Chính phủ Mỹ từng cân nhắc đề xuất sử dụng 520 quả bom nguyên tử để tạo ra công trình thay thế kênh đài Suez chạy xuyên qua Israel vào thập niên 1960. Kế hoạch này không bao giờ thành hiện thực, nhưng việc có công trình đường thủy thay thế kênh đào Suez có thể hữu ích khi một tàu chở hàng bị mắc kẹt tại đây vào tháng 3/2021, làm tắc nghẽn tuyến đường thủy thuộc hàng quan trọng nhất thế giới, theo Business Insider.
Theo biên bản ghi nhớ năm 1963 của Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, được tiết lộ năm 1996, kế hoạch của các nhà nghiên cứu là sử dụng chất nổ hạt nhân để tạo ra kênh đào Biển Chết chạy qua sa mạc Negev. Kênh đào mới sẽ dài 257 km, chạy qua Israel và nằm ở mực nước biển. Trong khi các phương pháp đào xới truyền thống vô cùng tốn kém, bom hạt nhân có thể áp dụng cho trường hợp này. Một kênh đào như vậy có thể đóng góp lớn vào phát triển kinh tế.
Các nhà khoa học của phòng thí nghiệm ước tính cần 4 thiết bị nổ cỡ 2 megaton cho mỗi đoạn đường dài 1,6 km. Sử gia Alex Wellerstein tính toán con số đó tương đương với 520 quả bom hạt nhân hoặc 1,04 giga tấn thuốc nổ (một giga tấn bằng một tỷ tấn thuốc nổ). Lộ trình khả thi mà họ đề xuất cắt ngang sa mạc Negev ở Israel, nối Địa Trung Hải với vịnh Aqaba, mở đường tới Biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Phòng thí nghiệm nhấn mạnh có 209 km đất bỏ hoang không người ở trên sa mạc, do đó có thể áp dụng phương pháp đào xới bằng vũ khí hạt nhân.
Nghiên cứu sơ bộ cho thấy sử dụng bom để tạo kênh đào qua Israel dường như "khả thi về mặt kỹ thuật". Nhưng biên bản cũng chỉ ra một vấn đề mà nhóm nghiên cứu chưa cân nhắc, đó là "tính khả thi về mặt chính trị" bởi các nước Arab xung quanh Israel sẽ phản đối gay gắt việc xây dựng kênh đào.
Biên bản ghi nhớ được phát hiện khi Ủy ban Năng lượng hạt nhân Mỹ điều tra việc sử dụng chất nổ hạt nhân hòa bình (PNE) để đào cơ sở hạ tầng hữu ích. Dự án dừng lại ở bước thử nghiệm sau khi Mỹ nhận thấy 27 thí nghiệm với PNE tỏa bức xạ vào môi trường. Trong khi đó, phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore vẫn tồn tại đến ngày nay và là cơ sở hàng đầu về nghiên cứu hạt nhân.
An Khang (Theo Business Insider)