Một đội xử lý vật liệu nổ rà soát công trường xây dựng ở Sendling, ngoại ô Munich, để tìm bom mìn chưa nổ trong Thế Chiến II và tình cờ phát hiện một cấu trúc bằng gỗ bị vùi lấp, IFL Science hôm 3/5 đưa tin. Đây thực chất là một ngôi mộ hỏa táng tồn tại từ thế kỷ 2 hoặc 3 trước Công nguyên của người Celt.
Đội xử lý vật liệu sau đó mời nhóm nhà khảo cổ từ Văn phòng Bảo tồn Di tích Bang Bavaria (BLfD) tới nghiên cứu. Họ tìm thấy hàng loạt đồ tạo tác cổ đại gồm một thanh kiếm bị uốn gập, phần còn lại của một chiếc khiên và thương, dao cạo và một chiếc ghim cài. Trong đó, nổi bật là một chiếc kéo 2.300 năm tuổi, được bảo quản tốt đến mức trông gần như mới, hơi sáng bóng và vẫn có thể sử dụng. Tiến sĩ Mathias Pfeil tại BLfD cho biết, nguyên nhân chính khiến chiếc kéo vẫn còn sáng bóng đến ngày nay là tay nghề cao của những thợ thủ công thời xưa.
Dù chưa rõ chính xác lý do tại sao chiếc kéo được chôn trong mộ của người Celt, các nhà khoa học cho rằng nó có thể mang cả ý nghĩa thiết thực cũng như ý nghĩa biểu tượng đối với người đã khuất.
Kéo là công cụ quan trọng của người Celt, dùng để cắt tóc, len và các vật liệu khác. Do đó, có thể chúng được chôn trong mộ như một biểu tượng của nghề thủ công hoặc nghề buôn bán của người đã khuất. Tuy nhiên, trong thần thoại cổ đại, đặc biệt là trong những câu chuyện của người Celt, kéo thường gắn liền với những nữ thần liên quan đến kéo sợi và dệt vải - hoạt động quan trọng trong văn hóa Celt. Do đó, chiếc kéo cũng có thể được chôn để sử dụng như một công cụ thiết thực ở thế giới bên kia.
BLfD kết luận, từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ 2 trước Công nguyên, người Celt đã hỏa táng người chết và chôn tro cốt xuống hố. Sau đó, những đồ tùy táng giá trị được chôn cùng để người đã khuất có thể sử dụng ở thế giới bên kia. Ngôi mộ mới phát hiện cũng giúp các nhà khoa học xác định rằng người chết trong khu chôn cất này có địa vị xã hội cao.
Thu Thảo (Theo IFL Science)