Chỉ còn vài tháng nữa, thế giới âm nhạc sẽ chính thức kỷ niệm nửa thế kỷ ngày The Beatles thực hiện “cuộc xâm lăng của làn sóng Anh” ngoạn mục trên đất Mỹ và từ đó trở nên nổi tiếng toàn cầu. Thế nhưng người sáng lập ban nhạc vĩ đại nhất thế kỷ 20 ấy là John Lennon lại chẳng thể có mặt để chứng kiến dấu mốc lịch sử ấy.
Đúng ngày này 33 năm trước, huyền thoại này đã qua đời do năm phát súng nghiệt ngã của tên sát nhân Mark David Chapman. 8/12/1980 là ngày đen tối mà tạp chí Time từng viết “Ngày mà âm nhạc đã chết”.
Người con bất tử của Liverpool
Hình tượng John Lennon gắn liền với chiếc kính gọng tròn và cuộc đời ông cũng như một vòng tròn tuần hoàn. Nhìn lại từ góc độ lịch sử, người ta thấy dường như đã có một điềm gở khi John Lennon thực hiện cuộc phỏng vấn cuối cùng với tạp chí Rolling Stones ngày 5/12/1980: “Những gì giới phê bình mong muốn chỉ là những người hùng đã chết, giống như Sid Vicious hay James Dean. Tôi chẳng thiết tha gì việc được trở thành một người hùng đã khuất”. Trớ trêu thay, đó lại chính là những gì thế giới nhớ về ông, như một huyền thoại âm nhạc bất tử.
Cũng trong cuộc phỏng vấn ấy, John Lennon đã sẻ chia những cảm xúc trong thời điểm tái xuất. Khi ấy, ông đã biến mất khỏi âm nhạc 5 năm liền để dành thời gian cho người con trai Sean, như một sự bù đắp mà ông đã không thể dành cho con trai đầu lòng Julian mà ông có với người vợ cũ Cynthia. Album Double Fantasy ra đời tháng 11/1980 và khi ấy John Lennon đã có những bộc bạch rất thực: “Các nhà phê bình chỉ thích những nghệ sĩ đang trên con đường tiến tới đỉnh cao. Tôi chẳng thể leo lên đỉnh một lần nữa”.
Đỉnh cao ấy của sự nghiệp John Lennon chính là với The Bealtes, bên cạnh những người bạn Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr. Có tiền thân là ban nhạc Quarrymen mà John Lennon thành lập từ năm 15 tuổi, The Beatles có đội ngũ hoàn thiện vào năm 1962 với sự bổ sung tay trống Ringo. Ban nhạc rock&roll đến từ xứ sở sương mù này đã viết lại không chỉ lịch sử âm nhạc nước Anh mà còn toàn thế giới.
Bắt đầu tạo ra cơn sốt Beatlemania với những ca khúc như Love Me Do, Please Please Me... vào năm 1962, The Beatles dần chinh phục những ngọn Everest của vinh quang bằng sự biến đổi trong âm nhạc và sức sáng tạo vô biên của cặp bài trùng John Lennon - Paul McCartney. Được xưng tụng như cặp sáng tác xuất chúng nhất thế kỷ 20, họ là đồng tác giả của khoảng gần 200 bản nhạc, với nhiều trong số đó là những nhạc phẩm bất hủ như Yesterday, Let It Be hay Hey Jude...
Từ khi The Beatles xuất hiện trên sóng truyền hình Mỹ qua chương trình Ed Sullivan Show và thu hút tới 73 triệu lượt khán giả - số lượng người xem chương trình truyền hình Mỹ lớn nhất lịch sử vào thời điểm ấy - cho tới khi họ làm tan vỡ trái tim biết bao người hâm mộ khi tan rã năm 1970 là cả một sự chuyển biến lớn lao trong âm nhạc và phong cách.
Từ những chàng trai trẻ mặc vest lịch lãm và cắt đầu nấm cho tới những người đàn ông để râu tóc xồm xoàm giống như thể những gã hippie. Từ nhạc rock&roll mới mẻ cho đến những ca khúc pop ballad sâu lắng và rồi cả thể loại psychedelic rock lạ lẫm.
Từ những ca khúc chỉ nói đến tình yêu lứa đôi cho tới những bài hát mang âm hưởng thời cuộc với ca từ mang tính nổi loạn. Để cho ra đời những album tuyệt phẩm như Rubber Soul, Revolver, Sgt Pepper's Lonely Hearts Club Band hay Abbey Road, “tứ quái” đã trải qua mọi thái cực. Họ tự nhốt mình trong phòng thu hàng tháng trời, sử dụng chất kích thích để có cảm giác thăng hoa và còn tới Ấn Độ để học thiền.
Trong những tháng ngày nổi loạn ấy, John Lennon là thành viên của The Beatles bộc lộ sự bức xúc lớn nhất với chính quyền thời ấy. Ông từng có bản Revolution bất hủ để kêu gọi một cuộc cách mạng, với phần ca từ phản đối chủ trương xung đột: “We all want to change the world. But when you talk about destruction. Don’t you know that you can count me out...” (Chúng ta đều muốn thay đổi thế giới song nếu các người nói về sự hủy diệt, các người có thể loại tôi ra).
Tới năm 1970, The Beatles chính thức tan rã. Nhiều fan của ban nhạc vẫn oán hận Yoko Ono và cho rằng người phụ nữ này chính là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa bộ tứ trở nên không thể hàn gắn. Nhưng sau này, bà đã có lần lên tiếng phủ nhận: “Bàn tay tôi bé nhỏ, làm sao đập tan nổi những người đàn ông ấy”. Sự thật là thế nào chỉ có những người trong cuộc mới hay, còn với thế giới bên ngoài, John Lennon là người hăng hái thực hiện những cuộc cách mạng nhất sau khi ban nhạc tan rã.
Ông trở thành cái gai trong mắt chính quyền tổng thống Mỹ Richard Nixon khi chính thức chuyển tới New York sống vào năm 1971 nhằm thuận tiện hơn trong việc hoạt động chính trị và kêu gọi hòa bình. Những chỉ trích công khai về cuộc chiến Việt Nam khiến đế chế Nixon coi Lennon là kẻ nổi loạn cần bị loại bỏ và còn từng cố trục xuất ông khỏi Mỹ bởi lý do Lennon từng tàng trữ cần sa.
Thế nhưng bất chấp những nỗ lực ấy, John Lennon vẫn được cả thế giới biết tới như một đại sứ của hòa bình, trong khi những ca khúc kinh điển Give peace a chance và Imagine của ông được vang lên ở khắp nơi như thánh ca của phong trào phản chiến. Để rồi một cách bất ngờ nhất, John Lennon lìa giã cõi đời khi mới 40 tuổi, khiến người hâm mộ khắc khoải với câu hỏi: “Imagine John Lennon lives” (Hãy thử tưởng tượng nếu John Lennon còn sống).
Kẻ mơ mộng vĩ đại
Những ca từ của Imagine, ca khúc bất hủ của John Lennon, được xem như Quốc tế ca của hòa bình, của hy vọng. Trong tiếng nhạc piano du dương, John mặc bộ đồ trắng và kêu gọi mọi người hãy tưởng tượng về một ngày mai tươi sáng, một ngày mai khi thế giới này không còn chiến tranh, không còn bị chia rẽ bởi sắc tộc, tôn giáo hay những hận thù giết chóc. Chỉ còn lại đó tình huynh đệ và tình yêu, còn loài người sống vì hạnh phúc của ngày hôm nay...
Một thế giới của sự mơ mộng như John đã thừa nhận và nó thể hiện đúng bản chất con người ông. Chỉ một kẻ mơ mộng bậc nhất mới có thể tưởng tượng ra một thế giới hoàn hảo, chẳng hề có Thiên đường hay Địa ngục. Chỉ một thiên tài gan dạ nhất mới dám thách thức đế chế cầm quyền hùng mạnh, biến tuyên ngôn chính trị của mình thành một ca khúc và khiến nó thống trị những bảng xếp hạng.
Đã hơn bốn thập kỷ kể từ ngày Imagine ra đời, thế giới vẫn chưa một ngày ngưng tiếng súng. Xung đột vẫn xảy ra ở khắp nơi và giấc mơ của John Lennon vẫn chưa thể thành hiện thực. Nhưng có lẽ chính vì vậy mà tên tuổi ông vẫn luôn được nhắc tới hàng ngày, trong nỗi khắc khoải. Để rồi mỗi năm tới ngày 8/12, khu tưởng niệm Strawberry Field lại ngập tràn hoa hồng, nến và giai điệu những ca khúc của John lại vang lên khắp một góc công viên Central Park bởi ông “không phải kẻ duy nhất”. Vẫn còn đó những kẻ mơ mộng khác đang ngày ngày tưởng tượng về thế giới hòa bình mà John từng vẽ nên khi đang ngồi trên máy bay, nhìn qua cửa sổ và sáng tác Imagine.
Tờ Time có lẽ đã quá bi quan khi gọi ngày John ra đi là “ngày âm nhạc đã chết” bởi hình bóng John Lennon vẫn luôn tồn tại. Các sáng tác mà John để lại có thể được thống kê bằng những con số khô khan song những hạt giống của Tình yêu và Hy vọng mà ông đã gieo bằng âm nhạc là không thể đong đếm. Hình ảnh người đàn ông có gương mặt thư sinh ấy vẫn hiện lên trong tâm trí những người hâm mộ, trong những khúc tình ca của The Beatles vẫn được cất lên mỗi ngày, trong những biểu ngữ phản đối các cuộc chiến vô nghĩa...
Tại lễ bế mạc Olympic London 2012 - một sự kiện thể thao với mục đích đoàn kết lại quốc gia trong tình hòa bình và hữu nghị - John Lennon đã được sống lại qua màn hình lớn và hòa giọng cùng hàng trăm em nhỏ trong ca khúc Imagine. Đó là sự thừa nhận dành cho đứa con của thành phố cảng Liverpool, rằng ông đã trở thành một biểu tượng bất tử của văn hóa và sự khao khát hòa bình.
Thịnh Joey