Theo New York Times và Wall Street Journal, thỏa thuận trên có thể đạt được trong tuần này. JPMorgan bị kết tội bỏ qua các cảnh báo về hoạt động phạm tội của Madoff và "nhắm mắt cho qua" vụ lừa Ponzi lớn nhất lịch sử. Một phần số tiền phạt sẽ được dùng để đền bù cho các nạn nhân của Madoff.
JPMorgan được dự đoán sẽ đạt thỏa thuận hoãn khởi tố. Điều này có nghĩa nhà băng có thể tránh cáo buộc hình sự nếu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ pháp lý trong thời gian cho phép. Ngược lại, nhà băng sẽ đứng trước cáo buộc không công bố các lo ngại về hoạt động của Madoff với giới chức Mỹ, trong khi nộp báo cáo tương tự sang Anh năm 2008.
![JP-4935-1389152571.jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2014/01/08/JP-4935-1389152571.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iQqSWAEbF5N35-wZ6RDNgA)
JPMorgan đã phải nộp phạt liên tiếp trong hơn một năm qua. Ảnh: AFP
JPMorgan đã phải nhận rất nhiều án phạt gần đây. Tháng 11 năm ngoái, hãng tài chính này đã chấp nhận nộp 13 tỷ USD vì vụ bán trái phiếu kém chất lượng trước cuộc khủng hoảng 2008. Cùng tháng đó, họ công bố bồi thường 4,5 tỷ USD cho các nhà đầu tư tổ chức chịu thua lỗ vì trái phiếu của mình trong bong bóng nhà đất. Đầu năm, JPMorgan cũng phải trả 1 tỷ USD tiền phạt vì scandal giao dịch "Cá voi London" và hơn 400 triệu USD do thao túng giá điện tại California và Midwest.
Được xem là một trong những vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử tài chính thế giới, vụ Ponzi bắt đầu được Bernard Madoff thực hiện sau Ngày thứ Hai đen tối năm 1987 của chứng khoán thế giới. Thủ đoạn tuy không mới (lấy tiền của nhà đầu tư mới trả cho nhà đầu tư cũ), nhưng đến thời điểm bị bắt năm 2008, quy mô của vụ lừa đã lên tới 65 tỷ USD. Madoff hiện chịu án 150 năm tù.
Hà Thu