"Tiến trình di dời nhà trên và ven kênh rạch của thành phố như vậy là quá chậm", TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM nói tại hội thảo khoa học về về chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch ở địa bàn thành phố, chiều 13/11.
Theo kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị ở TP HCM giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, tổng nhu cầu vốn hơn 19.000 tỷ đồng. Mục tiêu này vừa để giải quyết thoát nước, cải thiện môi trường vừa chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, đến nay thành phố mới bồi thường và dời được gần 700 căn, đạt hơn 10%.
Ông Nguyên đánh giá không chỉ nhiệm kỳ này mà giai đoạn 2016-2020 TP HCM cũng đã đề ra chương trình dời 20.000 căn, sau đó điều chỉnh chỉ tiêu còn khoảng 10.000 căn. Dù vậy, kết quả chỉ thực hiện được gần 2.500 căn. "Vấn đề tài chính là trở ngại lớn nhất đối với kế hoạch di dời nhà trên, ven kênh rạch ở TP HCM", ông Nguyên nói.
Theo chuyên gia này, ngân sách thành phố hạn hẹp, trong khi thu hút vốn từ khối tư nhân rất khó khăn vì lợi nhuận không hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quá trình di dời vướng mắc lớn ở khâu thủ tục vì hầu hết nhà trên kênh rạch không có giấy phép, giấy tờ để xác định diện tích làm cơ sở đền bù, tái định cư. Chưa kể thói quen và nhu cầu mưu sinh của người dân ở kênh rạch có từ nhiều năm nên rất khó vận động họ rời đi nếu nơi ở mới không bằng chỗ cũ.
Để đẩy nhanh tiến độ di dời nhà trên, ven kênh rạch, ông Nguyên đề nghị chia nhỏ các dự án để dễ hoàn thành, thay vì đặt ra chỉ tiêu quá lớn. Theo đó, thành phố có thể làm dần từng dòng kênh, hoặc từng đoạn. Ngoài ra, thành phố cũng có thể nghiên cứu phương án cho phép doanh nghiệp được sử dụng một phần mặt bằng giải tỏa ven các kênh rạch thay vì phải chi trả tất cả bằng tiền.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Vương Quốc Trung (Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển TP HCM), cũng cho rằng nguồn vốn bố trí tái định cư cho người dân là một trong những khó khăn lớn nhất khi di dời nhà trên, ven kênh rạch. Dù thành phố rất nỗ lực giải tỏa, song kết quả vẫn hạn chế vì khó khăn nguồn lực.
"Để di dời hàng nghìn hộ gia đình cùng với xây dựng các khu tái định cư đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ, ngân sách không thể đáp ứng", ông Trung nói và dẫn chứng muốn giải tỏa 2.600 căn nhà tạm ven bờ Nam Kênh Đôi và xây kè, nguồn vốn cần khoảng 9.000 tỷ đồng. Bên bờ Bắc kênh Đôi cũng cần gần 2.600 tỷ để dời khoảng 1.017 căn nhà lụp xụp.
Do vậy, theo ông Trung để có tiền di dời nhà ven kênh rạch, thành phố nên đa dạng các nguồn từ Trung ương, nhà đầu tư, vốn vay của các tổ chức tài chính... TP HCM cũng cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia dự án di dời nhà ven, trên kênh thông qua hình thức đối tác công - tư. Trong đó, nhà đầu tư có thể góp vốn vào dự án và thu lợi nhuận thông qua phát triển khu tái định cư mới sau khi di dời...
Trong khi đó, TS Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM), cho biết việc di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị ở thành phố từ năm 1993 đến 2020 trải qua 5 giai đoạn với hơn 38.000 căn được di dời. Từ năm 1993 đến 2005 là giai đoạn thành công nhất khi kết quả đạt được đều vượt chỉ tiêu. Thời gian sau, việc di dời bị chậm sau khi thành phố dần chuyển từ ngân sách sang huy động vốn bên ngoài. Các dự án khó thu hút đầu tư vì kinh phí lớn trong khi khả năng thu hồi gặp khó khăn.
Theo ông Tân, hiện các cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98 mở ra nhiều cơ hội để TP HCM huy động các nguồn vốn đầu tư. Do vậy, thành phố nên tận dụng thời gian, cơ hội, vận dụng linh hoạt các cơ chế về tài chính, ngân sách, nguồn thu nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai di dời, giải tỏa nhà ven, trên kênh rạch.
Tại hội thảo, ông Phạm Bình An, Phó Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết việc chỉnh trang và phát triển đô thị là một trong chương đột phá của thành phố. Viện sẽ tổng hợp ý kiến của các chuyên gia và tham mưu chính quyền thành phố nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình di dời nhằm tạo lập, chỉnh trang không gian đô thị tốt hơn.
Gia Minh