Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) - doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, vừa đề xuất ý tưởng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại khu vực Hàng Xanh, quận Bình Thạnh. Phạm vi nghiên cứu hơn 51 ha, từ ngã tư Hàng Xanh về Bình Triệu. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 216.000 tỷ đồng (tương đương hơn 8,5 tỷ USD).
CII đặt mục tiêu giải quyết ùn tắc, tăng kết nối các khu vực trọng điểm như Hàng Xanh, ngã 5 Đài Liệt Sỹ, cầu Bình Triệu. Doanh nghiệp cũng sẽ nghiên cứu ứng dụng giao thông thông minh nhằm tối ưu hóa việc di chuyển và giảm tác động môi trường.
Dự án cũng hướng đến phát triển không gian ngầm, khai thác tối đa tiềm năng vận chuyển công cộng, xây dựng các công trình điểm nhấn, cao ốc, mảng xanh, hạ tầng xã hội như các khu vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, thương mại và dịch vụ...
![Khu vực Hàng Xanh được đề xuất làm TOD. Ảnh: Gia Minh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/12/z6311154221723-117cf414ed899a5-6724-6877-1739379268.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=x1EWZV4_0NzX2-q_p8cSLw)
Khu vực Hàng Xanh được đề xuất làm TOD. Ảnh: Gia Minh
TOD là mô hình lấy định hướng phát triển giao thông công cộng để quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Những nơi làm TOD được tăng hệ số sử dụng đất, mật độ dân số cao, từ đó thu hút nhu cầu đi và đến các đầu mối giao thông lớn. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đã triển khai mô hình này, nhưng trong nước chưa áp dụng.
TS. KTS Hoàng Ngọc Lan, Viện Đô thị Thông minh và Quản lý (ISCM - Đại học Kinh tế TP HCM), cho rằng khu vực Hàng Xanh có vị trí quan trọng vì là cửa ngõ chính kết nối trung tâm thành phố về phía đông bắc. Đây cũng là nơi sẽ xây dựng các nhà ga của Metro số 5 và 3B, nên rất thuận tiện kết nối giao thông với khu vực khác.
Theo bà Lan, không gian đô thị tại Hàng Xanh hiện rất lộn xộn. Nếu phát triển khu đô thị mới và hiện đại theo mô hình TOD tại đây sẽ mang lại giá trị rất lớn, không chỉ giao thông, hạ tầng xã hội, còn tạo điểm nhấn cảnh quan cho cả khu vực. Tuy nhiên, thách thức là chi phí đền bù sẽ rất cao bởi đây là khu dân cư đông đúc, đã hình thành từ lâu. Ngoài ra, nguồn vốn của dự án cũng là vấn đề cần nghiên cứu kĩ.
Do đó, ngoài năng lực tài chính của nhà đầu tư, TP HCM cần tìm nhiều nguồn khác thông qua các cơ chế đặc biệt, gồm cả huy động nguồn lực từ cá nhân, tổ chức hưởng lợi khi dự án hoàn thành. Bù lại, thành phố cũng cần những chính sách riêng khi đền bù, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng để tạo sự đồng thuận. "Đây là phần việc khó khăn nhất và thường kéo dài khi làm các công trình hạ tầng", bà Lan nói.
![Phối cảnh sơ bộ một phần dự án TOD Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP HCM). Ảnh: CII](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/z6304350949460-03ff00e7ba1adb6-7456-7506-1739420895.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zRvqdfiXoUvq9NHR2S-rNg)
Phối cảnh sơ bộ một phần dự án TOD Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP HCM). Ảnh: CII
Một thách thức khác, theo bà Lan là Hàng Xanh kết nối các trục đường lớn như Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, ngã 5 Đài Liệt sỹ... Những tuyến này vốn đã quá tải nghiêm trọng, ùn tắc triền miên nên khi thực hiện dự án cần tính toán kỹ tình hình giao thông. Bởi dự án với quy mô lớn, thời gian thực hiện có thể kéo dài dẫn đến giao thông ở toàn bộ cửa ngõ này sẽ bị xáo trộn hoàn toàn.
"Nếu triển khai TOD tại đây, các vấn đề kỹ thuật, nhất là quy hoạch không gian ngầm và trên mặt đất cần hài hòa để tăng hiệu quả sử dụng đất nhưng vẫn đảm bảo không gian thông thoáng", bà Lan nói thêm.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn, giảng viên cấp cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải trường Đại học Việt Đức (VGTRC), cho biết theo quy hoạch khu vực này có hai tuyến metro đi qua. Ngoài ra, còn một tuyến đường sắt nhẹ (LRT) đi dọc sông Sài Gòn cắt qua bến xe miền Đông. Như vậy, khu vực đề xuất dự án có ba nhà ga giao nhau của ba tuyến nên đã đáp ứng một điều kiện cần để phát triển TOD.
![Ga Tân cảng thuộc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên nằm trong khu vực Hàng Xanh. Ảnh: Gia Minh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/z6313157235209-5c9dcb014c4a4c0-8560-8404-1739421223.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ULmM9m1J4Jzd7eP0A-pUiQ)
Ga Tân cảng thuộc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên nằm trong khu vực Hàng Xanh. Ảnh: Gia Minh
Theo ông Tuấn, điều kiện đủ để phát triển TOD, gồm: định hướng vào đi bộ và giao thông công cộng; sử dụng đất hỗn hợp và mật độ cao; thiết kế kiến trúc và cảnh quan đô thị thân thiện người đi bộ; tái tổ chức và kiểm soát phát triển đất đai, tích hợp hạ tầng kỹ thuật - xã hội; thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ quanh các ga.
"Nếu TP HCM chưa đầu tư các tuyến đường sắt đô thị mà tập trung xây dựng dự án này trước thì sẽ không đầy đủ và chưa đúng", ông Tuấn nói, cho rằng để dự án thành công, chính quyền phải sớm triển khai đầu tư cho ít nhất một trong ba tuyến metro theo quy hoạch.
Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng thách thức ở khu vực Hàng Xanh là cách các ga metro khá xa. Nếu di chuyển một đường thẳng từ Hàng Xanh đến ga Văn Thánh là 700 m, đến ga Tân Cảng là 1.300 m. Trong khi đó, kinh nghiệm làm TOD hiệu quả là các ga metro nằm trong khoảng 400 m đổ lại.
![Khu vực Hàng Xanh dẫn ra cửa ngõ phía đông TP HCM, tập trung nhiều xe và khu dân cư. Đồ họa: Khánh Hoàng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/462548895-1219248872698247-648-6901-1820-1739420895.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-6vVdCBz-c7RaxdTDwPeQQ)
Khu vực Hàng Xanh dẫn ra cửa ngõ phía đông TP HCM, tập trung nhiều xe và khu dân cư. Đồ họa: Khánh Hoàng
"Đã gọi là TOD thì bắt buộc phải kết nối với giao thông công cộng với sức chở lớn, nhanh. Đây là bài toán mà chủ đầu tư cần giải quyết", ông Sơn nói.
Theo chuyên gia, ở dự án này ngoài TOD còn một nhiệm vụ khác, mang tính cốt lõi là giải quyết ùn tắc ở ngã tư Hàng Xanh. Muốn giải quyết kẹt xe khu vực này cần nhìn rộng ra quốc lộ 13 hướng về Bình Dương, giao lộ với xa lộ Hà Nội, Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng... để tăng kết nối vùng và phát triển bán đảo Thanh Đa. Do đó, thành phố cần xem xét hai dự án thành phần rõ rệt để đảm bảo hiệu quả.
Về phía đơn vị đề xuất, đại diện CII cho biết ý tưởng trên mới là ban đầu. Doanh nghiệp đang làm việc với tư vấn nước ngoài và học kinh nghiệm phát triển TOD ở các thành phố đã triển khai để chọn mô hình phù hợp.
Theo CII, việc nghiên cứu TOD Hàng Xanh không chỉ là đô thị nén mà bao gồm tái cấu trúc đô thị; hạ tầng kỹ thuật, xã hội; kết nối thông minh giữa nhiều loại hình giao thông công cộng giúp tối ưu việc di chuyển. Doanh nghiệp dự kiến đến quý 3 năm nay sẽ hoàn chỉnh ý tưởng và trình thành phố.
Gia Minh - Lê Tuyết