Chiều 30/5, Quốc hội chia tổ thảo luận về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) băn khoăn về quy định cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tài sản, thu nhập vì việc này khó kiểm chứng. "Có người làm quản lý giỏi, làm kinh tế giỏi, có khối tài sản không phải ít, bắt họ kê khai tất cả tài sản thì nhiều khi đánh giá chưa chắc đã đúng mà rất dễ bị hiểu nhầm là do tham nhũng", ông Thịnh nói.
Phó ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (thành viên Ban soạn thảo) cho biết việc kê khai đòi hỏi trung thực, đúng quy định. "Thực tế có nhiều người kê khai đầy đủ, không vấn đề gì. Có những người khai hàng chục bất động sản, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng bởi họ là giáo sư, tiến sĩ, ngồi trong nhiều hội đồng, làm nhiều đề tài nghiên cứu nên thu nhập cao", ông Tuấn Anh nói.
Ngược lại, nếu cán bộ không kê khai chính xác, không trung thực, sau này sẽ bị thẩm định, kiểm tra, giám sát và bốc thăm xác minh tài sản. Đó là những thiết chế để không thể, không phải gian dối trong quá trình kê khai. "Cán bộ đều kê khai tài sản sau mỗi lần đến kỳ bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bầu cử nên việc này đã đi vào nề nếp", ông nói.
Ở góc độ cơ quan soạn thảo, ông Tuấn Anh thừa nhận không ai có điều kiện hiểu hết thông tin của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Do đó dự thảo sẽ kèm phụ lục hướng dẫn người được lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị các báo cáo để đại biểu tham khảo khi đưa ra chính kiến.
Dự thảo nghị quyết sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND hoặc phê chuẩn. Việc sửa đổi nhằm thể chế hóa một số nội dung mới trong Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị được Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 2.
Quốc hội khóa 15 sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thứ 6, khai mạc tháng 10/2023. Chức danh do Quốc hội bầu gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước. Các chức danh Quốc hội phê chuẩn, gồm phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Quốc hội từng lấy phiếu tín nhiệm ba lần vào tháng 6/2013, tháng 11/2014 và tháng 10/2018, bằng cách bỏ phiếu kín với ba mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Trong cả ba lần, không có ai bị trên 50% tín nhiệm thấp.
Viết Tuân - Sơn Hà