Singapore đứng thứ bảy trong bảng xếp hạng mức độ tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, năm 2016.
Kinh nghiệm thành công trong phòng, chống tham nhũng của Singapore cho thấy không thể thiếu ý chí chính trị và sự lãnh đạo mạnh mẽ, cũng như một văn hóa “nói không” với tham nhũng của dân chúng và quan chức. Một thành tố quan trọng góp vào sự thành công là Cục Điều tra tham nhũng (CPIB) - tổ chức có quyền lực rất lớn trong cả khởi tố lẫn phòng ngừa tham nhũng và có sự độc lập cao độ trong các hoạt động của mình với mọi ảnh hưởng chính trị.
Cách thức hoạt động của CPIB cũng không có gì là bí hiểm hay đặc biệt. Họ đánh giá cao và dựa nhiều vào thông tin tố giác của dân chúng. Sức mạnh của cơ quan này chính là văn hóa “nói không” với tham nhũng của người dân Singapore. CPIB thành lập các trung tâm và kênh tiếp nhận thông tin tố giác thuận tiện cho dân chúng tiếp cận gần như mọi nơi, trên đường phố, qua internet, điện thoại. Phần lớn các cuộc điều tra tham nhũng của CPIB bắt nguồn từ tin tố giác của dân.
Chính quyền và CPIB cũng thường xuyên tiến hành các cuộc nói chuyện, tuyên truyền cho dân chúng qua các triển lãm, sự kiện, báo chí để lan rộng tinh thần chống tham nhũng ra khắp cộng đồng.
Nhìn sang Việt Nam, Chính phủ mới đưa ra lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Một trong những điểm then chốt được bổ sung là chuyện kê khai tài sản, thu nhập và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.
Dự thảo luật cũng đưa ra một số phương án lựa chọn liên quan đến một số điểm mới được bổ sung như: cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; công khai bản kê tài sản, thu nhập; và trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Luật chống tham nhũng nếu nói về kỹ thuật, thuộc những luật ít lỗ hổng nhất của Việt Nam. Đây là một tín hiệu tích cực. Các luật phòng chống tham nhũng trước đây và hiện tại, ví dụ như Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống, tham nhũng ban hành tháng 11/2012 cũng đã bổ sung khá đầy đủ các điều xoay quanh vấn đề kê khai tài sản, thu nhập, và công khai bản kê khai tài sản, không thiếu nhiều (những điều quan trọng) so với Dự thảo luật nói trên. Dự thảo cũng như luật hiện tại đều tương đối đầy đủ thậm chí chi tiết hơn nhiều luật của một số nước mà tôi có dịp đọc qua.
Nhưng tham nhũng vẫn cứ xảy ra. Đó là bởi khâu thực hiện.
Trong thủ tục kê khai tài sản hàng năm, cán bộ công quyền, Đảng viên sẽ liệt kê tài sản vào một tờ mẫu kê khai, và ký tên. Mẫu kê khai yêu cầu ghi rõ có mấy căn nhà, đất, tiền tiết kiệm, các tài sản có trị giá từ bao nhiêu tới bao nhiêu VND, ghi rõ giá tiền hoặc tương đương... Song, danh sách này hiện tại chưa được công khai đủ rộng để người dân tham gia vào quá trình giám sát. Thứ hai, nếu nó được kiểm tra bởi một đơn vị trung gian hay cơ quan điều tra (với một số trường hợp đặc biệt) thì cũng khó mà xác định được trị giá tài sản cán bộ. Ngôi nhà, mảnh đất, chiếc xe đó đứng tên anh em dâu rể, họ hàng, bạn, hay người em của ông anh bên nhà bác họ… Chưa kể, nếu vị cán bộ ấy nhận quà và tiền bằng tiền mặt, hiện vật, sau đó được gửi vào một tài khoản mà họ và tên không liên quan tới ông, bà ta, thì không hệ thống lưu trữ dữ liệu nào “bắt bẻ” được.
Người ta hay nói, tiền mặt là đồng tiền nhìn rõ mặt mà không thấy… chân dung là vì vậy.
Ở phương Tây, với hệ thống dữ liệu thuế, tài chính, ngân hàng, thông tin dữ liệu công dân từ khi ra đời được tích hợp vào một đầu mối và cơ quan quản lý dễ dàng tra cứu. Bị giám sát chặt về hành vi, thông tin, tài sản, thu nhập chính là điểm khiến nghề công chức nhà nước không mấy hấp dẫn tại nhiều quốc gia phát triển.
Tại Việt Nam, không ít trường hợp có "kê" mà chẳng có "khai". Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 23/10, Giám đốc Sở Tài nguyên Yên Bái ông Phạm Sỹ Quý đã “quên” kê khai nhiều bất động sản: hàng nghìn mét vuông đất, một ngôi nhà và khoản vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng.
Lọt qua kê khai có vẻ không khó. Và lý do không phải là do luật thiếu hay yếu. Việc sửa đổi, bổ sung luật sẽ không có mấy ý nghĩa, tác dụng thực tế nếu chỉ coi gốc rễ của vấn đề là trên giấy.
Song song với việc hoàn thiện pháp luật, điều quan trọng hơn là phải biến Việt Nam thành một quốc gia không khoan nhượng với tham nhũng như Singapore.
Tham nhũng có thể là một hiện thực của cuộc sống vì tham nhũng được sinh ra bởi lòng tham, một trong những thuộc tính của con người. Nhưng tại Singapore, với cách hoạt động của CPIB - có thể nói rằng trở lực lớn nhất của tham nhũng chính là ý thức người dân. Nếu xã hội có nhiều người coi việc quan chức giàu là một tất yếu, thản nhiên bước qua những ngôi nhà và chiếc xe lộng lẫy bày ra trước mắt, thì khó có luật pháp và cơ quan thanh tra nào bao phủ hết hiện thực cuộc sống. Ngược lại, nếu sự căm ghét tham nhũng đủ mạnh trong mỗi cá nhân, sự thỏa hiệp và tặc lưỡi “đời là thế” ít đi, thì sẽ không có sự gian dối hay ngôi nhà đứng tên vợ con nào qua mắt được người dân.
Nhưng nói đi phải nói lại, người dân Singapore không phải tự nhiên mà có được tinh thần bài trừ tham nhũng cao. Kết quả xử lý tham nhũng hữu hiệu của chính quyền, không có trường hợp ngoại trừ, không có “vùng cấm”, là một nguồn dinh dưỡng tiếp sức mạnh mẽ cho tinh thần này.
Phan Minh Ngọc