Ngày 6/3, khi Hà Nội phát hiện một bệnh nhân dương tính với nCoV và nguy cơ bùng phát dịch ở thủ đô xuất hiện, công ty nước ngoài ở quận Đống Đa của Nguyễn Phương Anh cho phép các nhân viên làm việc qua Internet tại nhà.
Ban đầu, Phương Anh - nữ quản lý tỏ ra rất hào hứng khi hình dung về một ngày làm việc thảnh thơi, không phải ngày hai lượt chen chúc trên đường phố hay sự ồn ào của công sở.
Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", nỗi khổ đầu tiên mà nữ quản lý này phải trải qua là cảm giác mất kết nối với đồng nghiệp. Đến công ty, những lúc không họp và trả lời email, chị sẽ trực tiếp hướng dẫn các nhóm nhân viên hoặc ra ngoài gặp khách hàng. Ở nhà, chị chỉ có một mình trong căn phòng 25m2, quanh ra, quanh vào chẳng biết làm gì hay nói chuyện với ai. Sáu ngày qua, chị như đang sống ở thế giới khác khi chỉ ra đường hai lần để đi chợ và lấy hoa quả.
Tưởng ở nhà được yên tĩnh để làm việc nhưng Phương Anh đã nhận ra là mình lầm. Buổi họp lúc 10h sáng 10/3 với các đối tác và đồng nghiệp nước ngoài của chị liên tục gián đoạn bởi tiếng quát con của bà hàng xóm. Đã có lúc, Phương Anh phải đành xin lỗi các thành viên trong cuộc họp và chờ người phụ nữ ấy hạ giọng xuống chị mới có thể tiếp tục trình bày. "Tôi đang làm việc tại gia và không có cách nào để can thiệp với bà ấy", chị nở nụ cười méo mó, giải thích với đồng nghiệp.
Sự đứt quãng công việc của Phương Anh không chỉ có nguyên nhân từ bà hàng xóm. Không ít lần chị "phát điên" vì mạng Internet chập chờn, "thao thao bất tuyệt xong" vẫn không thấy đồng nghiệp nói gì, nhìn ra mới biết bị đứt mạng từ khi nào. "Cuộc họp có hai tiếng mà mất mạng tới hai lần", chị kể và bổ sung, "Hôm trước, tôi có cuộc họp đột xuất lúc 17h30. Đang nói dở thì chồng về, than đói nên tôi vội vàng kết thúc để đi nấu cơm".
Làm việc từ xa tại nhà chị cũng không thể tập trung mà toàn vừa làm, vừa ăn, vừa xem phim, thậm chí bị hút vào những cuộc shopping online.
Cố gắng hết một tuần, Phương Anh quyết định từ 12/3 quay trở lại công ty làm việc, chấp nhận làm bạn với khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn do không thể chịu nổi cảm giác như bị cầm tù.
"Làm ở nhà cực hơn đến cơ quan" là trải nghiệm của chị Trần Thu Thủy, 36 tuổi (quận Tây Hồ). Từ ngày 9/3, để phòng dịch Covid-19, công ty của chị cho nhân viên tự lựa chọn tới cơ quan hoặc làm từ xa. Chị chọn phương án thứ hai.
Chồng vẫn đi làm nên chị Thủy ở nhà với mẹ chồng cùng hai con nhỏ. Dù có mẹ chồng hỗ trợ nấu nướng, người phụ nữ này vẫn quay cuồng khi phải vừa trông con vừa đảm bảo công việc. Con gái đầu 6 tuổi cần hoàn thành bài tập toán được giao trong thời gian được nghỉ học nên thường xuyên quay ra hỏi mẹ, làm chị Thủy "cứ vừa tập trung viết báo cáo lại phân tán tư tưởng". Đứa út hai tuổi bám mẹ, lại chưa thể tự chơi nên chị hay phải ra dỗ dành và cho ăn.
Nếu ở cơ quan làm việc 8 tiếng thì ở nhà, chị Thủy chỉ làm được 3 tiếng, tranh thủ lúc các con ngủ trưa hoặc chờ đến sau 23h. "Thường buổi đêm chỉ bật máy tính để đó vì đã quá mệt", chị thừa nhận. "Tuần sau, chồng tôi cũng được làm từ xa. Đến lúc ấy hy vọng sẽ đỡ vất vả hơn".
Trái ngược với hai trường hợp trên, Nguyễn Thu Hồng 28 tuổi (Hoàn Kiếm) sung sướng vì được làm việc từ xa.
Là quản lý một công ty digital marketing, chủ yếu xử lý công việc qua email nên chị Hồng "ngồi ở đâu cũng làm được", ở nhà thậm chí còn tập trung hơn ở cơ quan.
"Công ty rất ồn ào, đôi khi tôi phải vào phòng riêng cho yên tĩnh nên làm từ xa thoải mái hơn", chị Hồng chia sẻ. Bên cạnh đó, tại nhà, góc làm việc của chị hướng ra mảnh sân có cây lộc vừng, "thoáng đãng và thư giãn chứ không bí như văn phòng".
Không tới cơ quan, mỗi ngày, chị Hồng tiết kiệm được hai tiếng di chuyển. Thay vì dắt xe ra khỏi nhà lúc 7h sáng, chị có thể ngủ thêm 30 phút, túc tắc ăn sáng mà vẫn vào làm đúng giờ như ở cơ quan. Chị tránh được khói bụi, cũng chẳng lo lắng về chuyện chọn quần áo đi làm, công đoạn vốn tốn ít nhất 20 phút.
Trong buổi họp trực tuyến sáng 11/3, chị Hồng cùng đồng nghiệp và khách hàng đều mặc đồ ngủ vì tất cả ở nhà. Họp xong, nữ quản lý xuống tầng, ăn bữa cơm nóng mẹ đã chuẩn bị sẵn.
"Giá mà cứ được làm ở nhà", Hồng nói.
Minh Trang