Reuters dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Jordan, Mohammad al-Momani, hôm nay cho biết "Jordan sẵn sàng thả nữ tù nhân Sajida al-Rishawi nếu phi công người Jordan, Muath al-Kasaesbeh, được trả tự do và không bị tổn hại". Tuy nhiên, ông không đề cập đến con tin Nhật Kenji Goto.
Al-Kasaesbeh bị bắt hồi tháng 12, sau khi máy bay của anh rơi xuống đông bắc Syria trong chiến dịch ném bom phiến quân. Số phận của phi công Jordan được cho là gắn liền với nhà báo Nhật, sau khi một đoạn video công bố hôm qua cho thấy Goto nói anh có 24 giờ để sống nếu Jordan không thả Al-Rishawi. Goto còn nói thời gian sống của Al-Kasaesbeh ngắn hơn anh. Al-Rishawi là nữ tù nhân Iraq đang bị giam ở Jordan vì dính líu đến vụ đánh bom làm gần 60 người thiệt mạng tại nước này năm 2005.
Tại Tokyo, phát ngôn viên văn phòng Thủ tướng Shinzo Abe chưa có bình luận ngay về tuyên bố từ phía Jordan.
Trước đó, một đài truyền hình dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Yasuhide Nakayama tuyên bố sẽ có tin tức tốt về con tin nước này trong vài giờ tới. Đài này cho hay Al-Rishawi sẽ sớm được chuyển đến nhà tù khác, và sau đó sẽ được bàn giao cho đại diện IS để đổi lấy con tin Nhật Bản. Tuy nhiên, ba nguồn tin quan chức cấp cao của Nhật ở Tokyo hiện vẫn tỏ ra hoài nghi về các báo cáo. "Tình hình không hề giống như thế", Japan Times dẫn lời một trong số họ nói. Nhà nước Hồi giáo "không phải là một bên dễ đối phó".
Những báo cáo mới đây gợi ý một cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra giữa Jordan và phiến quân Nhà nước Hồi giáo, kể cả sau khi hạn chót nhóm này đưa ra về việc giết cả Goto và Al-Kaseasbeh đã qua vào khoảng 23h hôm nay.
Ngay sau khi hạn chót IS đề ra kết thúc vào tối muộn hôm nay, mẹ Goto cho biết cảm xúc của bà đang "dâng trào". "Giới hạn thời gian đã được đặt ra, và điều đó làm tôi căng thẳng", bà Junko Ishido nói. Bà trước đó kêu gọi chính phủ Nhật làm mọi thứ để cứu con trai, và tái khẳng định con bà không phải là kẻ thù của người Hồi giáo.
Ông Nasser Judeh, Ngoại trưởng Jordan, thì cho biết vẫn đang chờ bằng chứng cho thấy phi công nước này còn sống. "Cách đây một lúc, chúng tôi đã đề nghị bằng chứng cho thấy anh hùng Maaz (al-Kassasbeh) vẫn còn sống, nhưng chúng tôi chưa nhận được bất cứ thứ gì", ông Judeh viết trên mạng xã hội Twitter. Trước đó một giờ, ông bác bỏ thông tin cho rằng nữ tù nhân Iraq đã được thả để đổi lấy viên phi công.
Mutimedia: Sự hoành hành của Nhà nước Hồi giáo
Phương Vũ