Tàu thăm dò mang tên ASO-S, với tổng khối lượng khoảng 1.000 kg, dự kiến được phóng lên vào nửa đầu năm 2022. Vệ tinh sẽ hoạt động cách bề mặt Trái Đất 720 km trên quỹ đạo đồng bộ với Mặt Trời để theo dõi ngôi sao 24 giờ mỗi ngày.
Mục tiêu khoa học trọng tâm của ASO-S là quan sát từ trường của Mặt Trời và hai hiện tượng phun trào chính trên bề mặt ngôi sao, bao gồm ngọn lửa Mặt Trời (solar flare) và các vụ giải phóng lượng vật chất cực quang (CME).
Khi đi vào quỹ đạo, tàu thăm dò sẽ triển khai ba trọng tải là Máy ghi từ FMG, Máy chụp ảnh tia X cứng và Kính viễn vọng Mặt Trời Lyman-alpha.
Cho đến nay, Mặt Trời là ngôi sao cố định duy nhất có thể được nghiên cứu chi tiết. Do phần lớn bức xạ của nó bị chặn lại bởi bầu khí quyển Trái Đất, các nhà thiên văn học nếu muốn nắm được bức tranh hoàn chỉnh về Mặt Trời buộc phải đưa các tàu thăm dò vào không gian.
Mặt Trời đã bước vào Chu kỳ thứ 25 và ước tính, nó sẽ đạt bức xạ cực đại vào năm 2025. Tàu thăm dò Mặt Trời có thể giúp thu thập các bản ghi chi tiết về hoạt động của ngôi sao trong khoảng thời gian đó, nhà nghiên cứu Gan Weiqun từ Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho biết.
ASO-S cũng sẽ hữu ích trong việc dự báo thời tiết không gian. Các CME có thể được vệ tinh phát hiện ít nhất 40 giờ trước khi chúng đến, giúp các nhà thiên văn học đưa ra cảnh báo sớm về thiệt hại đối với môi trường điện từ của Trái Đất.
Kể từ những năm 1960, hơn 70 vệ tinh liên quan đến quan sát Mặt Trời đã được phóng trên toàn cầu. ASO-S được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực này.
Đoàn Dương (Theo CNS)