Người lớn nhất trong ba người cùng phòng với tôi 45 tuổi. Da trắng, hàng mi rợp bóng, tóc dài và bước đi nhẹ như bông, chị chăm chỉ thực hành đúng lịch, miệt mài từ 4 giờ sáng tới hơn 9 giờ tối. Mãi đến hết khóa thiền 10 ngày, khi thiền sinh được giao tiếp, chị mới kể cho tôi nghe chuyện của mình.
Chị đã trải qua ba cuộc hôn nhân, cả ba người đàn ông đều bằng mọi cách lấy được chị. Người phụ nữ Đà Nẵng có giọng nói ấm áp, nét mặt rất đôn hậu còn giỏi kinh doanh. Ba mẹ mất sớm, chị vào TP HCM lập nghiệp, sớm có nhà và phòng trọ cho thuê. Người chồng đầu, nỗ lực từ thời trung học để được về cùng nhà với chị, đã ngoại tình sau khi họ sinh con gái. Người thứ hai dần trở nên bê tha nhậu nhẹt, bạo hành tinh thần với vợ. Người thứ ba, một giám đốc doanh nghiệp khá giả, theo đuổi chị đến mấy năm, có cả hai tật trên, chưa kể khi nóng lên còn đánh đập.
Dọn ra khỏi căn nhà bên sông do chính chị mua đất, thiết kế, giám sát xây lên, chị thề "kiếp sau không bao giờ kết hôn". Đã tưởng an yên với cô con gái cũng xinh đẹp, thông minh như mẹ, chị bảo "đứng hình" khi một ngày con gái thổ lộ muốn đem người yêu - là một cô gái - về sống chung trong nhà. Chị đã tự tử nhưng bất thành.
Chẳng riêng phụ nữ xinh đẹp kia, tôi thử hỏi thăm những người khác khi chúng tôi đủ thân và nhận ra, ai cũng đầy phiền não, kể cả tôi. Ai cũng đầy bất như ý với chồng, con, người yêu, cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, và cả chính mình. Một trong những điều kẻ thế tục như tôi được mở mắt là: Khổ là bệnh chung. Nó hiện diện khắp nơi như sự thật phổ quát. Sự bình an của ta nhiều khi bị bào mòn bởi những điều vụn vặt, những bất mãn không tên. Khi muốn những gì không có, thấy ai đó hành xử theo lối khó ưa, gặp những gì không thích, ta bực bội. Và như một luật tự nhiên, chúng ta không giữ cho riêng mình mà thường trút sang người khác bằng ít nhiều bạo lực trong lời nói, cử chỉ hay hành động. Nguồn gốc của sự bất tịnh thực ra nằm trong chính mỗi người.
Chúng tôi hẹn gặp sau hai tháng trở về từ khóa thiền. Chị liên tục khoe chiếc răng khểnh và tin vui. Chị chấp nhận con mình, giao cho hai đứa quản lý khu trọ cho thuê. Chị vừa được đỡ đần công việc, vừa được hai đứa quan tâm chăm sóc, hạnh phúc khi thấy con mình hạnh phúc. Người ta làm khổ nhau vì họ tưởng đấy là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc, dù có một vài đặc tính chung, không mặc những hình thù giống nhau cho tất cả mọi người. Nó không phải một loại đồng phục.
Quyết định 588 của Chính phủ khiến tôi nghĩ tới mẹ con chị. Muốn hay không, khi lựa chọn kết hôn và sinh con có sự điều chỉnh của chính sách, quyết định này cũng "khái quát hóa" cuộc đời nhiều con người.
Chị sẽ khó mà có cháu, và con gái chị cùng người yêu cô, đều là đối tượng cần "khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con". Với an ninh dân số quốc gia, đó là điều hợp lý. Nhưng quyết định này cũng yêu cầu các địa phương có mức sinh thấp, như TP HCM, "từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn", "từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai đồng thời có chính sách không khuyến khích kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con".
Khi đọc đến câu này, tôi bật ra câu hỏi, "biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội" và "có chính sách không khuyến khích kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con" sẽ được cụ thể hóa thế nào với các thanh niên?
Thử suy luận đơn giản nhất, cách dễ và tiện nhất mà chính quyền có thể yêu cầu người "không chịu" kết hôn, sinh con là bắt họ đóng thuế thu nhập cao hơn, hay đóng thêm một khoản tiền hàng năm, hoặc lao động công ích, hoặc phải thực hiện nghĩa vụ gì đó nhiều hơn đa số người khác. Nếu là bạn, sau khi phải trải qua các biện pháp trên, bạn có nhanh chóng kết hôn, hoặc sinh con, hoặc cả kết hôn và sinh con để tránh bị "phạt" hay phải đóng thêm một khoản phí?
Tôi không ủng hộ lối sống ích kỷ, chỉ chăm chăm cho lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến tương lai cộng đồng, tôi ủng hộ chính phủ khi thúc giục "mỗi gia đình nên có hai con vì lợi ích gia đình và tương lai bền vững của đất nước". Nếu dân số suy giảm, quốc gia thiếu nguồn lao động, thiếu sức cạnh tranh, áp lực lên hệ thống an sinh, bất lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Nhưng ví dụ như con gái bạn tôi, họ sẽ làm gì để sinh ra hai em bé? Và họ có sẵn sàng về cả tinh thần và vật chất cho quyết định tối quan trọng với cuộc đời mình?
Kết hôn là một trong những quyền tự nhiên, tự do cơ bản mà mọi cá nhân hiển nhiên sở hữu bởi sự tồn tại của mình, theo Tuyên ngôn về nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Điều 16 ghi: "Nam hay nữ đến tuổi thành niên đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất cứ một hạn chế nào... Việc kết hôn chỉ được tiến hành khi có sự thuận tình hoàn toàn, tự do và tự nguyện của cả hai bên".
Và nhiều người kết hôn song không muốn sinh con. Các chính phủ từ lâu có nhiều cách khuyến khích công dân sinh đẻ. Thụy Điển trợ cấp gần như hoàn toàn cho người sinh con; yêu cầu người cha phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với người mẹ và em bé kể cả khi họ có con với nhau mà không đăng ký kết hôn. Nhật Bản tặng tiền cho người sinh con, bắt buộc chồng nghỉ phép một tháng chăm sóc vợ đẻ cùng nhiều chính sách hỗ trợ. Đức và nhiều nước châu Âu tặng 500 tới hàng nghìn Euro và hỗ trợ nhiều cách cho các bà mẹ và em bé. Nhưng tôi chưa thấy quốc gia nào có động thái "phạt" công dân vì không chịu kết hôn, sinh con.
Chính phủ có thể điều chỉnh hành vi của công dân bằng nhiều cách, khuyến khích hành vi tốt, xử phạt hành vi theo chính phủ là chưa tốt. Nhưng nếu "dọa" những ai không thực hiện điều chính phủ muốn (mà thực ra họ chưa làm phương hại ai), có lẽ không phải cách giúp công dân duy trì một thái độ sống thiện chí.
Chúng ta chưa biết các cơ quan thực thi quyết định trên sẽ cụ thể hóa việc "tăng trách nhiệm đóng góp xã hội" với các công dân "không chịu" sinh con là gì. Nhưng ta đều biết, chính sách tiên tiến không bao giờ tước đi quyền ra quyết định cá nhân khỏi tay con người. Chính sách tồi sẽ buộc người dân phải lựa chọn giữa điều họ muốn và điều ai đó muốn. Nhà lãnh đạo thương dân mới có thể đặt mình vào vị trí người khác để ban ra quyết định tốt bằng cách trao quyền cho công dân, khiến họ tự nguyện hợp tác làm những điều chính phủ muốn, một cách vui vẻ, mạnh mẽ và hiệu quả.
Bạn chọn gì? Kết hôn sớm và có con dù chưa gặp người vừa vặn, hay sống một cuộc đời tự do cho "sướng cái thân trước đã" và chỉ kết hôn hay sinh con bởi điều đó khiến bạn và những người liên quan đều muốn. Không nên có ai đó đặt ra cho cộng đồng phải lựa chọn cái này mà không phải cái kia. Hạnh phúc không phải là đồng phục.
Hồng Phúc