Hội thảo của Jotun Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 8/9 với khách mời là kiến trúc sư, nhà thầu và chủ đầu tư các công trình lớn.
Sự kiện đã chỉ ra bức tranh lớn của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các công trình xây dựng đến khí hậu nước ta. Theo báo cáo của World Bank, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Dữ liệu từ Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cho thấy các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm 1/3 tổng lượng phát thải CO2.
Theo các diễn giả, công trình xanh sẽ trở thành xu hướng phát triển tất yếu của ngành xây dựng. Xu hướng này nhận được nhiều hỗ trợ, khuyến khích thông qua các chủ trương, chính sách của nhà nước. Tuy vậy, số lượng công trình xanh tại Việt Nam ít. Chỉ có khoảng gần 300 công trình được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus, Edge, LEED, Green Mark tính đến hết quý 2/2023.
Bà Mona Siljan – Giám đốc Marketing khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Jotun, trình bày các giải pháp đóng góp cho tính bền vững của các công trình từ thương hiệu này. Theo đó, để đáp ứng các tiêu chuẩn về công trình xanh, Jotun phát triển giải pháp để̉ đơn giản hóa quá trình thiết kế, đặc tả và bảo vệ công trình. Cụ thể, đây là bộ các giải pháp sơn và sơn phủ cho công trình xanh, kết hợp với dòng sản phẩm có hàm lượng chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) thấp được chọn lọc thủ công để̉ tập trung vào các tiêu chuẩn LEED.
Các sản phẩm này bao gồm: sơn tĩnh điện dùng cho công trình kiến trúc, sơn phủ chống cacbonat cho bê tông, các dòng sơn trang trí, phủ sàn, chống cháy và phủ bảo vệ.
Cũng theo bà Mona, nhờ vào khả năng cung ứng đầy đủ các sản phẩm cho toàn bộ dự án thông qua mạng lưới 40 nhà máy tại hơn 100 quốc gia, Jotun đã trở thành đơn vị cung cấp giải pháp trọn gói được nhiều công trình xanh lựa chọn . Để hỗ trợ người dùng, nhãn hàng này còn phát triển hệ thống dữ liệu cung cấp hướng dẫn từ chuyên gia về công trình xanh trên toàn cầu.
"Là kết quả của một quá trình chú tâm lâu dài vào tính bền vững và đổi mới, các giải pháp của Jotun có thể đóng góp tới 17% điểm chứng nhận theo tiêu chuẩn LEED", đại diện thương hiệu chia sẻ.
Bên cạnh công trình, Jotun còn đặt mục tiêu bảo vệ cho những con tàu dưới sự khắc nghiệt của biển khơi và tăng hiệu quả hoạt động cho thân tàu. Với kinh nghiệm về sơn phủ bảo vệ và sơn hàng hải trong gần 100 năm, cùng các giải pháp vệ sinh thân tàu tự động, duy trì và tối ưu hóa hiệu suất thân tàu, Jotun cung cấp khả năng bảo vệ, góp phần giảm tiêu hao nhiên liệu và phát khí thải nhà kính cho ngành công nghiệp hàng hải.
Cùng với các giải pháp công trình xanh, những giải pháp trong lĩnh vực hàng hải là điểm nhấn trong hành trình theo đuổi sự phát triển bền vững của Jotun. Từ khi thành lập năm 1926, đơn vị cam kết đóng góp cho sự phát triển bền vững thông qua bảo vệ con người, công trình, cộng đồng và môi trường sống.
Hoài Phương