Bờ sông Tiền từ rạch Cái Dầu đến Vàm Phong Mỹ dài khoảng 3 km trong nhiều năm bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp hàng trăm hộ dân, chợ cùng quốc lộ 30 - tuyến đường huyết mạch của Đồng Tháp. Năm 2015, tỉnh này quyết định đầu tư 90 tỷ đồng để làm đoạn kè đầu tiên dài 850 m (khu vực chợ và rạch Cái Dầu).
Công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Nhân Bình thi công, hoàn thành sau 4 năm. Tuy nhiên, từ khi đang thi công và đến lúc công trình được đưa vào sử dụng, đoạn kè liên tục bị sạt lở. Năm 2019, 40 m kè bị sạt, sâu vào bờ 9 m khiến toàn bộ cọc bêtông cốt thép, mái kè trôi xuống sông. Hai năm tiếp theo bờ kè lại bị sạt lở hai lần tại cùng một vị trí dài 60 m, khiến chân kè và đỉnh kè sụp xuống sông.
Sau ba lần bờ kè sạt lở, đơn vị kiểm định chất lượng xác định do các yếu tố khách quan như: lòng sông cong, co hẹp, dòng chảy phức tạp, địa chất yếu, khai thác cát. Bên cạnh đó cũng có các lý do chủ quan như: hồ sơ thiết kế chưa đánh giá được hết những yếu tố bất lợi, thiếu khảo sát, thu thập số liệu phục vụ thiết kế kè, thi công tạo mái kè bằng bao tải cát chưa đảm bảo kỹ thuật (rơi không đúng thiết kế).
Do kè còn trong thời gian bảo hành nên các bên liên quan, tùy mức độ trách nhiệm, phải bỏ kinh phí khắc phục, tổng cộng khoảng 16 tỷ đồng, ngân sách chi thêm 3 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh phải rót thêm 19 tỷ để lấp hố xoáy nhằm hạn chế ảnh hưởng công trình. Tuy nhiên, đến giữa tháng 3 năm nay, đoạn kè thuộc dự án kè sông Tiền tiếp tục bị sạt lở 30 m phía trong rạch Cái Dầu.
Lần này Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp xác định kè sụt lún do ảnh hưởng quá trình thi công cầu (xung chấn do đóng trụ cầu) gần đó. Chủ đầu tư đã yêu cầu tháo dỡ vỉa hè vị trí sụp lún, chờ đơn vị tư vấn quan trắc, sau đó sẽ mời các bên liên quan thống nhất việc xử lý, trên tinh thần chi phí khắc phục do dự án cầu chi trả.
Trong khi hiện trạng đoạn kè cũ chưa được khắc phục triệt để, Đồng Tháp đầu tư tiếp các đoạn kè tiếp giáp dài 2,4 km với kinh phí hơn hơn 350 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư cho 3 km bờ kè lên hơn 460 tỷ đồng. Kết quả quan trắc tháng 10/2022, tại 3 km đoạn bờ sông này vẫn tồn tại 7 hố xoáy, có xu hướng tiến vào sát chân kè.
Với các bất lợi hiện tại, các chuyên gia dự báo chỉ cần phát sinh dù chỉ một yếu tố bất lợi như lòng sông tiếp tục bị xói lở, sẽ ảnh hưởng lớn, gây mất ổn định tổng thể công trình. Do đó, đơn vị kiểm định đề nghị cần thực hiện thêm một loạt các giải pháp công trình khác, tức khả năng sẽ phải tiếp tục chi thêm ngân sách để bảo vệ bờ kè.
Ông Võ Thành Ngoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, thừa nhận kè bảo vệ bờ sông Tiền nhiều lần bị sạt lở do ban đầu việc tính toán hệ số an toàn chỉ vừa đạt đến ngưỡng, nhằm giảm chi phí đầu tư, chưa tính toán các yếu tố bất lợi tác động trong thời gian dài.
Theo ông, các giải pháp khắc phục vừa qua chỉ là cấp bách. Về lâu dài, cần tính đến việc điều chỉnh dòng chảy bằng bệ phản áp ngắt quãng, ngầm dưới chân kè để giảm áp lực dòng nước áp vào bờ.
"Một số đề tài khoa học có đề cập đến giải pháp nạo vét bờ sông phía đối diện để khơi thông dòng chảy", ông Ngoan nói, và cho biết tại đoạn kè thường xuyên sạt lở, dòng sông co thắt còn 550 m trong khi đoạn rộng nhất trên dòng sông Tiền là 1.200 m.
Ngọc Tài