Kết quả khảo sát mới cho thấy kền kền griffon, một trong những loài chim ăn thịt lớn nhất châu Âu, đã sinh sản trở lại trên dãy núi Đông Balkan, Bulgaria. Cuộc khảo sát được trình bày chi tiết trên tạp chí Biodiversity Data hôm 17/5, giúp khẳng định tính hiệu quả của chương trình bảo tồn ở nước này.
Trong chương trình bảo tồn, các nhà nghiên cứu tìm kiếm kền kền nhân giống trong môi trường nuôi nhốt và kền kền được chăm sóc phục hồi tại các sở thú, trung tâm phục hồi ở Tây Ban Nha và Pháp. Sau đó, nhóm chuyên gia giúp chúng thích nghi với khí hậu Bulgaria trong những chiếc chuồng đặc biệt. Cuối cùng, họ gắn thẻ theo dõi và thả chúng xung quanh dãy núi Đông Balkan.
Năm 2015, sau khoảng 50 năm vắng bóng, cặp kền kền đầu tiên trong thời kỳ sinh sản xuất hiện tại Bulgaria. Đến nay, dãy Đông Balkan trở thành nơi cư trú của ít nhất 80 con kền kền griffon, trong đó có 25 cặp đang sinh sản. Trong 5 năm qua, hơn 30 chim non đã chào đời và tập bay thành công.
Không phải toàn bộ số chim thả ra tự nhiên đều sống sót nhưng quần thể kền kền vẫn đang chậm rãi phát triển, nhóm nghiên cứu cho biết. Họ đã mất khoảng 1/3 số kền kền được thả, phần lớn do điện giật. "Đàn chim chủ yếu lùng sục quanh những điểm chứa thức ăn, nơi nhóm nghiên cứu cung cấp xác vật nuôi thu gom từ người dân địa phương và lò mổ", Elena Kmetova-Biro, quản lý dự án tại tổ chức Green Balkans, nói.
Các nhà khoa học dự định tập trung hơn vào công tác bảo vệ môi trường để đảm bảo quần thể kền kền griffon sẽ ổn định và tiếp tục tự phát triển. "Chúng tôi coi giai đoạn đầu của việc đưa kền kền trở lại nơi này đã hoàn tất và thành công. Kền kền vẫn đang phụ thuộc vào các hoạt động bảo tồn như cung cấp thức ăn hỗ trợ, bảo vệ khỏi đường dây điện nguy hiểm hay bị nhiễm độc vô ý. Tuy nhiên, dãy núi Đông Balkan hiện có thể coi là một trong 7 nơi sinh sống hiếm hoi của loài chim này tại bán đảo Balkan", nhóm nghiên cứu nhận định.
Thu Thảo (Theo UPI)