Con kênh, được gọi với cái tên dân dã Ba Bò từ thế kỷ trước, khởi nguồn từ xã Đồng An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương chảy xuống phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM đổ ra hệ thống sông Sài Gòn.
![]() |
Cống Thối Ba Bò, nơi băng qua tỉnh lộ 43 thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Tuyên |
Dù chỉ dài hơn 1.700 mét nhưng kênh Ba Bò là kênh tiêu thoát nước tự nhiên cho lưu vực lớn hơn 1.500 ha thuộc Bình Dương và 150 ha thuộc TP HCM. Anh Nguyễn Minh Thông, cán bộ địa chính phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức kể, hồi cuối thế kỷ trước người dân còn lội dọc kênh để bắt tôm cá mỗi ngày. Còn nước chảy về hạ lưu được dùng tưới cho hàng trăm ha rau sạch, cung cấp cho nội thành.
Nhưng từ khi các khu công nghiệp mọc lên, nước thải từ các nhà máy ở Khu công nghiệp Sóng Thần và Khu công nghiệp Đồng An, thuộc tỉnh Bình Dương không được xử lý mà đổ thẳng vào kênh. Cùng lúc dân từ các nơi kéo về phường Bình Chiểu ở và nước sinh hoạt cũng được xả thẳng ra kênh.
Đến đầu những năm 2000, dòng kênh chuyển sang đục, đen quánh, bốc mùi hôi nồng nặc và từ đó nó được đổi tên là: kênh Thối. Cá tôm không còn, và phía cuối kênh, nơi có các vườn rau, người dân không còn lấy nước tưới nữa mà phải đắp bờ đê chặn nước kênh.
Mái tôn nhà dân hai bên bờ kênh bị hơi nước từ kênh bốc lên làm cho mục nát rất nhanh. Anh Nguyễn Đình Hải, nhà ngay cống Thối cho biết mái tôn chỉ sau một năm thay mới là mục. "Những hôm mưa, nước chảy mạnh qua cống tung bọt cao lên cả mét, thành hơi nước bay lên theo mưa rớt xuống mái nhà đã bị mục dột càng làm cho tôn mau mục. Còn hơi nước ngấm vào da làm ngứa ngáy khó chịu vô cùng", anh Hải nói.
Chất lượng nước kênh Ba Bò không đạt tiêu chuẩn cho phép và thể hiện mức ô nhiễm cao; gây chết hầu hết các loại cá, gây hại đến sức khỏe cộng đồng dân cư quanh vùng và những người tiêu thụ lượng rau tươi sống của vùng này Trích: Kết luận giám sát kênh Ba Bò năm 2005, của Chi cục bảo vệ môi trường TP HCM. |
Đồ đạc trong nhà, nhất là đồ kim khí, điện máy cũng bị hơi nước bốc lên từ kênh làm cho hư hỏng rất nhanh. Một số người dân trong khu vực đã bị mắc một số bệnh về đường hô hấp. Chị Huỳnh Thị Nga, nhà gần kênh cho biết trung bình mỗi tháng chị tốn hàng trăm ngàn tiền thuốc để trị bệnh viêm họng, ngẹt mũi, khó thở.
Toàn bộ các giếng khoan lấy nước sinh hoạt trong khu vực trước đã bị nước ô nhiễm từ kênh xâm nhập, không thể sử dụng được nữa
Theo ông Phan Hoa Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Bình Chiểu, thống kê sơ bộ, có 50 hộ dân sát kênh bị ảnh hưởng nặng nề về nhà và sức khỏe, hơn 250 hộ khác trong vùng bị ảnh hưởng không thường xuyên.
"Các chứng bệnh về đường hô hấp là do dân bị đau, tự đi khám và phát hiện. Còn các bệnh như ung thư, đường ruột có hay không và đến bao giờ bùng phát thì chưa thể biết được", Chủ tịch Tuấn lo lắng.
Nhùng nhằng trong việc xử lý
Từ những năm 2001, 2002 người dân liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm của kênh Thối Ba Bò. Năm 2003, UBND TP HCM chủ trương cải tạo con kênh này, nhưng gặp khó là thành phố không thể gánh chịu toàn bộ kinh phí. Mặt khác, việc cải tạo sẽ không hiệu quả nếu nguồn nước thải từ các nhà máy ở thượng nguồn không được xử lý trước khi thải ra kênh chung.
![]() |
Vách tôn nhà anh Nguyễn Đình Hải bị hơi nước kênh Ba Bò ăn mòn. Ảnh: Hoàng Tuyên |
Đến năm 2005, TP HCM và tỉnh Bình Dương mới "bắt tay" nhau nghiên cứu việc cải tạo kênh, xử lý nước thải. Đến cuối tháng 3/2006, hai địa phương đạt được thỏa thuận mỗi bên đóng góp 50% kinh phí xây lắp công trình cải tạo kênh, còn kinh phí đền bù, giải tỏa thì mỗi địa phương tự đảm trách theo địa giới hành chính.
UBND tỉnh Bình Dương cam kết sẽ buộc các nhà máy, khu công nghiệp phải xử lý nước thải trước khi xả vào kênh chung. "Khi kênh đã được cải tạo nhưng nước thải vẫn không được xử lý thì chúng tôi sẽ đóng van hồ điều tiết ở thượng nguồn, không cho xả xuống dưới", ông Cao Trung Sơn, phó phòng quản lý môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM khẳng định.
Đến nay, thiết kế cơ sở của dự án cải tạo kênh Ba Bò đã được Sở GTCC phê duyệt. Tổng kinh phí cho công trình khoảng 190 tỷ đồng. Theo ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, trong 7 tháng tới sẽ phải tiến hành hàng loạt các bước phê duyệt dự án, đấu thầu, chuẩn bị thi công...
Tuy nhiên, công tác giải tỏa, bàn giao mặt bằng vẫn chưa sẵn sàng. "Nếu đã có nhà thầu mà vẫn chưa có mặt bằng thì không biết đến bao giờ mới tiến hành thi công cải tạo kênh được", ông Thiết lo ngại.
Lưu Đức