B. Các vụ phạm tội do các đối tượng khác thực hiện
III. Các vụ cưỡng đoạt tài sản
3. Hành vi cưỡng đoạt tài sản của Châu Phát Lai Em và hai đồng phạm Trần Văn Minh, Lê Văn Thơm
- Qua đấu tranh khai thác, bị can Trần Văn Minh khai là đệ tử của Châu Phát Lai Em, luôn sẵn sàng đi quậy phá ở bất cứ đâu theo yêu cầu của Lai Em, ngay cả việc quậy phá ở chợ. Năm 1983, để lấy uy tín với anh Phương cảnh sát khu vực và công an phường Cầu Ông Lãnh, Lai Em bảo Minh cầm dao dọa chém anh Phương rồi Lai Em sẽ vào can ngăn để lấy uy tín với anh Phương (BL: V14 T4: 434, 436). Minh đã làm theo rồi bị bắt đưa đi lao động cưỡng bức. Khi Minh đi cưỡng bức lao động về thì Lai Em đã giới thiệu Minh với anh Phương và bố trí ngay Minh vào làm ở tổ dân phòng do anh Phương - cảnh sát khu vực phụ trách. Lai Em có tổ chức đá gà ở chợ nên đã giao nhiệm vụ cho Minh ở tổ dân phòng là phải thông tin cho Lai Em các chiến dịch truy quét tội phạm của cơ quan công an. Lai Em, Lai Anh, Lai Út là 3 anh em rất nổi tiếng trong giang hồ, đặc biệt là ở khu vực chợ Cầu Ông Lãnh, ai muốn làm gì phải được sự đồng ý của Lai Em, nếu không sẽ bị Lai Em cho đàn em đến quậy phá, không thể làm ăn buôn bán được. Năm 1986, Lai Em đã dẫn Minh, Thơm "Đui", Thành và anh Phương cảnh sát khu vực đến từng ô cá yêu cầu mỗi ô phải nộp 120.000 đồng rồi tuyên bố các ô cá phải nộp mỗi tháng 120.000 đồng và nói đó là tiền bảo vệ. Vì sợ Lai Em quậy phá nên các ô cá đều nộp, hằng tháng thì anh Thành cầm sổ đến từng ô cá thu tiền về nộp lại cho anh Phương, anh Phương lại chia cho mỗi người từ 300.000 đến 500.000 đồng/tháng. Việc thu tiền này được duy trì từ đó cho đến khi Minh bị bắt, sau đó anh Phương nghỉ việc thì anh Biết về thay anh Phương, Lai Em cũng lại dẫn bọn Minh và anh Biết đi từng ô cá để “dằn mặt” yêu cầu các ô cá phải nộp tiền hằng tháng. Sau anh Biết là anh Hùng làm cảnh sát khu vực thì hằng tháng nhóm của Minh đều có người cầm sổ đến thu tiền của từng ô cá, đầu tiên là anh Thành đi thu, sau anh Thành nghỉ thì thay anh Phàn, sau khi anh Phàn chết thì thay anh Pha. Ngoài khoản thu này thì nhóm của Minh và Thơm "Đui" còn thu tiền của các xe ôtô chở cá vào chợ (gọi là tiền bến bãi) mỗi xe Minh và Thơm đui thu từ 20.000 đến 30.000 đồng. Số tiền này đều đưa cho cảnh sát khu vực để chi cho các anh em trong tổ dân phòng. Đến năm 1997 do có đơn tố cáo của nhân dân về việc này, Phòng cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã tiến hành điều tra, sau đó UBND phường đã cử người ra thu tiền bến bãi và bọn Minh không được thu nữa. Do đó Minh đã xin phép Lai Em cho Minh thu riêng tiền bảo kê 3 ô cá, đó là ô Năm "Mọi" thu 600.000 đồng/tháng; ô Hùng Nho thu 200.000 đồng/tháng; ô Mai thu 100.000 đồng/tháng. Hằng tháng Minh giao cho Thơm Đui đi thu số tiền này về giao cho Minh, mỗi tháng Minh chia cho Thơm Đui 200.000 đồng. (BL: V14 T4: 437-475)
- Châu Phát Lai Em khai: Để thu được tiền bảo kê của các ô cá, Lai Em cho Minh và đàn em của Minh quậy phá các ô cá, để các chủ ô cá phải nhờ Lai Em can thiệp, từ đó Lai Em yêu cầu họ phải nộp tiền hàng tháng. Lai Em trực tiếp thu tiền của ô cá Tâm, Hoa San, Ngọc, Năm "Mọi", Hồng Lệ, Hai Bòn mỗi ô 1.000.000 đồng/tháng, còn các ô cá khác để cho Minh thu. Ngoài ra, Minh còn xin phép Lai Em cho Minh thu tiền bến bãi và Lai Em đã đồng ý cho Minh thu mỗi xe từ 20.000 đến 30.000 đồng. Mỗi ngày, Minh thu được khoảng 50 xe, do đó mỗi tháng Minh thu được từ 30 đến 40 triệu đồng, số tiền này Lai Em để Minh giữ, nhưng khi nào cần tiền thì Lai Em bảo Minh đưa và mỗi tháng trung bình Minh đã đưa cho Lai Em khoảng từ 5 đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, Lai Em còn khai khi các nhà hàng khai trương thì Lai Em cho đàn em đến quậy phá, sau đó Lai Em đến dàn xếp để nhận bảo kê. Cụ thể đã bảo kê cho khách sạn Phong Phú, Vy Vy, Việt Thanh, Việt Hùng và quán Hai Lúa, mỗi tháng thu 900.000 đồng. (BL: V14 T1: 43, 44, 48, 50, 54-56, 59-79)
- Lê Văn Thơm (tức Thơm "Đui") khai: Đã cùng với Trần Văn Minh đi thu tiền của các ô cá như Minh đã khai, ngoài ra hằng tháng theo chỉ đạo của Trần Văn Minh, Thơm đã trực tiếp đi thu 600.000 đồng của ô cá Năm "Mọi", thu 200.000 đồng của ô cá Hùng Nho, toàn bộ số tiền thu được Thơm đưa cho Minh và được Minh chia cho 200.000 đồng/tháng. Sau khi Minh bị bắt thì không thu nữa và thực tế Thơm đi thu khoản tiền này được 12 tháng. (BL: V14 T4: 476-485)
Cơ quan điều tra tiến hành xác minh, ghi lời khai của những người bị hại, cũng như thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can. Nay có đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị can như sau:
3.1. Đối với Trần Văn Minh, Lê Văn Thơm
- Cơ quan điều tra đã ghi lời khai của 31 chủ ô cá, các chủ ô cá đều xác định theo yêu cầu của cảnh sát khu vực và tổ dân phòng, trong đó có Trần Văn Minh thu mỗi tháng đã nộp 120.000 đồng cho nhóm Minh "Cuội" gọi là tiền bảo vệ và nộp từ thời anh Phương làm cảnh sát khu vực cho đến nay. Mỗi xe ôtô khi vào chợ cũng phải nộp tiền cho Minh, xe lớn nộp 30.000 đồng, xe nhỏ nộp 20.000 đồng, nếu không nộp thì sẽ bị gây khó khăn như không cho xe vào sớm làm cho cá bị ươn khó bán. Các chủ ô cá đều xác định biết phải nộp các khoản tiền này là vô lý nhưng vẫn phải nộp vì sợ bị gây khó khăn trong việc mua bán cá ở chợ. (BL: V14 T4: 486-537)
- Về 3 ô cá, Minh khai có thu tiền bảo kê riêng thì chủ ô cá Năm Mọi khai ngoài số tiền 120.000 đồng phải nộp hằng tháng thì còn nộp cho Minh 300.000 đồng và nộp được khoảng 24 tháng. Chủ ô cá, Hùng Nho khai ngoài số tiền 120.000 đồng phải nộp hằng tháng thì còn nộp cho Minh 200.000 đồng và đã nộp được khoảng 12 tháng. Chủ ô cá Mai khai chỉ nộp 120.000 đồng tiền bảo vệ cho nhóm Minh, ngoài ra không nộp khoản tiền riêng nào cho Minh. (BL: V14 T4: 506)
- Các ông Phương, Biết, Hùng (cảnh sát khu vực phụ trách tổ dân phòng) cũng xác định đã chỉ đạo cho tổ dân phòng thu khoản tiền này theo thỏa thuận với các chủ ô cá, rồi chia cho anh em trong tổ. Việc thu và chi hằng tháng tổ đều trình báo cáo cảnh sát khu vực. Hiện nay, ông Ninh Văn Hùng - cảnh sát khu vực đã nộp cho ban chỉ huy công an phường Cầu Ông Lãnh 1 quyển sổ “thu tiền bảo vệ ô cá”, Ban chỉ huy công an phường đã nộp quyền sổ này cho cơ quan điều tra. Nội dung trong sổ phản ánh việc thu tiền hằng tháng của các chủ ô cá và việc phát lương cho các nhân viên trong tổ dân phòng từ tháng 12/1999 cho đến tháng 2/2002. Tháng thu thấp nhất là 26 ô, cao nhất là 34 ô, khi nộp tiền các chủ ô cá đều ký vào sổ, số tiền thu được hằng tháng và chia cho 8 người là Trần Văn Minh (Minh "Cuội"); Lê Văn Thơm (Thơm "Đui"), Lâm Trung Phàn, Lê Văn Hùng, Nguyễn Kiểm Bình, Trần Văn Xính, Lê Công Đông, Nguyễn Văn Long (có tháng chia cho 7 người, có tháng 6 người, nhưng Minh, Thơm, Phàn, Hùng, Xính là cố định), tháng cao bọn Minh được hơn 600.000 đồng, tháng thấp bọn Minh được hơn 300.000 đồng. Hằng tháng sổ được trình cho anh Hùng xem. Có tháng anh Hùng ký và có tháng không ký. (BL: V14 T4: 541-554, 664-704)
- Xác minh tại Công an và UBND phường Cầu Ông Lãnh xác định: Công an và UBND phường không có chủ trương cho thu khoản tiền 120.000 đồng của các chủ ô cá và cũng không biết có việc thu khoản tiền này. Cảnh sát khu vực và tổ dân phòng của Minh đi thu khoản tiền này là sai. Hiện nay chỉ thu được danh sách phát lương năm 2000 và năm 2001 của UBND phường Cầu Ông Lãnh, còn danh sách lương các năm từ 1999 trở về trước UBND không thu được, vì lý do UBND phường không lưu giữ vì khi các đồng chí lãnh đạo trước chuyển công tác không bàn giao lại. Theo danh sách phát lương này thì hằng tháng UBND phường đã trả lương cho mỗi dân phòng chuyên trách mỗi tháng 500.000 đồng: Trần Văn Minh (Minh "Cuội"), Lê Văn Thơm (Thơm "Đui"), Lâm Trung Phàn, Lê Văn Hùng, Trần Văn Xính là dân phòng chuyên trách.
Về việc thu tiền bến bãi mỗi xe từ 20.000 đến 30.000 đồng, năm 1997 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM cũng đã điều tra xác minh và xác định trước đây thời đồng chí Phương là cảnh sát khu vực thì đồng chí Phương chỉ đạo cho đi thu tiền về để phát lương cho các tổ viên. Đến thời điểm đồng chí Biết làm cảnh sát khu vực thì việc thu tiền xe có sự chỉ đạo của đồng chí Khoa là Chủ tịch UBND phường lúc bấy giờ. Đến năm 1998 thì UBND phường không cho tổ dân phòng thu nữa và cử cán bộ của phường đến thu đưa vào quỹ an ninh quốc phòng của phường. (BL: V14 T4: 590-632)
Căn cứ lời khai của bị can Trần Văn Minh, của Lê Văn Thơm và lời khai của người bị hại thấy có đủ cơ sở xác định Minh và Thơm đã cưỡng đoạt tài sản của chị Lê Thị Lắm (Năm "Mọi") 7.200.000 đồng và của chị Đặng Thị Kim Nho là 2.400.000 đồng bằng hình thức nhận bảo kê. Tổng số tiền đã cưỡng đoạt của chị Lắm và Nho là 9.600.000 đồng. Ngoài ra trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn phát hiện Minh và đồng bọn đã thu tiền các xe chở cá khi vào chợ, thu 120.000 đồng/tháng của các chủ ô cá như đã nêu trên. Song thấy không đủ yếu tố cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản mà hành vi này có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản cần phải xem xét và xử lý. Do vụ án có rất nhiều bị can, thời hạn điều tra có hạn, mặt khác xét thấy hành vi “lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” này không có liên quan gì đến các hoạt động phạm tội của Trương Văn Cam và có thể đưa xét xử sau ở một vụ độc lập, do vậy cơ quan điều tra đã tách hành vi này để xử lý sau.
Trần Văn Minh và Lê Văn thơm là dân phòng của phường Cầu Ông Lãnh, là những người được UBND phường giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự của khu vực chợ cá. Song bọn chúng đã lợi dụng vị trí của mình thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản của các hộ buôn bán cá tại chợ bằng thủ đoạn quậy phá, xin tiền, xin cá gây mất trật tự, làm cho quần chúng nhân dân hoang mang lo sợ, mất lòng tin vào chính quyền địa phương. Hành vi của Minh và Thơm đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản, tội danh được quy định tại khoản 2, điều 135 BLHS cần được xét xử nghiêm khắc.
3.2. Đối với Châu Phát Lai Em
Trong 31 chủ ô cá chỉ có một chủ ô cá là anh Văn Công Hòa khai: Lúc đầu đi thu tiền có Lai Em đi cùng với bọn Minh cuội đến từng ô cá bắt phải nộp tiền bảo vệ 120.000 đồng/tháng (BL: V13, T5: 763, 764), còn các chủ ô cá khác khai không nhớ có Lai Em hay không. Đã ghi lời khai của chủ ô cá Tâm, Hoa San, Ngọc, Năm "Mọi", Hồng Lệ, Hai Lệ là những chủ ô cá mà Lai Em khai thu tiền bảo kê mỗi tháng 1 triệu đồng, thì các chủ ô cá này đều khẳng định hằng tháng chỉ phải nộp tiền bảo vệ cho nhóm của Trần Văn Minh chứ hoàn toàn không nộp tiền bảo kê cho Lai Em. (BL: V14 T5: 492- 495, 500, 506)
- Xác minh về các khách sạn mà Lai Em khai đã nhận bảo kê thì khách sạn Vy Vy, Việt Thanh, Việt Hùng và quán Hai Lúa đều xác định là không nộp bảo kê cho Lai Em. Riêng chỉ có khách sạn Phong Phú là có đơn tố cáo Lai Em cưỡng đoạt tài sản bằng hình thức nhiều lần đến ăn, nghỉ ở khách sạn không trả tiền. Cụ thể vào năm 1995, khách sạn Phong Phú được đưa vào sử dụng, thời gian đầu không có việc gì xảy ra, nhưng sau đó có bị một số thanh niên đến quậy phá, làm cho không thể kinh doanh được nên Hứa Văn Em là chủ khách sạn đã phải nhờ Lai Em thu xếp. Sau khi được Lai Em nhận lời giúp, thì khách sạn không bị quậy phá nữa. Sau đó Lai Em thường dẫn bạn đến khách sạn ăn, nghỉ nhưng không trả tiền, chủ khách sạn vì sợ nên không dám đòi, số tiền mà Lai Em đã ăn, nghỉ không trả khoảng 16 triệu đồng. (BL: V14 T1: 80-103)
Hiện nay bị can Châu Phát Lai Em cũng khai đã dùng thủ đoạn cho một số đàn em đến quậy phá một số nhà hàng, khách sạn để các nhà hàng, khách sạn phải nhờ Lai Em can thiệp, thông qua việc này mà bắt các nhà hàng, khách sạn phải chi tiền bảo kê hằng tháng. Một trong những khách sạn mà Lai Em cho đàn em đến quậy phá để nhận bo kê có khách sạn Phong Phú của Hứa Văn Em. Căn cứ vào đơn tố cáo của Hứa Văn Em, cũng như lời khai nhận của bị can Châu Phát Lai Em thấy có đủ cơ sở kết luận Châu Phát Lai Em phạm tội cưỡng đoạt tài sản, số tiền đã cưỡng đoạt là 16 triệu đồng, còn đối với các nhà hàng, khách sạn khác không đủ cơ sở để kết luận. (BL: V14 T1: 80-90)
Châu Phát Lai Em là một tên tội phạm hình sự có nhiều tiền án tiền sự về tội giết người, cố ý gây thương tích, có nhiều thủ đoạn chạy các cơ quan pháp luật để giảm nhẹ tội lỗi mà y gây ra. Do vậy, mỗi lần sau khi ra tù, y lại càng lộng hành hơn, táo bạo hơn. Quá trình điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ đã khẳng định Châu Phát Lai Em là một tên cầm đầu một số băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” ở khu vực quận 1 dưới trướng của Trương Văn Cam. Đàn em của Trương Văn Cam gồm Hòa búa, Minh Hồ, Ngọc sọ não, Dũng sọ dừa, Minh đen… Mọi hoạt động của các đối tượng hình sự này đều phải xin phép ý kiến của y hoặc nhờ y đứng ra dàn xếp. Bọn chúng thực hiện các hành vi bảo kê, cưỡng đoạt tài sản tại các khu vực chợ, khách sạn, nhà hàng, vũ trường trong khu vực quận 1. Hành vi của bọn chúng hoạt động trong một thời gian dài, gây hoang mang, mất lòng tin đối với quần chúng nhân dân trên địa bàn rộng tại trung tâm TP HCM. Do bản tính côn đồ hung hãn nên quần chúng nhân dân ở khu vực này rất sợ hãi bọn chúng, vì vậy khi tiến hành điều tra về các hoạt động phạm tội của Lai Em và đồng bọn, nhiều nhân chứng, bị hại đều không dám tố giác các hoạt động phạm tội mà chúng gây ra. Do đó quá trình điều ra gặp nhiều khó khăn, Cơ quan điều tra chỉ chứng minh được hành vi cưỡng đoạt tài sản của Lai Em tại khách sạn Phong Phú, chiếm đoạt 16 triệu đồng. Tuy số tài sản mà Lai Em cưỡng đoạt đã chứng minh được có giá trị nhỏ, song thực chất Lai Em là một đối tượng nguy hiểm, tạo điều kiện cho đàn em dựa vào vị thế của Lai Em để thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, hành vi cưỡng đoạt của Châu Phát Lai Em cần được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra còn khởi tố các hành vi phạm tội khác của Lai Em và đề nghị xử lý trước pháp luật.
Hành vi của Châu Phát Lai Em đã phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản, tội danh được quy định tại khoản 2, điều 135 BLHS.
Còn nữa