.
Từ 1966 đến trước năm 1975, tham gia lính ngụy (lính quân vận) thuộc đại đội 313, đóng quân tại đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt, quận 11), là vận động viên bơi lội cho Cục quân vận ngụy quyền Sài Gòn. Năm 1971, bị công an Ty Hàng Keo - Gia Định (ngụy quyền Sài Gòn) bắt giữ về tội đánh bạc, bị giam 7 ngày, sau đó giao cho Tòa án quân sự ngụy quyền Sài Gòn xử lý và trả về đơn vị cũ. Sau 30/4/1975 ra trình diện Ban quân quản quận 4, đi học cải tạo 3 ngày ở phường Lý Nhơn (nay là phường 6, quận 4). Sau đó làm nghề mua bán đồng hồ cũ, radio cũ ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TP HCM. Năm 1977 tham gia đánh bạc, sau này mở sòng bạc tại hẻm 148 Tôn Đản, quận 4. Ngày 3/6/1978 bị Công an quận 1 TP HCM bắt giữ về tội đánh bạc, giam ở Mạc Đĩnh Chi khoảng 2 tháng được trả tự do. Năm 1980 mua nhà, chuyển về hẻm 115 Trần Đình Xu, quận 1 sinh sống. Ngày 30/12/1980 bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM bắt giam về tội tổ chức đánh bạc, bị giam 8 tháng ở trại Chí Hoà, sau đó được trả tự do, bị phạt 2 triệu đồng. Ngày 5/11/1982 bị phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM bắt về tội đánh bạc, sau đó đưa đi cưỡng bức lao động 2 năm ở trại Đồng Phú (Sông Bé cũ). Tháng 1/1984 được trả tự do, về ở tại nhà số 107/38 Trương Định, phường 6 quận 3 và cư ngụ tại đây cho đến khi bị bắt. Ngày 20/5/1995 UBND TP HCM ra quyết định đưa đi tập trung cải tạo 3 năm tại Trại Thanh Hà về hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Ngày 4/10/1997, được tha trước thời hạn 7 tháng, trở về gia đình làm ăn.
- Tiền sự: 5
- Tạm giam: 12/12/2001
c. Hành vi phạm tội
* Hành vi giết Vũ Hoàng Dung (Dung Hà):
Do mâu thuẫn trong việc tranh giành địa bàn làm ăn, tạo uy thế trong giới giang hồ, Vũ Hoàng Dung (Dung Hà) là đối tượng hình sự cầm đầu băng nhóm tội phạm tại Hải Phòng đã chỉ đạo cho đàn em thực hiện nhiều hành vi quậy phá trên địa bàn TP HCM, ý đồ gây thanh thế, gây áp lực và bắt buộc Trương Văn Cam chia cho một số lợi nhuận trong việc bảo kê sòng bài, nhà hàng, vũ trường. Từ đó gây mâu thuẫn gay gắt với Trương Văn Cam làm cho Trương Văn Cam rất bực và muốn thanh toán Dung Hà. Vì vậy Trương Văn Cam điện thoại cho Nguyễn Tuấn Hải than phiền về việc Vũ Hoàng Dung cho đàn em quậy phá ở một số nơi làm mất mặt Trương Văn Cam. Trương Văn Cam có nói với Nguyễn Tuấn Hải “chú gặp Dung Hà nói với nó là chỗ làm ăn của anh em, đừng có quậy phá nữa, phải điều đình với nó để mà sống”, “chú ở gần Dung Hà thì chú biết tánh nó rồi, nó muốn làm gì thì làm chứ không nể ai đâu, còn nếu điều đình không được thì tự em tính, nếu có dính dáng gì đến pháp luật thì để anh Năm lo…” , “anh không muốn thấy nó trên đời này nữa”. (BL: V1 T2: 283)
Bằng những lời nói mang tính chỉ thị trong giới giang hồ, Trương Văn Cam đã chỉ đạo cho Nguyễn Tuấn Hải tổ chức thực hiện hành vi giết Vũ Hoàng Dung vào lúc 0h25' tại 17 Bùi Thị Xuân, Bến Thành, quận 1, TP HCM.
Trương Văn Cam đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và thừa nhận đã chỉ đạo cho Nguyễn Tuấn Hải giết Dung Hà, phù hợp với lời khai của Nguyễn Tuấn Hải, Nguyễn Việt Hưng, Nguyễn Xuân Trường và tài liệu, chứng cứ mà Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu thập được.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và lời khai nhận tội của các bị can đã có đủ cơ sở kết luận Trương Văn Cam là một tên tội phạm nguy hiểm, đứng đầu một tổ chức tội phạm lớn, hoạt động theo kiểu xã hội đen. Y đã thâu tóm, chỉ huy toàn bộ hoạt động của đồng bọn trên một địa bàn rộng dưới các hình thức cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc, cho vay lãi nặng, kinh doanh rửa tiền qua các dịch vụ nhà hàng, vũ trường, khách sạn, kinh doanh địa ốc. Khi cần thiết để phân chia địa bàn, tranh giành quyền lợi và ngôi vị, sẽ tổ chức cho đàn em thanh toán nhau và đã chủ mưu gây ra vụ bắn Vũ Hoàng Dung.
Trong quá trình chỉ đạo cho đàn em thực hiện tội phạm, Trương Văn Cam luôn tạo ra các chứng cứ ngoại phạm, không trực tiếp tham gia mà ra lệnh cho đàn em bằng những ám hiệu, tiếng lóng… buộc đàn em phải thi hành. Bằng thủ đoạn này, y đã né tránh được vai trò chủ mưu trong các vụ án. Hành vi của Trương Văn Cam đã phạm tội giết người, tội danh và hình phạt được quy định tại điểm O, khoản 1, điều 93 BLHS.
* Hành vi tạt axit Lê Ngọc Lâm (Lâm "Chín Ngón")
Căn cứ vào tài liệu điều tra thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra có cơ sở kết luận: Giữa Lê Ngọc Lâm và Trương Văn Cam có mâu thuẫn gay gắt với nhau trong việc tranh giành quyền lợi, vị trí ngôi thứ trong "thế giới ngầm", Cam quyết định thanh toán Lâm, tiêu diệt Lâm để ngăn ngừa hiểm hoạ về sau. Để tránh bị bại lộ từ phía nạn nhân và cơ quan công an, Trương Văn Cam đã chỉ đạo Vũ Hoàng Dung - trùm "xã hội đen" gốc Hải Phòng - tổ chức thực hiện tạt axít Lâm "Chín Ngón". Hành vi sử dụng axit đậm đặc với thể tích lớn tạt vào mặt và đầu nạn nhân là rất nguy hiểm, xâm hại tới sức khoẻ, thẩm mĩ và sinh mạng của Lê Ngọc Lâm (do Lâm có thể lực tốt, lại được cấp cứu kịp thời nên thoát chết) nhưng bị thương tật rất nặng (tỷ lệ 75%), đã cấu thành tội cố ý gây thương tích, tội danh được quy định tại điều 104 BLHS.
Trong vụ án này Trương Văn Cam giữ vai trò chủ mưu, Vũ Hoàng Dung giữ vai trò tổ chức thực hiện, Nguyễn Văn Thọ là người mua axit và chỉ nhà, chỉ mặt Lê Ngọc Lâm cho Vũ Hoàng Dung nhận diện. Nhưng do Vũ Hoàng Dung đã bị bắn chết ngày 2/10/2000 nên không khởi tố bị can đối với Dung. Nguyễn Văn Thọ đã bị khởi tố bị can, nhưng do y bỏ trốn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Mặc dù quá trình điều tra rất công phu nhưng tới nay ngoài Vũ Hoàng Dung kẻ trực tiếp tổ chức thực hiện vụ tạt axit, Cơ quan điều tra chưa tìm thêm kẻ mà Dung cử trực tiếp tạt axit Lê Ngọc Lâm.
Tuy nhiên căn cứ vào tài liệu chứng cứ đã thu thập được và lời khai nhận tội của Trương Văn Cam, đã có đủ cơ sở kết luận Trương Văn Cam phạm tội cố ý gây thương tích, tội danh được quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự cần phải được xử lý nghiêm khắc.
* Hành vi che giấu tội phạm và tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trong vụ giết Phan Lê Sơn
Sau khi vụ án xảy ra, Trương Văn Cam là kẻ chủ mưu trong việc chỉ đạo, tổ chức đưa Bùi Anh Việt trốn sang Campuchia để tiếp tục trốn sang Canada, tạo điều kiện cho y và đồng bọn có thời gian bố trí, sắp xếp, khống chế lời khai của các nhân chứng, các bị can khi khai báo với Cơ quan điều tra có lợi cho Nguyễn Văn Thọ và Nguyễn Hữu Thịnh nhằm mục đích chạy thoát tội cho Thọ "Đại Úy", giảm nhẹ tội cho Nguyễn Hữu Thịnh. Trương Văn Cam đã trực tiếp chi cho Hiệp "Phò Mã" 20.000 USD để Hiệp có điều kiện thuê người, tổ chức cho Bảy Việt đi trốn sang Cămpuchia.
Hành vi của Trương Văn Cam đã cùng một lúc phạm 2 tội che giấu tội phạm, tội danh được quy định tại điều 313 và tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội danh được quy định tại điều 275 BLHS năm 1999 với vai trò chủ mưu, cầm đầu.
* Hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc
Năm 1999 sau khi đi tập trung cải tạo về Trương Văn Cam (Năm Cam) bàn với Tô Văn Tốt (Ba Mạnh), Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Thành Thảo và Nguyễn Văn Nhã (Sáu Nhà) tổ chức sòng bạc xóc đĩa tại quận 8, TP HCM. Sau khi bàn bạc thống nhất nhiệm vụ của từng tên, thống nhất cách ăn chia (nêu ở phần nội dung vụ án). Khoảng tháng 10/1999 Ba Mạnh thuê nhà 74/18 và 74/16 Trần Nguyên Hãn, phường 13, quận 8 của Trương Thoại và Lê Định Quốc cho Nhã mở sòng bạc. Sòng bạc hoạt động đến ngày 26/1/2000, tên Phạm Văn Minh (Minh "Bu") phạm tội giết người nên Trương Văn Cam và Ba Mạnh cho sòng bạc tạm ngưng. Cuối tháng 2/2000 Ba Mạnh và Trương Văn Cam cho sòng bạc xóc đĩa hoạt động trở lại. Đến cuối tháng 4/2000, Ba Mạnh chết nên sòng bạc giải tán. Sòng bạc hoạt động tổng cộng 4 tháng rưỡi. Trương Văn Cam được chia tiền xâu, tiền lời 600 triệu đồng và tiền lo hối lộ là 270.000.000 đồng . Tổng cộng 870.000.000 đồng. (BL: V4 T74: 02, 07)
Tháng 1/2001, Trương Văn Cam và Thảo giao cho Nhã mở sòng bạc tại 351A, khu phố 1, Phường Phước Long A, quận 9, sòng bạc được mở làm 2 đợt (trước và sau tết âm lịch năm 2001). Trương Văn Cam được chia tiền xâu 40 triệu đồng, tiền lời 1/10 là 100 triệu đồng và tiền ngoại giao lo hối lộ là 54 triệu đồng. Tổng cộng 194 triệu đồng. (BL: V4 T74: 02, 07)
Ngoài ra, Trương Văn Cam chỉ đạo cho Nguyễn Văn Nhã chia cho Lê Thị Thu Hà (Hà "Trề") một phần tiền xâu để Hà "Trề" sử dụng số tiền này nuôi Phạm Văn Minh đang bị tạm giam về tội giết người.
Tháng 7/2001 Tạ Đắc Lung (Lý Đôi) và Triệu Tô Hà xin phép Trương Văn Cam mở sòng bạc tại nhà Triệu Tô Hà số 46/12 Âu Cơ, phường 9, quận Tân Bình nhưng Trương Văn Cam không cho. Mặc dù Trương Văn Cam không cho phép nhưng Lung và Triệu Tô Hà vẫn mở sòng bạc. Vì Trương Văn Cam không cho phép nên sòng bạc của Lung và Hà không có nhiều con bạc đến đánh. Khoảng 5 ngày sau, Lung và Hà dời sòng bạc về nhà Hà Gia Quyền số 27/23 Văn Thân, quận 6. Lung mời Sáu Nhà đến tham gia nhưng không có phép của Trương Văn Cam nên Sáu Nhà không tham gia và sòng bạc cũng ít con bạc đến chơi. Sòng bạc mở tại nhà Hà Gia Quyền được 7 ngày thì dời sang nhà Nguyễn Thị Dung số 27/6 Văn Thân, quận 6. Lúc này Trương Văn Cam cho phép Sáu Nhà và Nguyễn Hoàng Khương đến tham gia thì sòng bạc có nhiều con bạc đến chơi và số lượng hùn vốn làm cái tăng lên. Trương Văn Cam được chia 1/10 tiền lời làm cái là 100 triệu đồng và 2 triệu đồng/ngày tiền bảo kê lo hối lộ là 34 triệu đồng. Tổng cộng 134 triệu đồng. (BL: V4 T74: 02, 07)
Cuối tháng 8 đầu tháng 9/2001, Trương Văn Cam cho phép Nguyễn Văn Nhã và Nguyễn Khánh Quốc trực tiếp tổ chức điều hành sòng bạc tại 1102 đường Tự Lập, phường 4, quận Tân Bình. Sòng bạc hoạt động được khoảng 23 ngày thì chuyển về 74/18 Trần Nguyên Hãn, phường 13, quận 8 cho đến ngày bị bắt (9/10/2001). Trương Văn Cam khai nhận được chia 85 triệu đồng tiền xâu, 200 triệu đồng tiền lời đầu 10 và 46 triệu đồng tiền lo hối lộ. Tổng cộng 331 triệu đồng. (BL: V4 T74: 02, 07)
Tháng 10/2001, sòng bạc được dời về 74/18 Trần Nguyên Hãn, quận 8 cho đến ngày bị bắt. Trương Văn Cam được chia 114.550.000 đồng tiền lời và 8 triệu đồng tiền lo hối lộ. Tổng cộng 122.550.000 đồng. (BL: V4 T74: 02, 07)
Ngoài việc tổ chức sòng bạc xóc đĩa, Trương Văn Cam cùng tên Xây, Triệu Tô Hà, Lương Cẩm Huy, Trần Quốc Dân, Nguyễn Thành Thảo tổ chức sòng bạc xập xám. Trương Văn Cam dùng uy danh trong giới xã hội đen của mình lôi kéo các con bạc có nhiều tiền tham gia đánh bạc xập xám tại các sòng bạc:
- Số 780 Nguyễn Đình Chiểu, phường 1, quận 3 vào khoảng tháng 6/2000, tổ chức đánh bạc khoảng 7 ngày. Trương Văn Cam thỉnh thoảng tham gia đánh bạc, mỗi chến đánh từ 15 triệu đến 30 triệu đồng và khai nhận thu được tiền xâu là 850 triệu đồng và chia cho Trần Lệ Nguyên 200 triệu đồng, Triệu Tô Hà, Trần Quốc Dân, Vương Tử (Xây), Trương Văn Cam mỗi tên 150 triệu đồng và Nguyễn Thành Thảo 50 triệu đồng. Nhưng Nguyên, Hà, Dân không thừa nhận số tiền trên, chỉ có Nguyễn Thành Thảo khi đối chất với Trương Văn Cam, Thảo mới miễn cưỡng thừa nhận. Do đó Trương Văn Cam phải chịu trách nhiệm về số tiền xâu 800 triệu đồng. (BL: V4 T74: 03)
- Ngày 8 và 9/10/2001, tổ chức đánh bạc xập xám tại 122 Trần Hưng Đạo B, quận 5. Sang ngày hoạt động thứ hai, nghe tin sòng bạc xóc đĩa tại quận 8 bị bắt nên Trương Văn Cam cho sòng này giải tán. Năm Cam được chia tiền xâu là 15 triệu đồng. (BL: V4 T74: 3)
Tổng số tiền Trương Văn Cam được chia trong các sòng bạc xập xám, xóc đĩa là 2.466.550.000 đồng, trong đó có 412.000.000 đồng là tiền 2 triệu đồng/ngày mà bọn tổ chức sòng bạc giao cho Trương Văn Cam để hối lộ.
Trong bản cung ngày 19/3/2002, ngày 7/9/2002, Trương Văn Cam thừa nhận tất cả các sòng bạc nêu trên đều do Trương Văn Cam trực tiếp tổ chức và giao cho Nguyễn Văn Nhã trực tiếp quản lý điều hành sòng bạc, phần tiền lời của Trương Văn Cam từ các sòng bạc do Nhã quản lý bao gồm tiền bảo kê 2.000.000 đồng/ngày, tiền xâu, tiền lời làm cái hằng tuần Nhã giao cho Thảo một lần để Thảo giao lại cho Trương Văn Cam. Trong đó 412.000.000 đồng là khoản tiền 2.000.000 đồng/ngày sòng bạc nộp về cho Trương Văn Cam đi đưa hối lộ theo chủ trương của y. Với số tiền trên Trương Văn Cam cùng với Thảo đưa hối lộ, ăn nhậu với một số người để bảo vệ cho sòng bạc. (BL: V4 T74: 4)
Ngoài hành vi tổ chức đánh bạc, Trương Văn Cam còn có hành vi đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá. Thấy Nguyễn Văn Thành (Mười "Lù"), bị can trong vụ án - thường cá độ bóng đá, Trương Văn Cam đã góp tiền với Thành để cá độ bóng đá. Cụ thể như sau: Ngày nào có trận bóng đá mà Trương Văn Cam thích thì Trương Văn Cam điện thoại cho Thành đề nghị góp 10% số tiền cá cược (nếu Thành cá độ 50 triệu đồng thì Trương Văn Cam góp 5 triệu). Ngày hôm sau, nếu thắng thì Thành lấy tiền từ các con bạc bị thua đưa cho Trương Văn Cam tại nhà hàng Ra Khơi và ngược lại. Việc Thành cá độ với ai thì Trương Văn Cam không biết. Tổng cộng Trương Văn Cam đã góp tiền với Thành để cá độ 3 lần, trong đó 2 lần thắng 10 triệu đồng và một lần thua 5 triệu. Do lâu ngày nên Trương Văn Cam không nhớ rõ đã bắt đội nào thuộc giải nào. (BL: V6 T10: 1902, 1958)
* Hành vi đưa hối lộ
Để các hoạt động phạm tội của Trương Văn Cam và đồng bọn tồn tại và hoạt động lâu dài, ngoài việc tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ, Trương Văn Cam còn có thủ đoạn xảo quyệt, lôi kéo, dùng số tiền lớn để mua chuộc, móc nối và làm tha hoá nhiều cán bộ trong các cơ quan Nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trương Văn Cam sống bằng hoạt động phạm tội nên biết rõ hành vi của y là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, sẽ bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc. Vì vậy để giảm nhẹ tội và trốn tránh hình phạt của pháp luật, y đã dùng số tiền lớn để bao ăn nhậu và đưa tiền cho nhiều cán bộ đã thoái hoá biến chất để bao che cho hành vi phạm tội của y và đồng bọn. Hành vi này của Trương Văn Cam có hệ thống, phạm tội trong một thời gian dài, thủ đoạn rất trắng trợn nhưng chặt chẽ, được phân công cụ thể cho từng tên, phụ trách quan hệ và đưa tiền cho từng cấp có thẩm quyền. Vì vậy, đã làm vô hiệu hoá một số hoạt động của các cơ quan chức năng có nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm hình sự, gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, làm cho nhiều cán bộ, có cả cán bộ do Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong số đó có nhiều người bị truy tố trước pháp luật.
Cụ thể như sau:
* Năm 1995, trước khi bị bắt đưa đi tập trung giáo dục cải tạo, y và gia đình đã đưa tiền cho Trần Văn Thuyết để hối lộ cho các cán bộ trong các cơ quan nhà nước nhằm mục đích không bị đưa đi tập trung cải tạo, không bị điều tra, truy tố về hành vi phạm tội của y và đồng bọn đã gây ra trước đó. Hành vi của Trương Văn Cam đã làm thoái hoá biến chất một số cán bộ có chức vụ trong các cơ quan nhà nước gây hậu quả lớn cho xã hội. Số tiền mà Trương Văn Cam trực tiếp đưa hối lộ là 10.000 USD trong tổng số tiền 1,3 tỷ đồng mà y đã chủ mưu cùng gia đình gồm vợ là Phan Thị Trúc và con rể là Dương Ngọc Hiệp thực hiện.
Hành vi trên của Trương Văn Cam đã phạm vào tội đưa hối lộ, tội danh được quy định tại khoản 3 điều 289 BLHS. Để đề cao kỷ cương, pháp luật của nhà nước, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hành vi phạm tội của Trương Văn Cam cần phải được xử lý thật nghiêm khắc với mức án cao nhất để làm gương cho những kẻ khác.
* Sau khi đi tập trung cải tạo về (được trả tự do vào tháng 10/1997), Trương Văn Cam (Năm Cam) cùng đồng bọn là các tên Tô Văn Tốt (Ba Mạnh), Nguyễn Văn Nhã (Sáu Nhà), Nguyễn Khánh Quốc (Quốc "Lủi"), Phạm Văn Minh (Minh "Bu"), Lê Thị Thu Hà (Hà "Trề") và Thành Chân đã phục hồi lại sòng bạc xóc đĩa.
Tháng 10/1999, bọn chúng tổ chức sòng bạc xóc đĩa tại địa bàn quận 8 và phân công Tô Văn Tốt lo việc thuê nhà tổ chức sòng bạc và lo khâu bảo vệ, an ninh tại địa bàn quận 8. Trương Văn Cam lo tìm kiếm móc nối con bạc đến đánh bạc và lo “ngoại giao” cho sòng bạc. Sáu Nhà lo điều hành quản lý sòng bạc. Việc mua chuộc cán bộ để đảm bảo an ninh cho sòng bạc chúng phân công cho Ba Mạnh lo các cấp ở quận 8, Trương Văn Cam cùng Nguyễn Thành Thảo lo cấp thành phố. (BL: V5 T2: 156)
Trương Văn Cam chủ trương nguồn tiền dùng để mua chuộc cán bộ công an bao che sòng bạc lấy từ nguồn tiền xâu thu mỗi ván 5% của người thắng bạc và được trích ra làm 2 khoản sử dụng:
- Khoản thứ nhất gọi là tiền “phí ngoại giao” 2 triệu đồng/ngày nộp về cho Trương Văn Cam để dùng làm chi phí hối lộ, mua chuộc một số cán bộ đơn vị có chức năng phòng chống tội phạm thuộc Công an TP HCM nhờ bao che dung túng cho hoạt động vi phạm pháp luật của băng nhóm Trương Văn Cam và các sòng bạc của y. (BL: V5 T2: 157, 164)
Về chủ trương lập ra khoản tiền hối lộ này, Trương Văn Cam khai lập ra khoản chi phí này để sử dụng đưa hối lộ, trước đây Trương Văn Cam trực tiếp ở trong sòng bạc nên mỗi ngày trích ra 2 triệu đồng thì những người cùng hùn làm chủ sòng đều biết. Sau khi tái lập sòng bạc xóc đĩa ở quận 8, Trương Văn Cam không trực tiếp vào sòng bạc mà hàng ngày Nguyễn Văn Nhã rồi Nguyễn Thành Thảo đem tiền về nộp Trương Văn Cam. Vì muốn công khai không để người khác nghi ngờ Trương Văn Cam chiếm đoạt sử dụng riêng nên Trương Văn Cam đã kêu Nguyễn Văn Nhã vào sòng bạc bàn bạc với các chủ sòng khác, sau đó Sáu Nhà báo lại cho Trương Văn Cam là các chủ sòng khác đều nhất trí mỗi ngày trích ra 2 triệu đồng nộp cho Trương Văn Cam làm "phí ngoại giao" để Trương Văn Cam quan hệ mua chuộc, đút lót cho cán bộ cấp thành phố. Từ năm 1999 đến tháng 10/2001, các chủ sòng bạc xóc đĩa (kể cả người mới tham gia như Nguyễn Khánh Quốc) đều phải nộp về cho Trương Văn Cam khoản tiền trên. (BL: V5 T2: 176, 181)
- Khoản thứ hai là tiền thuê nhà và tiền lo “an ninh cho sòng” tại quận, phường nơi sòng hoạt động. Mỗi ngày Nguyễn Văn Nhã (Sáu Nhà) giao cho Tô Văn Tốt (Ba Mạnh) 3.300.000 (ba triệu ba trăm nghìn) đồng, trong đó có 400.000 đồng trả tiền thuê nhà, 300.000 đồng để chi cho bọn canh gác sòng bạc, còn lại 2.600.000 (hai triệu sáu trăm nghìn) đồng dùng để đưa hối lộ hằng tuần cho một số cán bộ công an quận và công an phường nơi có sòng bạc hoạt động. (BL: V5 T2: 156; V5 T3: 202A)
Thời gian Tô Văn Tốt còn sống, Trương Văn Cam giao cho Ba Mạnh lo hối lộ Công an quận 8. Tô Văn Tốt lợi dụng sự quen biết với ông Lê Văn Tiếu (tức Năm Tiếu, nguyên phó trưởng Công an quận 8) để tiếp xúc móc nối với Lê Minh Hùng (Đội trưởng Đội cảnh sát Hình sự Công an quận 8) nhờ bao che sòng bạc xóc đĩa của Tốt tại phường 13. (BL: V5 T8: 386)
Sau khi Tô Văn Tốt chết, Trương Văn Cam giao cho Nguyễn Văn Thọ lo việc chạy hối lộ để bao che cho sòng bạc. Thọ đã móc nối Nguyễn Xuân Liệu (con rể Tô Văn Tốt) đi hối lộ cho Công an quận 8 để bảo đảm an ninh cho sòng bạc.
Sòng bạc xóc đĩa hoạt động tại 74/18 Trần Nguyên Hãn, phường 13, quận 8 vào các thời điểm sau:
- Từ tháng 10/1999 đến khoảng giữa tháng 1/2000, do Phạm Văn Minh (Minh "Bu") phạm tội giết người ở đường Hải Triều, quận 1 nên Trương Văn Cam cho sòng tạm nghỉ. Từ cuối tháng 2/2000 đến đầu tháng 5/2000 thì sòng bạc họat động lại (do Tô Văn Tốt chết đột ngột nên Trương Văn Cam cho sòng bạc tạm ngưng hoạt động). Tổng cộng số ngày sòng bạc hoạt động là 135 ngày, tiền “phí ngoại giao” đã nộp cho Trương Văn Cam là 270 triệu đồng, tiền Nguyễn Văn Nhã và Tô Văn Tốt dùng để đi hối lộ là 351 triệu đồng. (BL: V5 T3: 202A, 202B)
- Sau khi di chuyển nhiều địa điểm, sòng bạc xóc đĩa lại quay về hoạt động từ 29/9/2001 đến 9/10/2001 thì bị Công an TP HCM bắt quả tang. Thời gian sòng bạc hoạt động là 11 ngày, tiền “phí ngoại giao” đã nộp cho Trương Văn Cam là 8 triệu đồng (vì sòng bạc nộp tiền về Trương Văn Cam qua Nguyễn Thành Thảo theo tuần, Thảo mới thu tiền tuần đầu, tuần kế tiếp chưa đến kỳ thu), tiền Cô Đệ và Nguyễn Văn Thọ đã lấy để đi hối lộ là 36 triệu đồng. (BL: V5 T3: 202B; V5 T4: 214-215, 217)
Trong thời gian 1999-2000, sòng bạc xóc đĩa này còn rời tới hoạt động tại các địa điểm sau:
- Nhà Nguyễn Thị Liên số 351A khu phố 1, phường Phước Long A, quận 9 từ cuối tháng 1/2001 (hạ tuần tháng chạp năm Canh Thìn) đến Tết và từ mùng 10 Tết Canh Thìn (tức khoảng tháng 2/2001) hoạt động thêm 10 ngày. Tiền “phí ngoại giao” đã nộp cho Trương Văn Cam là 54.000.000 đồng, tiền hối lộ cấp địa phương không xác định được (BL: V5 T3: 202B, 202D)
- Nhà Nguyễn Thị Dung số 27/6 Văn Thân, phường 8, quận 6 hoạt động hơn 10 ngày. Tiền “phí ngoại giao” đã nộp cho Trương Văn Cam là 20.000.000 đồng, chi phí canh gác sòng bạc và tiền hối lộ cấp địa phương. Triệu Tô Hà thu hằng ngày 4.500.000 đồng, nhưng Triệu Tô Hà khai đã chiếm hưởng riêng để đánh bạc. (BL: V5 T19: 927)
- Nhà Nguyễn Văn Nghĩa số 1102, đường Tự Lập, Phường 4, Tân Bình 23 ngày. Tiền “phí ngoại giao” đã nộp cho Trương Văn Cam là 46.000.000 đồng, tiền hối lộ cấp địa phương Nguyễn Khánh Quốc và Nguyễn Văn Nhã đã giao cho Nguyễn Văn Nghĩa 57.500.000 đồng. Nhưng Nguyễn Văn Nghĩa khai đã chiếm hưởng sử dụng riêng số tiền này (Nguyễn Văn Nghĩa đã nộp lại cho Cơ quan điều tra số tiền này cùng với số tiền sòng bạc trả tiền thuê nhà tổng cộng là 103.500.000 đồng). (BL: V5 T3: 202B; V5 T4: 220B)
Riêng vào tháng 7/2001, Triệu Tô Hà và Tạ Đắc Lung mở sòng tại số 46/12 Âu Cơ, phường 9, quận Tân Bình 5 ngày rồi chuyển sang nhà Hà Gia Quyền số 27/23 Văn Thân, phường 8, quận 6 hoạt động thêm 5 ngày. Vì hai sòng bạc này Trương Văn Cam không nhận bảo kê nên Triệu Tô Hà và Tạ Đắc Lung không nộp “phí ngoại giao” 2.000.000 đồng/ngày. Triệu Tô Hà vẫn thu 4.500.000 đồng mỗi ngày gồm 200.000 đồng thuê nhà và 4.300.000 đồng tiền hối lộ địa phương.
Tổng số tiền Trương Văn Cam đã nhận “ phí ngoại giao” từ các sòng bạc nộp về là 398.000.000 đồng, là khoản tiền để mua chuộc, hối lộ cho một số cán bộ thuộc các đơn vị chức năng phòng chống tội phạm cấp thành phố. Trương Văn Cam khai đã sử dụng hết số tiền 398.000.000 đồng để đưa hối lộ và chi ăn nhậu với một số cán bộ chức năng của Công an thành phố (BL: V4 T74: 4). Trong đó đưa cho Dương Minh Ngọc, nguyên trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM 10 triệu đồng, và “bao” Dương Minh Ngọc ăn nhậu trị giá 20 triệu đồng.
Ngoài ra, Trương Văn Cam còn chỉ đạo cho Nguyễn Văn Nhã và Nguyễn Khánh Quốc lấy tiền từ sòng bạc để đưa hối lộ cho một số cán bộ có chức năng phòng chống tội phạm ở cấp phường quận, nơi mở sòng bạc với tổng số tiền là 501.000.000 đồng.
Như vậy theo chỉ đạo của Trương Văn Cam, tổng số tiền đã lấy từ tiền xâu của sòng bạc xóc đĩa để đi đưa hối lộ là 899.000.000 đồng.
Tổng cộng, Trương Văn Cam đã có hành vi đưa hối lộ số tiền 10.000 USD và 899.000.000đ và chịu trách nhiệm về việc cùng vợ con đưa hối lộ số tiền 75.000 USD và 20 triệu đồng (Hiệp trực tiếp đưa cho Thuyết).
Ngoài ra, Trương Văn Cam khai còn dùng tiền để bao ăn nhậu và đưa tiền cho một số cán bộ khác gồm công an, quân đội, viện kiểm sát, nhà báo nhằm bao che cho hành vi phạm tội của y và đồng bọn. Số tiền này lên đến hàng tỷ đồng, trong đó Trương Văn Cam khai đưa cho Nguyễn Mạnh Trung, nguyên phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM 70 triệu đồng; Dương Minh Ngọc – nguyên trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP HCM 80 triệu (mới chứng minh được Dương Minh Ngọc có nhận 10 triệu đồng và vật chất khác trị giá 6 triệu đồng); Hoàng Linh, nguyên phóng viên báo Tuổi Trẻ 75 triệu và 8 chỉ vàng; Quang Thắng, nguyên phó tổng thư ký báo Công An TP HCM 8 triệu... Lời khai của Trương Văn Cam là có căn cứ, trong đó có một số bị can là cán bộ công an bị khởi tố về tội nhận hối lộ tại quận 8 đã nhận tội. Tuy nhiên việc đưa tiền chỉ có Trương Văn Cam và những người nhận tiền biết, không có nhân chứng nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố các đối tượng nhận tiền của Trương Văn Cam về các tội danh khác nhau để xử lý. Do thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra làm rõ các hành vi nhận hối lộ của một số trường hợp khác để xử lý sau.
Như vậy, Trương Văn Cam đã phạm vào 7 tội danh:
- Tội giết người với vai trò chủ mưu, tội danh được quy định tại điểm o, khoản 1, điều 93 BLHS.
- Tội cố ý gây thương tích với vai trò chủ mưu, tội danh được quy định tại khoản 3, điều 104 BLHS.
- Tội tổ chức đánh bạc với vai trò chủ mưu, tội danh được quy định tại khoản 2, điều 249 BLHS.
- Tội đánh bạc, tội danh được quy định tại khoản 2, điều 248 BLHS.
- Tội đưa hối lộ với vai trò chủ mưu, tội danh được quy định tại khoản 4, điều 289 BLHS.
- Tội che giấu tội phạm, tội danh được quy định tại điều 313 BLHS.
- Tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội danh được quy định tại khoản 1, điều 275-BLHS.
Tài sản và vật chứng thu giữ:
- 1 xe Spacy
- 246.000.000 đồng
- Vật chứng tạm giữ: 870.538.128 đồng trong đó có 166.152.000 đồng (tương đương 12.000 USD) là của Trương Văn Cam và Tống Viết Hòa thế chân để thuê mặt bằng số 5 Công trường Mê Linh quận 1 do Công ty Dịch vụ Du lịch Bến Thành nộp.
- 28.020 USD
- 17 lượng vàng SJC
- 2 CPU vi tính
- 11 thùng rượu
- 356 gói thuốc lá ngoại
- 2 điện thoại di động Nokia 8210
- 1 đồng hồ đeo tay
- 2 kính đeo mắt
- 4 bộ bài tây
- 11 côn nhị khúc
- 5 chìa khoá
Tài sản kê biên:
- 9 tivi 29 inch
- 1 máy phát điện
- 31 máy lạnh
- 3 căn nhà
- 7.970 m2 đất
Kê biên tài sản:
Khung sườn nhà của nhà hàng Ra Khơi, trong đó Trương Văn Cam 50%, Tống Viết Hòa 50%. Ngày 7/6/2002, Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP HCM có công văn số 768-CV/PA24 đề nghị Sở Tài chánh Vật giá TP HCM giám định giá trị còn lại của vật kiến trúc xây dựng nhà hàng Ra Khơi trên nền đất số 5 Công trường Mê Linh, quận 1. Ngày 11/7/2002, Sở Tài chính Vật giá TP HCM có văn bản số 2309/TCVG-BVG trả lời kết quả giám định giá trị còn lại của nhà hàng Ra Khơi là 704.386.128 đồng (bảy trăm lẻ bốn triệu ba trăm tám mươi sáu nghìn một trăm hai mươi tám). Ngày 24/7/2002, Công ty Dịch vụ du lịch Bến Thành đã nộp cho Cơ quan điều tra số tiền 704.386.128 đồng (bảy trăm lẻ bốn triệu ba trăm tám mươi sáu ngàn một trăm hai mươi tám). Cơ quan điều tra đã ra quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản (nhà hàng Ra Khơi, số 5 Công trường Mê Linh, quận 1) của Trương Văn Cam, giao cho Công ty Dịch vụ du lịch Bến Thành sử dụng.
Theo lời khai của Trương Văn Cam thì tổng giá trị tài sản của Năm Cam gồm nhà, đất, các cổ phần kinh doanh khoảng 25 tỷ đồng.
Còn nữa