Ngày 3/3, Kelly Clarkson ra album phòng thu thứ 13 mang tên Piece by Piece. Đây là album cuối cùng cô thực hiện theo hợp đồng thu âm với hãng sản xuất của chương trình American Idol – RCA Records.
- Đã 13 năm từ khi chiến thắng American Idol, chị nghĩ gì về chặng đường mang về 13 album và 3 giải Grammy?
- Tôi không biết sao mình lại tồn tại được. Ở ngành này, nếu bạn chỉ biết tập trung vào âm nhạc thì có người sẽ tỏa ánh hào quang, có người không. Có lẽ riêng tôi, ngay từ đầu tôi biết mình muốn gì và điều đó hữu ích.
- Điều chị muốn ngay từ đầu là gì?
- Tôi muốn làm nhạc pop, làm bất kỳ loại nhạc “phổ thông” có tâm hồn. Nhưng bắt đầu lúc nào cũng nhiều trở ngại. Tôi phải khóc xin trong văn phòng hãng thu âm để đĩa đơn Miss Independent – single chủ đạo album Thankful (2003), được phát hành. Các nhà sản xuất muốn tôi theo đuổi phong cách Aretha Franklin - ca sĩ da màu được mệnh danh là “nữ hoàng nhạc soul”, hát kiểu nhạc tôi từng thể hiện ở American Idol. Tôi trả lời: “Tôi mới 20 tuổi, tôi có thể hát được những bản ballad và tôi yêu đàn guitar”.
Nhưng hãng ghi âm không muốn sản xuất nhiều sản phẩm với tôi. Tôi cố hơn: “Liệu tôi có thể làm những bản nhạc khác”. Cuối cùng Miss Independent có phong cách pop rock và R&B.
- Lúc mới đi hát, chị còn gặp khó khăn nào khác?
- Tôi thuê nhà ở Los Angeles, sống chung với một cô gái trước đó tôi không biết cô ấy như thế nào. Ngày dọn đến ở chung, chúng tôi ra ngoài ăn tối, về nhà thì thấy căn hộ đang bốc cháy. Vụ cháy làm tôi mất sạch đồ đạc chỉ trừ một cái hộp nhỏ. Đêm đấy tôi phải ngủ trong xe của mình. Sau đó, tôi nghe nói về vòng thử giọng ngẫu nhiên cho một cuộc thi tài năng âm nhạc nào đó. Sau đó thì tôi đến American Idol. Rồi bây giờ tôi may mắn ở đây.
- Trong những năm gần đây, các cuộc thi hát đã không còn sản sinh ra các sao lớn. Sức hút American Idol cũng giảm. Chị nhìn nhận việc này thế nào?
- Không. Không có sao lớn là vì ngày càng có nhiều chương tình tài năng âm nhạc ra đời. Kể cả khi nói chỉ số của American Idol đã giảm, nó vẫn là con số hàng triệu người xem. Giảm từ 20 triệu người xuống còn 15 triệu người vẫn hơn chương trình khác, vẫn “hủy diệt" các show khác.
Vấn đề là nguồn cung và cầu thôi, chương trình nào cũng thế, dù là American Idol hay The Voice hay America’s Got Talent hay show nào khác. Tôi nghĩ giờ đây khó có sao nhạc lớn là bởi vì có thừa thãi sao nhạc. Mọi người luôn hỏi tôi làm thế nào tôi thành công? Hay tại sao Carrie Underwood thành công? Chúng tôi là người đi sớm, lúc không phải cạnh tranh nhiều. Lúc đó thậm chí mọi người còn ghét các chương trình tìm kiếm tài năng.
- Theo chị, các chương trình tìm kiếm tài năng nên thay đổi thế nào để tạo ra tài năng mới?
- Chắc không có câu trả lời cho vấn đề này được. Nếu có người ta đã làm rồi! Sự thực, tài năng ngay từ đầu phải có bệ đỡ lớn khi muốn định hướng sự nghiệp. Justin Bieber hay nhóm Dave Matthews đến từ YouTube và họ đã có sẵn lượng fan ngầm lớn trước khi nhận được hợp đồng ghi âm. Nhưng Frank Sinatra lại vào nghề qua một cuộc thi. Điều này có nghĩa là không có con đường đúng hay sai để vào ngành công nghiệp nhạc. Điều quan trọng không phải bạn vào nghề bằng cách nào mà là bạn có đủ sức để tồn tại không.
- Chị từng có ý định làm một album nhạc đồng quê. Chị tiến hành đến đâu rồi?
- Thực ra thời gian vừa qua tôi làm 2 album cùng lúc, Piece by Piece và một album nhạc đồng quê sẽ ra mắt tới đây. Trên iPad của tôi có đủ thể loại nhạc từ R&B tới pop tới rock tới cổ điển. Piece by Piece là album hợp đồng cuối với hãng ghi âm và có lẽ là album pop tốt nhất của tôi trước giờ bởi tôi có nhiều thời gian thu âm album nó, lúc mang bầu.
- Quá trình thu âm lúc mang bầu của chị diễn ra thế nào?
- Ghi âm khi vừa ốm nghén không vui lắm nhưng khiến mình có động lực hơn. Toàn bộ cơ thể, toàn bộ cảm xúc toàn bộ ý nghĩ và cả giọng nữa đều sung mãn hơn. Kiểu như năng lượng trong người chỉ chờ bùng nổ. Đấy cũng là một phần giúp chất giọng trong album mới của tôi hay hơn.
Vũ Văn Việt (theo Times & The Guardian)