Năm 2012, chúng tôi huấn luyện tân binh ở Sơn Tây. Ngày chia tay, trung đội tổ chức liên hoan bằng bánh kẹo và nước giải khát. Một đồng chí đã nhỏ nhẹ khuyên chúng tôi không nên uống một loại nước có ga. Anh chỉ vào dòng chữ nhỏ không rõ nét và vị trí mép dán nhãn không đồng đều giữa các chai nước rồi cho biết đây có thể là hàng nhái kém chất lượng.
Quê anh ở huyện Hoài Đức - nơi có thủ phủ bánh kẹo La Phù nổi tiếng, nên anh ít nhiều có kinh nghiệm với các sản phẩm này. Anh cho biết, từ nước giải khát, bánh kẹo đến bia rượu đều có thể bị làm giả. Không phải tất cả cơ sở thực phẩm ở xã La Phù hay huyện Hoài Đức đều sản xuất hàng kém chất lượng. Nhưng cơ quan chức năng đã phát hiện không ít vi phạm liên quan đến thực phẩm giả ở đây, ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Dịp Tết vừa rồi, từ 19/12/2024 đến 6/2/2025, có 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm tại xã La Phù bị xử lý. 18 trong số đó vi phạm hành chính. Một trường hợp được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra do sản xuất hàng giả là thực phẩm.
Sáu tháng trước, đi đón con, tôi thấy cháu ăn snack mực xé tẩm gia vị mua ở tiệm tạp hóa đối diện cổng trường. Gói snack nhỏ này có giá bán lẻ chỉ năm nghìn đồng, cháu biết đến do xem một vlog trên YouTube. Sau khi kiểm tra, tôi đã yêu cầu con mình không được ăn và đề nghị bà chủ tạp hóa không tiếp tục bán sản phẩm này.
Sản phẩm trên được sản xuất "ăn theo" một loại snack hải sản của nước ngoài đang được nhiều học sinh ưa chuộng. Họ làm rất bài bản, in hình con mực bắt mắt lên bao bì, sau đó để các YouTuber quảng cáo cho sản phẩm.
Tổng hợp tên gọi, bao bì cho đến thành phần thì sản phẩm snack này có dấu hiệu giả về "nội dung" khi có giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa. Nhưng sản phẩm lại được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử và ngay tại các cổng trường học như ở TP HCM. Vậy, ai là người chịu trách nhiệm cho chất lượng của sản phẩm trên?
Hiện nay, Bộ luật Hình sự xử phạt rất nặng hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả. Giá trị hàng giả từ 20.000.000 đồng trở lên đã phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với lương thực, thực phẩm và thuốc chữa bệnh thì không cần tính giá trị. Vì vậy, hành vi sản xuất thực phẩm giả đang có xu hướng giả về nội dung hơn là về hình thức (tem nhãn, bao bì) vốn dễ bị phát hiện.
Hàng hóa giả về nội dung tức là giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa hoặc có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký.
Thủ đoạn của các cơ sở sản xuất thực phẩm giả, kém chất lượng là thành lập pháp nhân, có giấy phép an toàn thực phẩm và có phiếu kiểm nghiệm an toàn cho sản phẩm. Nhưng sau khi đủ điều kiện, họ sản xuất thực phẩm không đạt chất lượng như đã công bố mà ít bị kiểm tra, phát hiện.
Nghị định 15/2018 cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm được tự công bố sản phẩm sau khi có phiếu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm. Sau khi tự công bố, họ được quyền sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính an toàn của sản phẩm. Quy định trên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhưng nếu nhà chức trách không hậu kiểm chặt chẽ sản phẩm trên thị trường người dùng có thể tiêu thụ phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí độc hại.
Luật Vệ sinh An toàn thực phẩm quy định việc kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan và phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tức là người tiêu dùng không được tham gia vào việc kiểm nghiệm chất lượng của thực phẩm mà mình sử dụng. Đây là một điều bất cập.
Cơ quan tố tụng đã chấp nhận sử dụng vi bằng làm chứng cứ trong các vụ án dân sự lẫn hình sự. Theo tôi, Luật Vệ sinh An toàn thực phẩm sửa đổi nên để cá nhân người tiêu dùng và các tổ chức được tham gia vào việc kiểm nghiệm thực phẩm. Tức là, họ được phép kết hợp với một đơn vị thừa phát lại để lập vi bằng về việc lấy mẫu, niêm phong sản phẩm lưu thông và gửi đến đơn vị kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Nếu kết quả kiểm nghiệm cho ra thực phẩm giả, kém chất lượng hoặc có vi chất độc hại thì người tiêu dùng thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước biết để đưa ra khuyến nghị và các biện pháp xử lý kịp thời. Điều này không chỉ giúp giảm tải công việc cho các cơ quan chủ quản mà còn góp phần tăng khả năng phát hiện, ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng.
Được chủ động tham gia kiểm nghiệm thực phẩm là quyền lợi, nghĩa vụ và cũng là sự công bằng đáng phải có cho người tiêu dùng, cũng như cho các đơn vị làm ăn chân chính.
Bùi Võ