Ngày 9/6/2014, ông William Webster (90 tuổi) nhận được cuộc gọi lạ thường tới nhà riêng ở bang Missouri, Mỹ. Người bên kia tự xưng là David Morgan, giám đốc công ty xổ số Mega Millions, thông báo William Webster đã trở thành chủ nhân của giải thưởng 15,5 triệu USD và chiếc Mercedes Benz. Nhưng muốn nhận thưởng, ông phải chuyển trước số tiền 50.000 USD để trả thuế trúng số.
Thấy có điều mờ ám, William Webster yêu cầu người đàn ông ngừng gọi tới nhà mình. David Morgan không hề dừng lại mà liên tục gọi điện, gửi email làm phiền, thậm chí tăng "giải thưởng" lên tới 72 triệu USD.
Sau nhiều lần bị William Webster từ chối, những cuộc gọi dần chuyển sang đe dọa. David Morgan khẳng định biết mọi thứ về William Webster, như ông từng là luật sư, thẩm phán, sĩ quan quân đội, biết ông và người vợ có ngoại hình thế nào. Nhưng có vẻ hắn không biết người đang bị dọa nạt là cựu giám đốc của FBI và CIA, người duy nhất trong lịch sử từng giữ cả hai chức vụ.
Một lần, vợ của William Webster nhấc máy thì bị David Morgan đe dọa sai người sát hại nếu không chuyển tiền. Như giọt nước tràn ly, ngay ngày tiếp theo, William Webster chủ động gọi lại cho kẻ làm phiền. Nhưng lần này, David Morgan không biết FBI đang cùng nghe điện thoại với cụ ông 90 tuổi.
Trong cuộc trao đổi, William Webster dẫn dụ David Morgan nhằm khai thác thông tin. Cuối cùng, cụ ông nắm được tên thật của đối phương là Kenial Thomas, thông qua địa chỉ email do người này cung cấp "keniel.thomas@outlook.com".
Với thông tin ấy, FBI truy ra "David Morgan" tên thật là Keniel Thomas, 29 tuổi, công dân Jamaica. Keniel Thomas đã lừa đảo, chiếm đoạt ít nhất 300.000 USD từ hàng chục nạn nhân khác, hầu hết là người già. Để che đậy dấu vết, nghi phạm thường yêu cầu các nạn nhân gửi tiền cho nhau rồi mới gửi cho tài khoản của hắn tại Jamaica.
Năm 2014, Keniel Thomas bị khởi tố tội danh tống tiền. Nhưng phải tới tháng 12/2017, hắn mới bị bắt khi đặt chân xuống sân bay JFK tại New York, không biết mình bị truy nã tại Mỹ.
Ngày 8/2/2019, sau khi thỏa thuận nhận tội, Keniel Thomas bị tuyên án 71 tháng tù tại tòa án quận liên bang Columbia và sẽ bị trục xuất khi thi hành xong.
Còn có tên khác là "chiêu lừa hoàng tử Nigeria", thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại từ Jamaica đang dần trở nên phổ biến tại Mỹ trong những năm gần đây. Kẻ xấu thường nhắm vào người già cả, yêu cầu họ chuyển trước khoản tiền nhỏ để đổi lấy giải thưởng khổng lồ. Trước đó, một cụ ông 85 tuổi ở Virginia mất nhà và toàn bộ tiền tiết kiệm, một người khác ở Tennessee phải tự tử vì cả tin nghe theo bọn lừa đảo, Chicago Tribune đưa tin.