Ông Đăng Văn Nghị, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, ngày 2/7 phát biểu tại "Hội thảo chuyên đề công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2020", 6 tháng đầu năm 2020, ước khoảng 4,4 triệu người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Ước tính tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai cả năm 2020 là hơn 5 triệu (tỷ lệ 68%), không đạt kế hoạch năm 2020 (70,1%).
Trước đó, Tổng Cục đã lập kế hoạch cung cấp cho 63 tỉnh thành phố 117 nghìn vòng tránh thai, 1,6 triệu vỉ thuốc tránh thai các loại, 225 nghìn bộ tiêm thuốc tránh thai, thực hiện điều chuyển vòng tránh thai, vỉ tránh thai và bao cao su từ những nơi chưa có nhu cầu sử dụng sang những nơi có nhu cầu cao. Song, kế hoạch chưa thực sự hiệu quả như mong đợi.
Ông Nghị nhận định, do ảnh hưởng của Covid-19 nên các hoạt động về triển khai công tác dân số tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Hệ thống cung ứng dịch vụ ở một số nơi, một số thời điểm bị gián đoạn do nhiều nơi bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội... tác động đến số người mới sử dụng biện pháp tránh thai. Đặc biệt, công tác truyền thông có sự suy giảm về cường độ và hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông ở địa phương bị xáo trộn do thay đổi cơ cấu tổ chức.
Cùng với đó, Covid-19 khiến kinh phí hỗ trợ từ Trung ương cũng giảm mạnh, không đủ nguồn lực đảm bảo thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình.
Bên cạnh tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai giảm, tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh cũng không đạt chỉ tiêu đề ra.
Số trẻ em mới sinh được sàng lọc 6 tháng đầu năm là hơn 200.000 ca, đạt 32%. Nếu tính cả năm 2020, tỷ lệ ước tính 50%, thua xa kế hoạch đề ra là 80%. Nguyên nhân cũng do dịch Covid-19, kinh phí hạn chế nên chưa có điều kiện mở rộng mặt bệnh sàng lọc, dẫn đến số lượng bệnh, tật được sàng lọc thấp hơn, trong đó có bệnh có tỷ lệ mắc cao ở cộng đồng như tan máu bẩm sinh, khiếm thính, bệnh tim bẩm sinh...
Theo Tổng Cục Dân số, các chỉ tiêu khác đều đạt mục tiêu đề ra 6 tháng đầu năm, bao gồm: giảm tỷ suất sinh, giảm số vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn, tăng tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, tăng tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Các chuyên gia cho biết, về cơ bản Việt Nam đang kiểm soát tốt Covid-19, song vẫn luôn phải cảnh giác với "làn sóng thứ hai". Mục tiêu 6 tháng cuối năm 2020 là huy động và cân đối các nguồn ngân sách để đảm bảo chi phí dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đồng thời thu phí dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nhằm huy động đóng góp của đối tượng có nhu cầu, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Cùng với đó, mở rộng chương trình tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh, tổ chức hiệu quả các chương trình truyền thông dân số.
Thúy Quỳnh