Cuối hè, khi hầu hết phụ huynh và giáo viên rộn ràng mua sắm cho mùa tựu trường, một số người bị cuốn vào Tuần lễ Thời trang New York, cô giáo Julia Mooney ở Moorestown (New Jersey, Mỹ) quyết định đi theo hướng khác. Cô dự định mặc chỉ một chiếc váy trong 100 ngày liền, theo Yahoo Lifestyle ngày 15/9.
"Khi ngồi nói chuyện với chồng, tôi đùa rằng mình sẽ mặc một chiếc váy đến trường hàng ngày. Nhưng rồi tôi bắt đầu nghĩ về việc đó nghiêm túc hơn, vì đó có vẻ là một ý tưởng tốt", cô giáo mỹ thuật của trường trung học cơ sở William Allen kể lại.
Mooney làm điều này không chỉ để đỡ đau đầu khi phải chọn quần áo mỗi sáng. Cô, chồng và ba đứa con luôn cố gắng giảm tác động vào môi trường bằng cách may quần áo, trồng một vườn rau và nuôi gà ở sân sau. Do đó, cô xem đây là cơ hội tốt để mang đến một bài học ý nghĩa cho học sinh.
Mooney mong giúp các em nhận thức rõ hơn về áp lực xã hội, thứ khiến mỗi người luôn muốn khoác lên mình những bộ đồ mới mẻ hàng ngày. Bản thân cô cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của áp lực này.
"Tôi thích mặc quần áo đẹp và thể hiện bản thân. Tôi biết rằng tất cả chúng ta đều nhìn vào thứ người khác đang mặc. Khi mặc cùng một thứ hàng ngày, chúng ta không thoải mái vì luôn có người mong đợi sự thay đổi", cô chia sẻ.
Cô muốn thảo luận với học sinh về tác động môi trường của ngành công nghiệp "thời trang ăn liền", chỉ dòng sản phẩm giá tầm trung ăn theo xu hướng. Ước tính, lượng tiêu thụ quần áo toàn cầu đã tăng 60% kể từ năm 2000, chủ yếu do mọi người muốn mua đồ mới nhiều hơn, dù dùng đồ cũ chưa lâu. Số tiền bỏ ra để mua quần áo có thể rẻ hơn so với trước đây, nhưng chúng ta đang phải trả giá theo nhiều cách khác.
Hufffington Post thông tin, cần đến 713 gallon nước (gần 2.700 lít) để làm một chiếc áo phông cotton truyền thống. Một chiếc áo chất liệu polyester cần ít nước hơn, nhưng quá trình sản xuất thải ra gấp đôi lượng khí carbon dioxide. Lượng khí này do ngành công nghiệp dệt thải ra mỗi năm nhiều hơn cả từ các chuyến bay quốc tế và vận chuyển hàng không.
Nhu cầu về quần áo giá rẻ cũng tạo động lực cho các công ty sản xuất chúng ở các nước có nguồn lao động giá rẻ hơn và điều kiện làm việc kém. Đó là một phần lý do Mooney chọn một chiếc váy của Thought Clothing (hãng của Anh), được chứng nhận theo tiêu chuẩn thương mại công bằng, để mặc suốt 100 ngày.
Chiếc váy có màu xám bởi Mooney muốn dễ dàng kết hợp với quần, bốt, khăn hoặc áo khoác cardigan vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp. Nó được may bằng vải sợi gai dầu nên rất bền.
Thách thức nhỏ duy nhất đối với cô là giữ cho bộ trang phục sạch sẽ. Cô giặt tay thay vì giặt máy, khoác thêm một chiếc tạp dề khi vào dạy lớp mỹ thuật. Tuy nhiên, cô gặp một số rắc rối với hai con nhỏ ở nhà, chúng đã vẩy nước trái cây vào váy mẹ hai lần. Những lúc như vậy, Mooney cố gắng xử lý thật nhanh. Dù có một chiếc váy dự phòng, cô chưa từng phải dùng đến nó. Thử nghiệm của Mooney diễn ra tốt đẹp trong tuần đầu tiên. Học sinh tỏ ra hứng thú với trang phục của cô giáo, nhìn theo Mooney khi cô đi dọc hành lang.
Dự án nhỏ của Mooney đã truyền cảm hứng cho chồng cô và ba giáo viên ở trường trung học gần đó. Họ bắt đầu noi gương cô.
Sau khi 100 ngày kết thúc, Mooney không nghĩ rằng cô sẽ lập tức quay trở lại thói quen cũ. Cô muốn cắt giảm số lượng quần áo hiện tại, thử mua quần áo đã qua sử dụng, làm điều gì đó sáng tạo hơn.
"Tôi cố gắng đánh giá bản thân theo một cách khác, trái ngược với việc quan tâm quá nhiều đến ngoại hình", cô giáo Mỹ chia sẻ.