Làm trưởng nhóm phụ trách tuyển sinh cho một trung tâm ngoại ngữ có tiếng ở TP HCM, năm ngoái, chị Thương nhận thưởng Tết 10 tháng thu nhập, gần 100 triệu đồng. Ngày 20 tháng Chạp năm nay, chị gọi điện về cho bố mẹ dặn vay tạm 20 triệu đồng sắm Tết.
Hôm 26 tháng Chạp, email công ty báo về, mỗi nhân viên của nhóm chỉ được thưởng một phiếu (voucher) mua sắm ở siêu thị trị giá một triệu đồng. Lý do công ty đưa ra là lượng học viên tuyển sinh được ít, doanh thu âm.
"Đọc email xong, cả phòng ai cũng ủ rũ. Tôi cũng chẳng còn háo hức về quê nữa", Thương nói. Tối cùng ngày, chị vào siêu thị, mua một ít bánh kẹo, nước rửa bát, bột giặt,... mang về quê, ngay ngáy lo khoản nợ 20 triệu đồng.
Cũng như chị Thương, anh Lê Hồng Phúc, 42 tuổi, kỹ sư tại một công ty xây dựng ở Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội, "mất Tết" vì lương, thưởng không được như mong đợi.
Vợ Phúc nghỉ sinh nên không có thu nhập. Hàng tháng chỉ được trả lương hơn 4 triệu đồng, gia đình anh phải vay trước, trả sau. Cái Tết của 5 người trong nhà, trông chờ cả vào khoản tiền cuối năm. Vợ gọi điện bảo gửi tiền về quê lo sắm Tết, anh Phúc dặn "yên tâm, nhận lương, thưởng sẽ chuyển khoản về ngay".
Tối 26 tháng Chạp, Phúc nhận được mail thông báo chỉ được nhận 50% lương, thưởng, do "đối tác mới quyết toán một nửa hợp đồng". Tiền về tài khoản, anh Phúc phải trả 28 triệu tiền nợ. Thay vì mua đào, quất, anh dặn vợ mua hai chậu cúc đặt trước nhà. Khoản dôi ra, để dành mua bỉm, sữa cho con trai hai tuổi.
"Cả năm ngày nào cũng làm thêm giờ, không có ngày nghỉ mà lương thấp, lại trả sai hẹn. Tôi cảm giác như bị đánh lừa", Phúc buồn bực kể.
Cùng ngày, ở quận 12, TP. HCM, Nguyễn Thu Huế, 27 tuổi nhận được thông báo thưởng Tết là 500 nghìn đồng cho hơn một tháng làm việc. Oái oăm, đây cũng là lúc Huế nhận tin cửa hàng mất cắp. Tuy vụ trộm không xảy ra trong ca của chị, nhưng Huế vẫn phải góp 160 nghìn đồng để bù.
Cô gái trẻ này phát hiện suy thận giai đoạn hai cách đây gần một năm. Sức khỏe sụt giảm khiến cô phải nghỉ việc ở chỗ cũ và xin về làm nhân viên bán hàng, lương 4,5 triệu đồng, hồi cuối tháng 11/2019.
"Lúc đầu, cầm hơn 300 nghìn tiền thưởng cũng thấy ngậm ngùi. Nhưng bị bệnh rồi, tôi nhận ra, điều mình nên trông đợi là khỏe mạnh", cô cười.
Tiền lương tháng cuối năm, cô dự định sẽ biếu bố mẹ hai bên mỗi gia đình 500 nghìn đồng, còn lại để dành thuốc thang. Hơn 300 nghìn đồng thưởng Tết, Huế dành mua áo cho chồng, bù đắp năm đầu hôn nhân nhiều khó khăn, anh đồng hành cùng cô.
Khác với tâm trạng ủ rũ của Huế, Thương hay anh Phúc, năm nay lại là một năm được thưởng đậm của Đào Hồng Thịnh, 26 tuổi, ở Phú Lương, Hà Đông. Là kế toán của một doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối bánh kẹo, Thịnh nhận mức thưởng 3 tháng lương, hơn 60 triệu đồng, kèm phần thưởng của nhân viên xuất sắc nhất công ty là 20 triệu đồng.
Để có được thành quả đó, Thịnh hầu như không có ngày nghỉ. Ngoài thời gian làm việc hành chính ở công ty, cô làm thêm giờ, học tiếng Trung để giao tiếp với các khách hàng nước bạn, bên cạnh việc phát triển vốn tiếng Anh.
Làm việc 4 năm ở công ty này, Thịnh đã tự mua được một căn chung cư trị giá 1,2 tỷ ở Hà Nội. "Công ty tôi có chế độ chăm sóc nhân viên rất tốt, công bằng, nên ai cũng yên tâm làm việc", cô phấn khởi nói. Với khoản thưởng hậu hĩnh, Thịnh sẽ trả nợ mua nhà, biếu bố mẹ tiêu Tết, mua sắm và trích một khoản đi du lịch để tự thưởng cho bản thân.
Chung niềm vui với Thịnh là gia đình chị Hoàng Thu Thuê, 31 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội. Năm nay, dù nghỉ sinh 6 tháng, nhưng chị vẫn nhận mức thưởng ba tháng thu nhập, khoảng 60 triệu đồng. Chồng chị làm cùng cơ quan, nên có tiền thưởng gấp đôi. Mức lương hàng tháng tốt, nên khoản tiền này, họ quyết định gửi tiết kiệm.
"Nghỉ sinh, tôi xác định tiền thưởng chẳng đáng bao nhiêu, nhưng không ngờ được cao vậy. Năm nay, vợ chồng tôi còn có thêm 'cục vàng' là cậu con trai", chị vui vẻ nói.
Bốn năm nay, anh Nguyễn Minh Đợi, 38 tuổi, ở Vị Thanh, Hậu Giang không còn phải thấp thỏm đợi lương Tết ngày cuối năm. Từng là viên chức trong một cơ quan nhà nước nhưng thu nhập thấp, thời gian làm việc bó buộc, anh quyết định bung ra làm kinh doanh.
Cửa hàng vật liệu xây dựng của Đợi đã giúp cuộc sống gia đình anh thay đổi. Mỗi tháng, lợi nhuận từ cửa hàng ngót nghét 100 triệu đồng. Vì vậy, vợ chồng anh không còn cảnh ngồi chia lương sắm Tết, biếu nội, biếu ngoại. Tất cả các khoản, anh đều lo đầy đủ. Tiền lương, thưởng của vợ, chỉ dùng lo tiền sắm quần áo, mua mỹ phẩm diện ba ngày đầu năm.
"Chỉ có thoát cảnh làm thuê, đi làm chủ, mình mới chủ động trong mọi việc được. Tất nhiên, để có được thành quả tốt đẹp như hiện tại, tôi cũng giống rất nhiều người, đều phải trả giá", anh nói.
Phạm Nga