Tác giả cho biết sách chắt lọc cả sự nghiệp viết của bà, trong đó phần đời chiếm khoảng 70% tác phẩm. Việt Linh chọn tên sách là Kẻo tro bay mất - một trong những mẩu chuyện khiến bà ám ảnh nhất, viết về số phận phụ nữ xa quê kiếm sống. Tác giả kể hoàn cảnh cô gái lấy chồng Hàn Quốc để mẹ có tiền sửa nhà. Chỉ sau 24 ngày làm dâu, cô thiệt mạng vì rơi từ tầng 14. "Tên sách cũng ngầm chỉ những điều mong manh trong cuộc sống, dễ vuột khỏi tầm với", tác giả nói.
Nhiều phận đời khác được tái hiện qua trang sách Việt Linh. Có khi, đạo diễn kể về một phụ nữ làm nghề dọn rác, quần quật kiếm tiền để con học bác sĩ và xây nhà thương ở quê hương. Dù bị cười viển vông, bà kệ vì "viển vông để có cớ sống". Tác giả nâng niu những mảnh đời đó, để họ hiện ra trong trang sách một cách hiền hòa.
Việt Linh cũng thể hiện suy tư về những sự kiện thời sự, tin tức xã hội hàng ngày. Sự kiện chìm tàu Dìn Ký (Bình Dương) để lại ám ảnh trong tác giả về người mẹ ôm con đến khi cả hai không còn hơi thở. Đó còn là sự vô tình khi chụp ảnh gia đình nạn nhân vụ chìm phà Sewol (Hàn Quốc) và quên mất "quanh ta có nỗi buồn".
Là một người mẹ, đạo diễn trăn trở về cách nuôi dạy con. Sống xa quê hương, bà sợ con mất gốc, mừng vui khi con khóc nhớ Việt Nam sau một chuyến về thăm quê. Khi đọc cuốn thơ do một nhóm học sinh lớp năm sáng tác, có lời bình của cô giáo, Việt Linh thán phục vì cô có cách giáo dục nhân văn, để trẻ được thể hiện tâm tư một cách hồn nhiên.
Tác giả khắc ghi nhiều khoảnh khắc, góc nhỏ cuộc đời, bởi "mỗi thứ kỳ cục đều cất chứa một câu chuyện". Đó là chiếc xe đạp thể dục bị hỏng, khuyên nhủ ta chậm lại trước khi nổi nóng, nghi oan người khác, hay những bông kim tuyến gợi hoài niệm về ám ảnh nợ nần.
Giáo sư Cao Huy Thuần nhận xét cuốn sách của Việt Linh mang nhiều trăn trở, đau đáu từ tác giả. "Không phải chuyện nào của chị đều buồn, ngược lại, tiếng cười của chị không hiếm; nhưng khi đọc xong, gấp sách lại, nghe như từ sách thoảng ra một tiếng thở dài", ông nói.
Nhà văn Hồ Anh Thái đánh giá ngôn ngữ văn chương của Việt Linh trực tiếp mà hàm nghĩa, kể chuyện đời, chuyện phim mà như chuyện của chính bà. Nhà văn Đỗ Phấn gọi tác phẩm là một cuốn sách "ấm áp với tha nhân", lối viết đơn giản, mạch lạc giúp người đọc như được tiếp xúc trực diện với khung cảnh, theo dõi thân phận nhân vật.
Bà cũng dành phần lớn cuốn sách bình luận các tác phẩm điện ảnh kinh điển cùng những nhân vật đứng sau. Chẳng hạn, khi viết về phim tài liệu Đường ra phía trước (đạo diễn Hồng Sến quay năm 1969, hãng phim Giải Phóng phát hành), Việt Linh nhớ cảnh máy bay của địch ào tới. Lúc đó, đoàn dân công tản ra nằm rạp, song Hồng Sến lại lao lên mô đất cao và lia máy reo lên: "Tuyệt lắm!". Theo bà, nhiều cảnh quay được ông đặt tâm tư, như cảnh con trâu tải đạn, ý muốn nói vật nuôi cũng đồng tâm chống giặc.
Tác giả giới thiệu nhiều tác phẩm nước ngoài giàu cảm xúc với bà. Giấy không gói được than cháy dở của đạo diễn phim tài liệu người Campuchia - Rithy Panh - là góc nhìn về các cô gái mại dâm. Phim Chiếc quần thuật lại sự việc đau thương khi hơn 400 quân nhân Pháp bị tòa án binh xử tử bởi tội phản loạn trong Chiến tranh thế giới Thứ nhất. Phim 5 giờ chiều kể về một phụ nữ mơ ước trở thành tổng thống Afghanistan, muốn phá bỏ mọi rào cản truyền thống. Đại diện nhà xuất bản kỳ vọng sách giúp người đọc hiểu thêm về kỹ năng viết kịch bản, bình luận phim ảnh, cách rèn luyện ngôn ngữ và nhìn ra tư liệu từ chất liệu đời sống.
Đạo diễn Việt Linh tốt nghiệp hạng ưu khoa Đạo diễn Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô VGIK năm 1985. Nhiều tác phẩm điện ảnh của bà như Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Thảo - Thời vang bóng, từng giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong và ngoài nước. Việt Linh là tác giả và chủ biên Tủ sách điện ảnh được khởi xướng từ năm 2006 với nhiều tác phẩm: Dạo chơi vườn điện ảnh, Ý tưởng nghề nghiệp, Chơi cùng cấu trúc.
Bà hiện hoạt động chủ yếu trong vai trò biên kịch, đạo diễn, giám đốc nghệ thuật sân khấu Hồng Hạc - ra mắt tháng 12/2015. Một số tác phẩm của sân khấu được khán giả đón nhận như Thiên Thiên (đạo diễn: Việt Linh, Phạm Hoàng Nam), Tro tàn rực rỡ (đạo diễn Lê Thụy), Giờ của Quỷ (đạo diễn Hồng Ánh), I am đàn bà (đạo diễn Hạnh Thúy), hay những vở thể nghiệm như Ngộ nhận (đạo diễn Tây Phong), Tấm và hoàng hậu (đạo diễn Thiên Huân).
Mai Nhật