Rác chảy đầy dòng kênh. Ảnh: Tuấn Dũng |
Chị Đào Thị Bích Dậu, ở huyện Bình Chánh, nơi kênh Tham Lương chảy qua, cho biết, từ lâu lắm rồi người dân phải chịu đựng thứ mùi khó chịu bốc lên từ dòng kênh. Khi nước rút cũng là lúc mùi nặng nhất. Dòng kênh lúc đó cạn bớt nước, đen đặc lại. Nhiều gia đình đã phải chuyển giờ ăn cơm chiều vào lúc tối muộn để tránh mùi tanh nồng bốc lên từ dòng kênh. "Cũng vì thứ mùi ô nhiễm đó mà tôi không dám ở đây để sinh con nhỏ, mặc dù phải đi thuê nhà chỗ khác khá tốn tiền", chị Dậu nói.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường, kênh Tham Lương chỉ là một phần trong hệ thống kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật - Rạch Nước. Hiện hệ thống này nằm ngay trong nội thành, chạy thành hình vòng cung từ Đông Bắc đến Tây Nam khu trung tâm thành phố, nối liền sông Sài Gòn phía đông và sông Chợ Đệm phía Tây Nam. Toàn tuyến kênh dài khoảng 33 km trên lưu vực rộng gần 15 ha, đi qua các quận Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12, Tân Bình, Gò Vấp.
Nguyên nhân gây ra tình cảnh ô nhiêm nghiêm trọng là do có một khối lượng lớn chất ô nhiễm được thải ra sông. Đó là nước thải chưa được xử lý từ các hoạt động sản xuất công nghiệp của thành phố, là rác xả vô tội vạ của các hộ ven sông và trên kênh, các hoạt động khai thác cát, dịch vụ buôn bán nhà hàng, khách sạn, giao thông thủy, kể cả việc vận chuyển chất thải đổ trái phép xuống kênh...
Ông Trần Thế Ngọc, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM đánh giá, hoạt động sản xuất công nghiệp được đánh giá là nguồn thải nghiêm trọng nhất. Kết quả điều tra khảo sát trong lưu vực cho thấy, lượng nước thải của các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp khoảng 30.000- 40.000 m3/ngày. Trong đó có hơn 2,4 tấn cặn lơ lửng.
Ông Ngọc cho biết thêm, các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp Tân Tạo, Tân Bình, Vĩnh Lộc A, Tân Thới Hiệp có tổng lượng nước thải hơn 32.000 m3/ngày. Nếu tất cả khu công nghiệp đều xử lý nước đạt tiêu chuẩn loại C theo quy định thì ước tính tải lượng ô nhiễm thải vào kênh khoảng 6,4 tấn cặn lơ lửng.
Tuấn Dũng