Thứ hai, 13/1/2025
Thứ ba, 12/7/2022, 16:52 (GMT+7)

Kelingking - điểm đến cho người ưa mạo hiểm ở Bali

IndonesiaBãi biển Kelingking có cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nơi vợ chồng anh Nam Thái chụp hình sống lưng khủng long và chứng kiến những con sóng lớn.

Vợ chồng anh Trịnh Nam Thái và chị Phạm Bích Ngọc, Hà Nội, có chuyến đi 21 ngày tới Indonesia giữa tháng 6. Tại quốc đảo, hai người ưu tiên các trải nghiệm hoang dã và cảm giác mạnh. Trong đó, anh chị "nín thở" chụp ảnh với rồng Komodo, và tiếp tục hành trình với việc chứng kiến những con sóng lớn ở bãi biển Kelingking.

Bãi biển Kelingking ở đảo Nusa Penida là địa điểm du lịch nổi tiếng nhờ "sống lưng khủng long". Nơi đây được ví như biểu tượng du lịch của Bali vì hầu hết khách du lịch đều ghé qua nơi này. Nhìn từ trên cao, vách đá ôm trọn bãi biển, hình dạng giống xương sống của một con vật khổng lồ hoặc khủng long đang gầm.

Anh Thái chia sẻ đường tìm ra tọa độ này rất đơn giản, cứ đi theo bản đồ là tới, không mất phí tham quan. Nếu đi xe máy, bạn trả 5 IDR rồi đi bộ vào, tuy nhiên nếu chứng minh được mình là du khách ở khách sạn trong khu vực này, bạn sẽ không phải trả phí. Ngoài khu vực sống lưng, bạn có thể chếch qua bên trái để tới một khu chuyên chụp ảnh với nhiều hoạt động khác nhau như tổ chim, xích đu tử thần...

Không chỉ chụp ảnh ở sống lưng khủng long, anh Nam Thái còn xuống bãi biển gần hơn để cảm nhận sự hùng vĩ của thiên nhiên. "Đứng từ trên vách núi nhìn thấy sóng nhỏ, tưởng cũng bình thường nhưng xuống dưới lại là sự khác biệt rất lớn, vì vách núi cao hơn mình nghĩ. Những con sóng thực sự có phần bị giảm sự hấp dẫn nếu chỉ đứng ở trên đỉnh ngắm xuống", Thái chia sẻ.

Có một đường nhỏ để xuống bờ biển, chia làm hai đoạn. Đoạn đầu từ đỉnh đến sống lưng, có bậc thang được người dân xây dựng, cao nhưng nhiều bậc nên dễ đi. Đoạn tiếp theo là đường khó đi, dốc và không được bảo vệ tốt như khu vực trên, toàn đất đá và núi, chỉ có vết mòn do con người leo nhiều tạo nên.

"Một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm. Đoạn thì có vài cọc gỗ, tre đóng kè bảo vệ, nhưng vẫn tạm bợ không thể chủ quan. Bản thân mình luôn quay phim ghi lại hành trình, thậm chí leo thác mình vẫn cầm được máy quay nhưng ở đây thì không thể cầm được vì hai tay phải cố gắng bám thật chắc", Thái nhớ lại quãng đường khó khăn.

Nhìn sóng cuộn thành vòm, trong veo, dài từ bờ này đến bờ kia, Thái cảm giác thật nhỏ bé. Thời điểm Thái leo xuống đến nơi là khoảng hơn 6h sáng, không một bóng người. Bờ cát chỉ có dấu chân của hai vợ chồng anh.

"Tiếng sóng ầm ầm, cảm giác không thể tả được, vừa thích vừa sợ", Thái kể lại. Xuống đến nơi, Thái mới biết đây là một bãi biển rất rộng, có nhiều mái vòm ăn sâu vào vách đá, cùng những hàng cây mọc từ đá tạo nên khung cảnh mà lần đầu anh thấy trong đời. Điều thú vị là tại đây có sạp bán nước nhỏ của người dân, vẫn đón nhiều du khách.

Những con sóng nhỏ sẽ không rút theo cát, có rất nhiều bọt nước, còn những con sóng rút trong, cát kêu "rẹt", "xoẹt" bị kéo ra là báo hiệu của con sóng lớn. Nhờ vào hiểu biết này, Thái né được những con sóng to. "Cảm giác thót tim lắm, khó mà diễn tả được, vừa sợ lại vừa thích", anh nhớ lại cảm giác.

Buổi chiều khi Thái quay lại đây, nhìn từ sống lưng khủng long, thấy du khách đi dạo và bơi khá nhiều. Tuy nhiên, Thái cho biết trải nghiệm chỉ phù hợp với người mạnh mẽ, không sợ độ cao và có xương khớp tốt.

Du khách cần đặc biệt chú ý nếu tới đây tham quan, xem các dự đoán và cảnh báo sóng lớn của thời tiết địa phương, trang bị nhiều kiến thức cần thiết. Tại đây vào ngày biển động, những con sóng có thể rất cao và mạnh, gây nguy hiểm cho du khách.

Xung quanh khu vực sống lưng khủng long là một chuỗi các nhà hàng với các món truyền thống của người dân bản địa. Món phổ biến ở đây là cá biển và cơm rang tôm, ăn kèm phồng tôm. Tại Nusa Penida, Thái đặc biệt thích thú với món cá biển rút xương, nướng với sốt me cay.

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net