Tôi phải khởi đầu ngay với một câu chuyện hơi xấu hổ. Vì đôi lúc, tôi sợ mọi người trao cho giới HLV và cầu thủ những quyền năng cứ như chúng tôi là Chúa trời. Là một giáo dân, tôi chỉ tôn sùng một vị Chúa duy nhất, và Người chẳng liên quan gì tới bóng đá cả. Cuộc đời chúng ta ai cũng đôi lần vấp ngã. Khi còn trẻ, tôi cũng đã vấp ngã rất nhiều.
Sau đây là một mẩu chuyện nhỏ.
Hãy trở lại năm 2011, Borussia Dortmund của tôi chuẩn bị đấu với Bayern Munich. Khi ấy, Dortmund không biết thắng là gì tại Munich trong gần 20 năm. Phim ảnh luôn là một nguồn cảm hứng lớn nên mỗi khi cần phải khích lệ những chàng trai của mình, tôi thường nghĩ tới Rocky Balboa. Tôi nghĩ người ta nên chiếu Rocky 1, 2, 3 và 4 ở các trường học trên toàn thế giới, song song với việc học bảng chữ cái. Nếu xem xong những bộ phim này mà các thanh thiếu niên không có khát vọng chinh phục những dãy núi trùng điệp kia, thì tôi nghĩ họ thực sự có vấn đề.
Vậy nên cái đêm trước trận đấu, tôi gọi các cầu thủ lại để nhắc nhở vài thứ. Mọi người đều ngồi xuống, đèn đóm tắt hết cả. Tôi bảo: "Lần cuối Dortmund quật ngã Munich, đa số các cậu vẫn còn đang quấn tã và khóc nhè".
Sau đó tôi cho chiếu một vài phân cảnh trong Rocky 4 lên màn hình. Rồi đến cái đoạn với Ivan Drago. Với tôi, đó là một cảnh kinh điển.
Trong cảnh ấy, Drago chạy bộ trên máy, toàn thân được nối với màn hình lớn và những nhà khoa học đang nghiên cứu anh ta. Tôi bảo các cậu học trò, "Thấy không? Bayern Munich là Ivan Drago. Kẻ giỏi nhất! Với công nghệ và thiết bị tân tiến nhất! Anh ta là kẻ bất khả chiến bại!".
Rồi phim chuyển sang cảnh Rocky luyện tập ở Siberia, anh đốn ngã cây thông, vác gỗ băng qua lớp tuyết dày rồi chạy bộ lên đỉnh núi.
Và tôi nói: "Thấy không? Đó là chúng ta. Tuy nhỏ bé hơn nhưng đầy nghị lực! Chúng ta sở hữu trái tim của nhà vô địch! Chúng ta có thể chinh phục những điều phi thường nhất!!!"
Tôi cứ vừa nói vừa quan sát các học trò để xem phản ứng của họ. Tôi nghĩ họ sẽ đứng dậy và hừng hực khí thế như thể sắp leo lên đỉnh núi Siberia.
Nhưng họ chỉ ngồi đó, giương đôi mắt vô hồn nhìn tôi.
Hoàn toàn trống rỗng.
Cứ như mấy con dế mèn vậy.
Họ nhìn tôi như thể: Thằng cha điên này đang nói cái quái gì vậy?
Rồi tôi nhận ra, Khoan, Rocky 4 ra mắt năm nào, 1980 à? Bọn nhóc này sinh năm bao nhiêu nhỉ?
Cuối cùng tôi nói: "Chờ chút. Ai biết Rocky Balboa thì giơ tay lên nào?".
Chỉ có hai người, Sebastian Kehl và Patrick Owomoyela.
Những người khác cất lời: "Không biết, xin lỗi HLV".
Cả màn khích lệ của tôi bỗng đổ sông đổ bể! Đây là trận đấu quan trọng nhất mùa giải, có lẽ là quan trọng nhất cuộc đời đối với một số cầu thủ. Và tay HLV thì cứ la ó mãi về công nghệ Xô Viết và Siberia trong 10 phút liền! Hahahaha! Tin nổi không?
Thế là tôi... phải nói lại từ đầu.
Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Sự thực thì chúng ta là con người. Và nếu không cẩn thận, ta hoàn toàn có thể làm bẽ mặt chính mình. Chúng ta cứ nghĩ mình đang hùng hồn diễn thuyết, nhưng thực ra là chỉ đang lảm nhảm. Nhưng khi sớm mai đến, chúng ta sẽ thức giấc, và thử lại lần nữa.
Bạn có biết điều kỳ lạ nhất trong câu chuyện đó là gì không?
Tôi không nhớ trận ấy mình ăn hay thua nữa. Tôi đồ rằng đấy là năm 2011 và trận ấy chúng tôi ăn 3-1, nếu đấy là sự thực, thì có phải câu chuyện tôi vừa kể sẽ rất ngầu không! Nhưng tôi không dám chắc 100%.
Đây là một điều mà ngoài giới bóng đá, không phải ai cũng hiểu.
Bạn có sẽ quên đi những kết quả. Mọi thứ sẽ lộn xộn cả lên. Nhưng những chàng trai đó, khoảng thời gian đó cùng những mẩu chuyện đó... tôi sẽ không bao giờ quên.
Tôi rất vinh dự khi dành giải thưởng HLV hay nhất năm của FIFA, nhưng tôi không thích một mình đứng trên sân khấu với chiếc Cup trong tay. Những gì tôi đạt được đều nhờ những con người xung quanh mình. Không chỉ cầu thủ mà còn là gia đình và những người đã cùng tôi bước những bước đi đầu tiên, khi tôi còn vô cùng non nớt.
Thành thực mà nói, năm 20 tuổi, nếu có ai đó từ tương lai tới và kể tôi nghe những điều sẽ xảy tới, tôi sẽ không tin đâu, ngay cả khi người ấy là là Michael J. Fox.
Năm 20 tuổi, có một trải nghiệm hoàn toàn làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã trở thành bố, dù hãy còn là trẻ con. Đấy không phải là thời điểm lý tưởng để lên chức bố, thực lòng là vậy. Ban ngày, tôi đến trường đại học và chơi bóng. Để có tiền trang trải học phí, tôi đã phải làm việc tại một nhà kho cất trữ phim chiếu rạp. Với những bạn trẻ đang đọc, tôi xin nhấn mạnh chúng không phải DVD đâu nhé. Đó là những năm cuối thập niên 1980, mọi thứ vẫn chỉ nằm trên những cuộn phim. Những chiếc xe tải tới lúc 6h sáng để mang những bộ phim mới đi, chúng tôi luôn tay tháo dỡ rồi lại chất những chiếc hộp thiếc nặng nề lên. Bạn sẽ không muốn thấy mấy bộ gồm bốn cuộn phim như Ben-Hur đâu, xui lắm mới gặp ấy.
Mỗi đêm tôi chỉ ngủ năm tiếng rồi dậy sớm đến kho làm, rồi sửa soạn lên lớp vào ban ngày. Tối đến, tôi đi tập bóng rồi mới về nhà với cậu con trai. Thời gian ấy thật khó khăn, nhưng nó cũng dạy tôi nhiều thứ.
Tôi đã phải sống nghiêm túc khi còn rất trẻ. Mỗi lần bạn bè rủ đi uống rượu, tôi đều phải đấu tranh tư tưởng. Con người trẻ con trong tôi bảo: "Đi! Đi! Đi thôi nào!" Nhưng dĩ nhiên là tôi không thể vui vẻ cho bản thân, vì tôi đâu còn sống một mình nữa. Những đứa trẻ không cần biết bạn có mệt hay không, chúng chỉ muốn ngủ tới trưa mà thôi.
Bạn sẽ thật sự thấy lo lắng khi nghĩ về tương lai của đứa trẻ mà mình sinh ra. Một thử thách thật sự đấy. Những chuyện to tát xảy ra trên sân không cách gì bì được với vấn đề này.
Đôi lúc người ta hỏi tôi rằng tại sao tôi cứ cười mãi được. Ngay cả sau khi thất trận, có đôi lúc tôi vẫn cười. Vì khi con trai tôi cất tiếng khóc chào đời, tôi đã nhận ra rằng bóng đá không nằm trên ranh giới sinh tử. Chúng ta không cứu mạng ai, bóng đá cũng chẳng phải nơi để ta thù ghét hay đau khổ. Bóng đá chỉ nên mang sắc màu của sự nhiệt huyết và niềm vui, đặc biệt là với những đứa trẻ.
Tôi đã thấy điều tuyệt diệu mà trái bóng tròn mang lại cho những học trò của mình. Hành trình của Mo Salah, Sadio Mane, Roberto Firmino hay bất kỳ ai đều thật phi thường. Nghịch cảnh mà tôi phải đương đầu khi còn ở Đức chẳng là gì so với những chông gai mà họ đi qua. Đã có những lúc tôi nghĩ họ đã chực bỏ cuộc, nhưng họ vẫn tiếp tục chiến đấu.
Họ không phải thánh thần. Chỉ đơn giản là họ không chịu bỏ cuộc.
Tôi nghĩ 98% tinh thần khi chơi bóng là phải biết vượt qua thất bại và mỉm cười khi ngày mai đến.
Tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ những ngày đầu. Tôi sẽ không bao giờ quên những ngày ấy. Năm 2001, tôi tiếp quản chiếc ghế nóng tại Mainz, nơi mà tôi đã có 10 năm làm cầu thủ. Vấn đề của việc ấy: những cầu thủ đó đang là bạn tôi, vậy mà chỉ sau một đêm, tôi thành sếp của họ. Họ vẫn quen miệng gọi tôi là "Kloppo."
Lần đầu công bố đội hình ra quân, tôi nghĩ đi gặp riêng từng người là tiện nhất.
Nhưng không, mọi thứ chẳng được như ý vì đội bóng ở phòng đôi.
Hãy tưởng tượng nhé. Tôi đến phòng thứ nhất, mời hai cầu thủ ngồi xuống giường rồi quay sang một người và nói: "Ngày mai cậu sẽ vào sân".
Sau đó, tôi quay qua người kia: "Rất tiếc, ngày mai cậu sẽ ngồi dự bị".
Tôi nhận ra kế hoạch này ngu ngốc tới thế nào, khi cầu thủ thứ hai nhìn tôi và hỏi: "Nhưng mà... tại sao vậy... Kloppo?".
Thường thì tôi không biết phải trả lời thế nào. Tôi chỉ nói đại: "Chúng ta chỉ có thể chọn ra 11 người thôi".
Trớ trêu thay, tôi phải làm thế thêm tám lần nữa - 18 cầu thủ ở chín phòng đôi. Hai người ngồi trên giường. "Cậu vào sân, cậu dự bị."
Lần nào cũng vậy. "Nhưng mà... tại sao vậy... Kloppo?" là câu nói tôi nhận được sau mỗi lần mở cửa phòng.
Hahahaha! Thật đau lòng quá đi!
Đây là lần đầu trong số rất nhiều lần tôi tự đưa mình vào thế khó. Biết làm gì đây? Chỉ biết rút kinh nghiệm và bước tiếp mà thôi.
Nếu không tin, bạn hãy ngẫm mà xem: Ngay cả thành công lớn nhất của tôi cũng khởi nguồn từ thảm họa.
Để thua 0-3 trước Barca tại Champions League mùa trước là kết quả tồi tệ nhất. Khi chuẩn bị cho trận lượt về, màn diễn thuyết của tôi đã chẳng còn lan man, không còn Rocky gì cả, tôi đi thẳng vào phần chiến thuật. Nhưng tôi cũng nói với họ rằng: "Chúng ta phải chơi mà không có hai tiền đạo xuất sắc. Ngoài kia họ bảo điều này là không thể. Thành thật mà nói, đúng là nhiệm vụ này bất khả thi. Nhưng thực ra Liverpool vẫn có cơ hội đấy, vì sao ư, vì Liverpool có các cậu".
Tôi đã tin vào điều đó. Không phải vào tài năng kiệt xuất, mà là vào những điều mà họ đã vượt qua trong đời.
Tôi thêm vào: "Nếu bại trận, hãy bại trận theo cách đẹp đẽ nhất".
Dĩ nhiên, nói ra bao giờ cũng dễ. Tôi chỉ việc đứng bên đường biên la lối. Những cầu thủ trên sân phải thực hiện điều đó mới là khó. Nhưng nhờ có những chàng trai kiên cường, nhờ có 54.000 người rực cháy tại Anfield, chúng tôi đã làm được điều không thể.
Bóng đá đẹp ở chỗ: ta không thể làm bất cứ điều gì một mình.
Thật xui xẻo khi tôi không được chứng kiến khoảnh khắc kỳ diệu nhất trong lịch sử Champions League... . Dường như đấy là một ẩn dụ khi nói về cuộc đời của một HLV. Nhưng tôi đã hoàn toàn bỏ lỡ khoảnh khắc xuất thần của Trent Alexander-Arnold.
Tôi thấy bóng lăn ra góc sân.
Tôi thấy Trent tiến tới quả phạt, theo sau là Shaqiri.
Nhưng tôi đã quay lưng lại với sân bóng để chuẩn bị thực hiện thay người. Tôi nói chuyện với trợ lí và... bạn biết đấy, tôi nổi hết cả da gà mỗi khi nghĩ về nó... âm thanh hồ hởi vang rền.
Tôi quay lại nhìn và thấy bóng đã bay vào lưới.
Tôi quay lại băng ghế nhìn Ben Woodburn, rồi cậu ta hỏi "Cái gì vậy trời?".
Tôi trả lời: "Ai biết đâu!".
Anfield trở nên điên cuồng. Tôi không thể nghe rõ tiếng trợ lý, ông ta hét lên: "Ủa, rồi mình thay người nữa không sếp?".
Hahahaha! Tôi sẽ không bao giờ quên câu nói đó!
Bạn tưởng tượng nổi không? 18 năm theo nghiệp huấn luyện, hàng triệu giờ theo dõi trận đấu, và tôi đã bỏ lỡ pha bóng láu cá nhất thế giới túc cầu. Hình như tôi đã xem lại bàn thắng đó của Divock tới tận 500.000 lần, nhưng chỉ thấy được mỗi khoảnh khắc bóng tung lưới mà thôi.
Trở về phòng nghỉ sau trận đấu, tôi chẳng hề uống bia. Tôi không cần bia, chỉ lặng ngồi đó cùng một chai nước lọc với nụ cười trên môi. Một cảm giác thật khó tả. Khi trở về nhà, gia đình và bạn bè đều đang đợi sẵn bên cạnh bàn tiệc. Nhưng tôi mệt mỏi tới mức đi ngủ một mình. Thể xác và tâm trí tôi khi ấy hoàn toàn trống rỗng.
Đêm ấy tôi ngủ thật ngon.
Thật tuyệt khi sáng hôm sau thức dậy, nhận ra mọi thứ là thật, không phải giấc mơ.
Với tôi, bóng đá là điều duy nhất lôi cuốn mình hơn điện ảnh. Bạn thức dậy và mọi thứ vẫn chẳng tan biến. Bạn đã thực sự đả bại Drago. Mọi thứ cứ như là mơ vậy.
Tôi đã luôn nghĩ về điều đó kể từ tháng 6, khi chúng tôi mang chiếc Cup Champions League diễu hành trên đường phố Liverpool. Tôi không thể diễn tả cảm xúc của mình ngày hôm ấy. Chúng tôi cưỡi trên chuyến xe buýt, cứ mỗi lần nghĩ buổi đưa rước kết thúc thì nó vẫn tiếp tục. Không thể tin nổi. Nếu có thể phủ kín thế gian này bằng niềm vui sướng của ngày hôm ấy, thế giới này sẽ đẹp hơn biết bao!
Ngày đó trong tôi vẫn chưa hề bớt sôi sục. Bóng đá đã cho tôi nhiều thứ, và tôi muốn làm gì đó để trả ơn cho cuộc đời này. Nói nghe dễ quá nhỉ. Nhưng làm sao để có thể tạo ra sự khác biệt?
Trong năm vừa qua, tôi đã rất nể phục khi thấy Juan Mata, Mats Hummels, Megan Rapinoe và vô vàn những danh thủ khác chung tay vào phong trào Common Goal. Hơn 120 cầu thủ đã đóng góp 1% mức lương của mình nhằm xây dựng các tổ chức bóng đá phi chính phủ trên toàn thế giới. Họ đã giúp phát triển các chương trình đào tạo trẻ tại Nam Phi, Zimbabwe, Campuchia, Ấn Độ, Colombia, Anh Quốc, Đức...
Đây không phải là điều mà chỉ có những cầu thủ giàu nhất mới có thể làm. Cả đội hình ĐTQG nữ Canada đã tham gia chiến dịch. Ngay cả những cầu thủ từ Nhật Bản, Australia, Scotland, Kenya, Bồ Đào Nha, Anh, Ghana... cũng vậy. Sao ta có thể không hào hứng được chứ? Bóng đá là như vậy kia mà.
Tôi chỉ muốn được là một phần của chiến dịch. Nên tôi sẽ trích 1% mức lương hàng năm ra quyên góp cho Common Goal, và tôi mong sẽ có thêm nhiều người nữa chung tay hành động.
Hãy nhìn mà xem, chúng ta thật may mắn. Đây là trách nhiệm của chúng ta, ta phải truyền lại cơ hội này cho thế hệ mai sau.
Chúng ta không nên quên những giờ phút khó khăn. Đây không phải là thế giới thực, những điều xảy ra trên sân bóng không hẳn là thử thách thực sự. Phải có gì đó hơn cả tiền bạc hay danh vọng chứ, đúng không?
Hãy nghĩ tới những gì ta sẽ đạt được nếu cùng nhau đóng góp 1% số tiền kiếm được nhằm tạo nên sự khác biệt. Có lẽ tôi quá ngây thơ. Có lẽ tôi chỉ là gã điên mộng mơ đã già.
Nhưng trò chơi này là dành cho ai?
Chúng ta đều biết rất rõ rằng trò chơi này dành cho những chàng hiệp sĩ mộng mơ, như tôi vậy!
Hoài Thương dịch