Phát biểu tại hội thảo về kinh nghiệm quan hệ với báo chí trong hoạt động của Quốc hội ngày 17/12, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ năm 2009 đến nay, Văn phòng Quốc hội đã có nhiều thỏa thuận hợp tác với các cơ quan báo chí để thông tin thường xuyên, đậm nét về hoạt động của Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đang hợp tác với các cơ quan hữu quan để xây dựng Kênh truyền hình Quốc hội.
Trao đổi thêm về thông tin này, ông Phúc cho hay, các công tác chuẩn bị đang gấp rút được hoàn tất. “Mục tiêu là trong năm 2014 kênh truyền hình này sẽ hoạt động nhưng chúng tôi đang phấn đấu để phát sóng sớm trong quý I”, ông Phúc nói.
Theo kế hoạch, Kênh truyền hình Quốc hội sẽ được phát sóng qua hệ thống của kênh phát thanh có hình của Đài tiếng nói Việt Nam. Việc ra đời kênh truyền hình này sẽ tạo không gian riêng để chuyển tải đầy đủ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp… tới cử tri và người dân.
Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu Quốc hội giàu kinh nghiệm như ông Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng), ông Dương Trung Quốc và các chuyên gia truyền thông đến từ Quốc hội Đan Mạch đã tham gia trao đổi về kinh nghiệm hợp tác giữa báo chí và Quốc hội.
Theo ông Klaus Hoekkerup, người từng có hơn 20 năm là nghị sĩ thuộc đảng chính trị lớn nhất Đan Mạch, chia sẻ, ở Đan Mạch, phóng viên tiếp cận đại biểu Quốc hội rất dễ dàng. Họ có thể liên hệ với đại biểu vào nửa đêm hay sáng sớm và đặt những câu hỏi “mà chỉ có chúa mới biết được thế nào”. Và đại biểu là người phải luôn chuẩn bị để trả lời. Trong trường hợp chưa nắm đủ thông tin thì có thể hẹn trả lời sau nhưng không bao giờ được quên cái hẹn đó.
Ông Klaus cũng khẳng định, sự hợp tác giữa chính khách và báo chí tạo ra những đạo luật tốt bởi báo chí là diễn đàn thảo luận, tăng cường chất lượng các đạo luật sắp ban hành. Vị chuyên gia này cũng đánh giá vai trò của các kênh thông tin, mạng xã hội như Facebook ngày một quan trọng, đặc biệt là giai đoạn tranh cử.
Nguyễn Hưng