Trong 20 năm qua, kỹ sư sinh học Kibret Mequanint từ Đại học Western, Ontario của Canada đã phát triển thành công nhiều thiết bị y tế và công nghệ điều trị dựa trên vật liệu sinh học, một số trong đó đã được cấp phép cho các công ty y tế hoặc đang trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng.
Trong báo cáo mới đăng trên tạp chí Science Advances hôm 15/7, Mequanint cùng các cộng sự tiếp tục công bố thêm một nghiên cứu đầy hứa hẹn về vật liệu cầm máu siêu nhanh có nguồn gốc từ nọc độc rắn. Khám phá này dựa trên một loại enzyme đông máu có tên là batroxobin, được tìm thấy trong nọc độc của rắn đầu giáo (Bothrops atrox), một trong những loài bò sát độc nhất ở Nam Mỹ.
Tận dụng đặc tính đông máu của batroxobin, nhóm nghiên cứu đã kết hợp enzyme với gelatin biến tính để tạo ra một chất kết dính mô cơ thể đặc biệt, có thể được đóng gói trong một ống nhỏ để dễ dàng mang theo và sử dụng.
"Khi bị thương và chảy máu, bạn chỉ cần bóp ống để loại 'keo siêu dính' này chảy ra và phủ lên vết thương, sau đó chiếu ánh sáng lên đó trong vài giây, chẳng hạn như bằng bút laser hoặc đèn flash trên điện thoại thông minh", Mequanint mô tả. Dưới tác động của ánh sáng nhìn thấy, các chất chiết xuất từ nọc rắn trong keo sẽ liên kết chéo với nhau.
So với keo fibrin (tơ huyết), được coi là tiêu chuẩn vàng trong ngành cho các bác sĩ phẫu thuật lâm sàng và thực địa, vật liệu mới có độ bền kết dính cao gấp 10 lần, giúp chống lại sự tách rời hoặc rửa trôi do máu chảy. Thời gian đông máu cũng ngắn hơn nhiều, giảm một nửa từ 90 giây đối với keo fibrin xuống còn 45 giây đối với kéo dính mới từ nọc rắn.
Công nghệ sinh học này đã được chứng minh hiệu quả trong các thử nghiệm trên vết cắt da sâu, đứt động mạch chủ và gan bị thương nặng, tất cả đều là những tình huống chảy máu nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng.
"Chúng tôi đã hình dung về viễn cảnh loại keo siêu dính mới được sử dụng để cứu người trên chiến trường, hoặc các chấn thương do tai nạn khác như va chạm giao thông. Nó cũng phù hợp để thêm vào bộ dụng cụ sơ cứu thông thường", Mequanint nói thêm.
Trong giao đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ làm việc để đưa chất cầm máu từ nọc rắn này tới các cơ sở y tế. Mequanint tin rằng nó có thể được sử dụng trong việc xử lý các vết thương phẫu thuật không cần khâu.
Đoàn Dương (Theo Science Daily)