Thỏa thuận được đưa ra sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng thập kỷ giữa luật sư của nguyên đơn và nhà sản xuất. Hãng cho biết khoản tiền này sẽ được thanh toán dần trong 25 năm thông qua công ty con đã nộp đơn xin phá sản là LTL Management.
Nếu tòa án chấp nhận, thỏa thuận sẽ giải quyết tất cả khiếu nại hiện tại và tương lai liên quan đến sản phẩm có chứa amiăng. Đây cũng sẽ là vụ giải quyết trách nhiệm sản phẩm lớn nhất trong lịch sử phá sản doanh nghiệp, theo các luật sư tham gia vụ án.
Trong một tuyên bố, nhóm luật sư đại diện cho gần 70.000 nguyên đơn mô tả thỏa thuận này là bước ngoặt, một "chiến thắng lớn đối với hàng chục nghìn phụ nữ mắc bệnh ung thư" do các sản phẩm của Johnson & Johnson.
Dù vậy, hãng tiếp tục cho rằng tuyên bố của nguyên đơn là "cảm tính và thiếu khoa học". Erik Haas, phó chủ tịch phụ trách tranh tụng toàn cầu của công ty, cho biết thỏa thuận dàn xếp không đồng nghĩa hãng thừa nhận hành vi sai trái. Tuy nhiên, việc tham gia vào vụ kiện trong hệ thống tòa án dân sự sẽ mất nhiều thập kỷ và gây ra chi phí đáng kể cho công ty.
"Cách giải quyết này vừa công bằng, vừa hiệu quả hơn. Nó cho phép người khiếu nại được bồi thường kịp thời, cho phép công ty tiếp tục tập trung vào cam kết tác động sâu sắc và tích cực tới sức khỏe cộng đồng", ông Haas nói.
Một số luật sư liên quan đến vụ kiện phản đối thỏa thuận này. Jason Itkin, người có công ty luật đang xử lý 10.000 trường hợp liên quan đến phấn rôm của Johnson & Johnson, cho rằng thỏa thuận "bất lợi đối với các nạn nhân".
"8,9 tỷ USD nghe có vẻ là số tiền lớn, nhưng khi chia ra, nó chẳng đáng bao nhiêu đối với những người chịu thiệt hại", ông nói. Bên cạnh đó, hãng sẽ phải thuyết phục đủ số người bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch dàn xếp.
Nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ kết thúc cuộc chiến pháp lý kéo dài, ảnh hưởng đến hình ảnh của Johnson & Johnson với sức khỏe người tiêu dùng.
Năm 2012, hãng này nhận hàng nghìn đơn kiện, các nguyên đơn cáo buộc họ mắc bệnh ung thư sau thời gian sử dụng một số sản phẩm của hãng. Công ty từng phải bồi thường 100 triệu USD cho một phụ nữ ở Mỹ. Năm 2015, hãng cũng mất thêm hàng trăm triệu USD cho các vụ kiện.
Các giám đốc điều hành của hãng đã biết về nguy cơ ung thư liên quan đến phấn rôm trong hàng thập kỷ. Sản phẩm có thành phần là bột talc, chứa amiăng dưới dạng đá tự nhiên. Loại bột này đã được sử dụng trong hàng nghìn loại mỹ phẩm như phấn rôm, phấn bột vì khả năng hút ẩm, giúp làn da khô ráo.
Năm 2020, đại diện hãng cho biết ngừng bán phấn rôm trẻ em làm từ bột talc tại Mỹ, có kế hoạch tương tự trên toàn cầu trong năm nay. Hãng thay thế bột talc bằng bột ngô.
Thục Linh (Theo Reuters, Washington Post)