Radovan Karadzic tại toà án quốc tế. Ảnh: AP. |
Thẩm phán toà án quốc tế đọc cáo trạng buộc tội Karadzic 11 tội danh liên quan đến cuộc xung đột ở Bosnia (1992-1995), gồm một tội diệt chủng, một tội đồng loã diệt chủng, 5 tội ác chống lại loài người và 4 tội ác chiến tranh. Ông có 30 ngày kháng án trước khi trở lại toà vào ngày 29/8.
Nghi phạm nổi tiếng này bị bắt tại thành phố Belgrade, Serbia tuần trước sau 13 năm lẩn trốn. Ông tuyên bố với toà rằng sẽ tự đại diện trong suốt quá trình xét xử. Ông xuất hiện trước hội đồng xét xử sau khi bộ râu rậm và mái tóc rất dày dùng để che mắt lực lượng truy lùng đã được cạo sạch.
Luật sư của Karadzic cho biết thân chủ của ông “thư giãn và tự tin” trước ngày bị đưa sang La Haye sớm thứ tư vừa qua. Quá trình dẫn giải diễn ra với sự tham gia của các xe chuyên dụng, máy bay chuyên cơ và hai trực thăng. Việc ông tự bào chữa trước toà báo hiệu một cuộc chiến pháp lý kéo dài và căng thẳng trong vụ án này mới chỉ bắt đầu.
Chánh công tố toà án quốc tế Serge Brammertz đánh giá việc bắt Karadzic là sự kiện “cực kỳ quan trọng” được các nạn nhân của cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ chờ đợi từ lâu. Vụ bắt giữ giúp Serbia ghi điểm trong mắt EU, khối mà họ đang muốn tham gia. Nhưng EU tiếp tục gây sức ép phải bắt nốt chỉ huy quân đội thời Karadzic trước đây là Ratko Mladic.
Radovan Karadzic là người đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Serbia của Bosnia & Herzegovina (về sau đổi tên thành Cộng hòa Srpska) năm 1992 và tự xưng làm tổng thống. Đẫm máu nhất trong các tội danh ông bị cáo buộc là vụ thảm sát 7.500 nam giới theo Hồi giáo ở Srebrenica, tháng 7/1995.
Karadzic còn bị buộc tội đã cho quân đội pháo kích đẫm máu vào thành phố Sarajevo và dùng 284 lính gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc làm lá chắn sống, trong hai tháng 5 và tháng 6/1995. Ông này lẩn trốn từ sau hiệp ước Dayton giúp chấm dứt cuộc chiến tại Bosnia năm 1996. Sức ép quốc tế về việc bắt giữ Karadzic lên cao vào đầu năm 2005, khi một vài cựu tướng dưới quyền ông này ra đầu thú.
Đình Chính (theo BBC, AP)