Ở nhiều vùng quê hiện nay vẫn giữ phong tục làm kẹo lạc, kẹo mạch nha ngày Tết và sau đó mang những sản vật quê hương này làm quà biếu cho cơ quan, đồng nghiệp. Trong món kẹo lạc có một nguyên liệu không thể thiếu nhưng ít được để ý là phăng. Phăng làm từ lúa nếp thơm rang lên, chỉ lấy những hạt nổ, sàng sẩy cho sạch rồi nghiền nhỏ. Nhờ có phăng mà kẹo lạc không bị chảy nước khi để ngoài không khí. Tiếp theo là lạc. Lạc rang nhỏ lửa sao cho vàng ruộm, giòn tan. Xát vỏ, nhặt bỏ hạt đen, hư hỏng. Tỷ lệ làm kẹo thích hợp nhất là 1 kg lạc nhân với 1 kg đường. Muốn kẹo ngọt hơn bạn có thể bớt lạc. Cho đường vào nồi, đun nhỏ lửa, quấy đường thành vòng tròn cho tan hết. Có thể thử độ đạt của đường bằng cách cho một giọt đường vào bát nước, nếu thấy đông cứng, giòn là được. Đổ lạc vào nồi rồi tắt bếp. Trộn lạc và đường cho đều, đảo nhanh tay. Nếu thích, bạn có thể băm nhỏ gừng cho vào nồi lúc đường vừa tan, sau đó mới cho lạc. Chuẩn bị một cái mâm sạch, bôi một lớp dầu ăn mỏng xuống dưới, mục đích để đường không dính xuống mâm. Một chai thủy tinh để tán kẹo, dao để cắt cũng phải bôi dầu ăn xung quanh. Đổ kẹo ra mâm. Dùng chai dàn đều, tán mỏng kẹo khắp mặt mâm. Lúc này kẹo đang rất nóng, có thể làm bỏng. Bạn chịu khó dùng lực thật manh, tán kẹo nhanh để món kẹo được ngon nhất. Dùng dao rạch kẹo thành từng thanh có độ dài vừa phải. Khéo léo tách thanh kẹo khỏi mặt mâm. Rạch kẹo đến đâu thì chặt thành từng thanh nhỏ vừa ăn đến đó. Nên có 2 người làm, để lâu kẹo sẽ bị giòn, khó chặt thành viên được. Cho ngay kẹo lên tờ báo, dàn mỏng để kẹo không dính vào nhau và giữ được hình ban đầu. Khi kẹo bớt nóng thì rải phăng lên. Bọc giấy báo hoặc cho kẹo vào hộp bảo quản cẩn thận. Món kẹo lạc vô cùng dân dã nhưng lại rất thích hợp cho những lúc hội họp đông vui. Thưởng thức nó cùng một tách trà ngon sẽ thấy đầy đủ hương vị của món quà quê thanh tao này. Phan Dương