"Tôi nghĩ mình không xứng đáng kiếm được từng ấy tiền. Tôi thấy mình không đủ giỏi để đạt được những gì mình đang có. Tôi biết rằng một ngày nào đó mình sẽ làm hỏng tất cả", đây là những ý niệm thường trực trong đầu Julia Carpenter, một phóng viên tài chính của Wall Street Journal khi cô mở tài khoản ngân hàng của mình.
Trên thực tế, cô không có bất cứ lý do gì để nghĩ về những điều tiêu cực như vậy. Carpenter không nợ nần, sở hữu một khoản tiết kiệm, có công việc ổn định, đủ khả năng chi trả cho cho những sở thích như du lịch, ăn uống. Dù vậy, ý tưởng "mình không xứng đáng với thành công hiện tại" vẫn kéo đến.
Julia là một nhiều người trẻ mắc "hội chứng kẻ mạo danh" (impostor syndrome), tức là thường xuyên cho rằng thành công đạt được chỉ do may mắn, thay vì trình độ hay tài năng thực thụ. Hội chứng được hai nhà tâm lý học Pauline Rose Clance và Suzanne Imes xác định lần đầu vào năm 1978.
Ban đầu họ đưa ra giả thuyết chỉ phụ nữ bị ảnh hưởng bởi hội chứng kẻ mạo danh. Tuy nhiên sau đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả nam giới và nữ giới đều có cảm giác này. Ngày nay, hội chứng kẻ mạo danh dùng để chỉ bất cứ ai "không thể chấp nhận thành công của bản thân", nhà tâm lý học Audrey Ervin cho biết.
Dù không phải một chẩn đoán chính thức được liệt kê trong Phân loại Tiêu chuẩn Các rối loạn Tâm thần (DSM), các nhà tâm lý học thừa nhận đây vẫn là dạng tự nghi ngờ về trí tuệ rất thực tế và cụ thể. Hội chứng kẻ mạo danh thường đi kèm với lo lắng và trầm cảm, nghĩa là bạn cảm thấy thiếu tự tin, luôn lo lắng về cách người khác đánh giá về bạn. Hội chứng kẻ mạo danh có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng sức khỏe tâm thần, tạo ra một vòng luẩn quẩn khó thoát.
Theo Tạp chí Nội khoa Tổng quát, có tới 82% người gặp hiện tượng này vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Hội chứng kẻ mạo danh ảnh hưởng đến người dân ở mọi tầng lớp, giới tính, từ phụ nữ, nam giới, sinh viên y khoa, giám đốc tiếp thị, diễn viên, giám đốc điều hành,...
Theo giáo sư Imes, hầu hết người gặp hội chứng kẻ mạo danh phải chịu đựng trong im lặng, bởi họ mang tâm lý "sợ bị phát hiện mình không xứng đáng với thành công".
Hội chứng đặc biệt phổ biến ở thế hệ millennials, những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996. Theo Maggie Germano, chuyên gia tài chính tại Washington, nguồn gốc cho những bất an của thế hệ millennials là vết sẹo từ cuộc suy thoái kinh tế năm 2008. Khi ấy, người sinh năm 1981 đến 1996 vẫn đang là học sinh hoặc vừa ra trường, bắt đầu đi làm. Họ có ít kinh nghiệm sống hoặc ít phương án thoái lui nếu thất bại trong sự nghiệp. Hơn một thập kỷ sau cùng những cuộc suy thoái nhỏ khác, họ cảm thấy thiếu tự tin khi tuyên bố mình là người "thành công" hoặc chấp nhận những thành tựu của bản thân.
Theo giáo sư Imes, nhiều người gặp hội chứng kẻ mạo danh lớn lên trong những gia đình đặt trọng tâm vào thành tích. Cha mẹ họ gửi những thông điệp gây bối rối, xen giữa khen ngợi và chỉ trích quá mức. Áp lực đồng trang lứa, áp lực xã hội khiến vấn đề này càng thêm trầm trọng.
Hiện tượng kẻ mạo danh cũng phổ biến ở những người đứng trước những ngã rẽ, nỗ lực mới. Mọi người thường cảm thấy thiếu tự tin khi đối mặt với thách thức. Khi ấy, họ trải qua nỗi sợ hãi thường trực, cho rằng mình không thể đạt được mục tiêu của bản thân. Ngay cả khi có những thành công bước đầu, họ vẫn không tin rằng mình xứng đáng. Thay vào đó, họ nghĩ thành công có được là do may mắn.
Hội chứng kẻ mạo danh cũng bắt nguồn từ chủ nghĩa hoàn hảo. Người gặp hiện tượng này tin rằng họ cần xử lý mọi vấn đề, làm tốt mọi nhiệm vụ được giao. Họ hiếm khi yêu cầu sự giúp đỡ. Chủ nghĩa hoàn hảo dẫn đến hai phản ứng điển hình. Họ có thể trì hoãn, bỏ dở công việc, nhiệm vụ vì sợ rằng sẽ không hoàn thành nó theo tiêu chuẩn cao nhất. Họ cũng có thể dành nhiều thời gian cho công việc đó hơn mức cần thiết.
Cuối cùng, hội chứng kẻ mạo danh trở thành một chu kỳ. Nhiều người có tâm lý sợ bị phát hiện rằng mình không xứng đáng với vị trí đang có, họ nỗ lực hoàn thành công việc một cách hoàn hảo nhất có thể. Khi đã đạt được thành công, họ bắt đầu tin rằng mọi cố gắng, lo lắng trong quá khứ đã được đền đáp. Cùng lúc, họ phát triển một niềm tin gần như mê tín dị đoan. Một cách vô thức, những người này nghĩ rằng thành công chỉ đến nếu họ làm việc chăm chỉ đến mức cực đoan, hành xác.
Thục Linh (Theo Time, APA)