![]() |
Lã Thị Kim Oanh trong phiên tòa sáng nay. Ảnh: Anh Tuấn |
Bị cáo Lã Thị Kim Oanh được quyền làm đơn xin Chủ tịch nước ân giảm án tử hình trong hạn 7 ngày, kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Tòa cũng tuyên phạt nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quang Hà 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm; nguyên thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân 2 năm tù treo, thử thách 3 năm. Cả hai bị cáo phạm tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
HĐXX bác đơn kháng cáo của Huỳnh Xuân Hoàng (nguyên vụ trưởng Vụ Kế hoạch - quy hoạch), tuyên phạt bị cáo án tù 4 năm về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Phan Văn Quán (vụ trưởng Vụ tài chính - kế toán) được giảm 1 năm tù so với án sơ thẩm, nhận hình phạt 3 năm tù.
Ngày 5/4, bị cáo Huỳnh Xuân Hoàng không đến tòa nghe tuyên án. Ngày 2/4, ông Hoàng gửi xin phép tới HĐXX và được chấp nhận vắng mặt. Các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu Nghị xác nhận, bị cáo Hoàng huyết áp tăng đột ngột, phải đưa vào viện cấp cứu.
![]() |
Bị cáo Nguyễn Quang Hà và Phạm Tiến Bình tại phiên tòa. |
HĐXX tuyên y án sơ thẩm với 3 bị cáo Đỗ Đức Thuần, Nguyễn Chính Nghĩa và Phạm Tiến Bình. Theo đó phạt Đỗ Đức Thuần 15 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh trên, Nguyễn Chính Nghĩa nhận án 10 năm tù; Phạm Tiến Bình 14 năm tù. Riêng bị cáo Bình phải chấp hành thêm hình phạt 1 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp hình phạt với bị cáo Bình là 15 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, Lã Thị Kim Oanh phải bồi thường cho cho Tổng công ty Vật tư nông nghiệp số tiền chiếm đoạt là 70,9 tỷ đồng và 92,6 nghìn USD. Các bị cáo Lã Thị Kim Oanh, Đỗ Đức Thuần, Nguyễn Chính Nghĩa phải liên đới bồi thường cho Tổng công ty Vật tư nông nghiệp số tiền 34,3 tỷ đồng và 3.000 USD. Chia tỷ phần, Lã Thị Kim Oanh phải bồi thường 30,3 tỷ đồng và 3.000 USD, Đỗ Đức Thuần bồi thường 1,7 tỷ đồng, Phạm Tiến Bình phải bồi thường 1,7 tỷ đồng; Nguyễn Chính Nghĩa bồi thường 0,6 tỷ đồng. Tòa cũng buộc bị cáo Phạm Tiến Bình bồi thường cho Tổng công ty Vật tư nông nghiệp hơn 5,4 triệu đồng. Tổng số hai khoản Bình phải bồi thường là 1,705 tỷ đồng.
Tòa tuyên hủy hai lệnh kê biên của cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đối với 21 lô đất tại 161 Sơn Tây, giao cho Tổng công ty Vật tư nông nghiệp giải quyết theo quy định của pháp luật. Do thay đổi về mức độ bồi thường, tòa buộc Lã Thị Kim Oanh phải nộp 129,8 triệu đồng án phí dân sự cấp sơ thẩm. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.
TAND Tối cao nhận định vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng. Trong lúc nhà nước đang cần huy động vốn để phát triển nền kinh tế quốc dân, thực hiện các chính sách nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân thì bị cáo Lã Thị Kim Oanh và đồng phạm đã lợi dụng nhiều dự án được giao, lợi dụng việc thiếu trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vay hàng trăm tỷ đồng của các ngân hàng, đơn vị, cá nhân để chiếm đoạt và chi tiêu bừa bãi, bất chấp quy định của nhà nước, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây bất bình trong dư luận nhân dân, giảm lòng tin của quần chúng đối với hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước.
Qua điều tra, truy tố và xét xử vụ án này, cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý tài chính, quản lý đầu tư, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra có hiệu quả đối với việc đầu tư, thực hiện các dự án. Do đó ngoài việc xét xử nghiêm minh các bị cáo, TAND Tối cao thấy cần khẳng định một lần nữa những kiến nghị mà tòa án cấp sơ thẩm đã nêu ra về quản lý nhà nước.
Một là đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tư cách bộ chủ quản đơn vị đầu tư là Công ty Tiếp thị, cần kiểm điểm, xử lý hành chính nghiêm khắc với những người có liên quan đến quản lý nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho dự án nhóm A đã bị Lã Thị Kim Oanh và đồng phạm chiếm đoạt, gây thất thoát. Bộ này cũng cần rút kinh nghiệm nghiêm túc để tổ chức có hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với các doanh nghiệp trực thuộc, đặc biệt đối với chủ đầu tư thực hiện dự án nhóm A.
Hai là cơ quan điều tra và VKS cần sớm có kết luận điều tra giai đoạn 2 của vụ án để đưa ra truy tố trước pháp luật một số trường hợp liên quan vụ án. Chẳng hạn như những cán bộ công tác tại ngân hàng, Sở Địa chính nhà đất, UBND thành phố Hà Nội, Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng Licogi, Công ty xây dựng và Phát triển nông thôn (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)...
Trao đổi với giới báo chí sau phiên xử, trả lời câu hỏi rằng trong quá trình xét xử giai đoạn 2 của vụ án, Lã Thị Kim Oanh có cần thiết phải có mặt; nếu tử hình Oanh trước khi xét xử thì liệu việc làm rõ hành vi của các đương sự trong vụ án có gặp khó khăn, chủ tọa Nguyễn Hùng Cường cho biết: điều này phụ thuộc vào quá trình điều tra của vụ án, do các cơ quan tố tụng chịu trách nhiệm về giai đoạn 2 quyết định.
Về việc trong quá trình bào chữa, các luật sư nêu một số văn bản chứng minh việc 2 thứ trưởng ký xác nhận giúp Lã Thị Kim Oanh vay tiền là có chủ trương, chủ tọa trả lời: trong quá trình xem xét vụ án phải phân tích tổng hợp nhiều nguồn tài liệu, trong đó luận cứ luật sư nêu ra chỉ là một phần. Hai nguyên thứ trưởng Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân phải chịu trách nhiệm về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hồng Khánh - Anh Thư