"Chúng ta mắc món nợ lớn với những người đã làm việc cho lực lượng vũ trang ở Afghanistan. Tôi quyết tâm rằng chúng ta sẽ trao cho họ và gia đình sự hỗ trợ cần thiết để xây dựng lại cuộc sống ở Anh", Thủ tướng Johnson đề cập đến chính sách hỗ trợ người tị nạn Afghanistan có tên "Chiến dịch Chào đón Nồng nhiệt" hôm 25/8.
"Tôi hiểu đây sẽ là khoảng thời gian vô cùng khó khăn, nhưng hy vọng họ sẽ ấm lòng nhờ sự ủng hộ và hào phóng mà người dân Anh bày tỏ", ông nói thêm.
Chính phủ Johnson cho hay những biện pháp này "sẽ mang lại cho người Afghanistan sự vững chắc và ổn định để xây dựng lại cuộc sống với các quyền làm việc không bị hạn chế và lựa chọn nộp đơn xin nhập tịch Anh trong tương lai".
Hơn 8.000 người đã được di tản thành công. Chính phủ tuần trước tuyên bố họ sẽ được nghỉ phép vô thời hạn ngay lập tức và gói hỗ trợ 15 triệu bảng Anh (hơn 20,6 triệu USD) sẽ được tung ra, nhằm hỗ trợ người tị nạn tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục.
Tuy nhiên, chính phủ Johnson đang bị chỉ trích, sau khi hàng nghìn người Afghanistan từng làm việc cho NATO và đủ điều kiện tới Anh theo "Chính sách hỗ trợ và tái định cư" được cho là vẫn mắc kẹt ở Afghanistan, nơi đang nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban.
Một số quan chức và cựu quan chức Anh cho rằng đáng lẽ có thể giải cứu nhiều người hơn. Tờ Observer hôm 29/8 dẫn lời một nguồn tin cho hay hàng nghìn email từ các nghị sĩ và tổ chức từ thiện gửi tới Bộ Ngoại giao Anh, nêu rõ tên người Afghanistan cụ thể đang gặp nguy hiểm sau khi Taliban tiếp quản đất nước, đã không được mở ra.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab bị chỉ trích mạnh mẽ vì không kết thúc sớm kỳ nghỉ bên bãi biển sau khi Taliban kiểm soát Afghanistan. Một bộ trưởng giấu tên khác bay tỏ "tôi cho rằng chúng ta đáng lẽ có thể giải cứu thêm 800 - 1.000 người nữa".
Raab sẽ phải đối mặt phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại vào 1/9, nơi ông có khả năng bị các nghị sĩ lên án vì cuộc rút quân đầy hỗn loạn. Thông báo trước phiên điều trần, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Tom Tugendhat cho hay "hai tuần qua thật khó khăn với nhiều người trong chúng ta, bao phủ bởi sự tức giận, xấu hổ, thậm chí hoài nghi".
"Chúng ta không ngờ rằng có ngày các lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu lại quay lưng với người dân Afghanistan", ông nói. "Chúng ta sẽ đối phó với Taliban thế nào? Afghanistan sẽ định hình chiến lược khu vực như thế nào? Chính phủ sẽ giữ lập trường nào với Taliban để giải quyết vấn đề nhân quyền?"
"Những câu hỏi này, và nhiều câu hỏi nữa, sẽ được đưa ra cho Ngoại trưởng", Tugendhat bày tỏ.
Hồng Hạnh (Theo AFP)